.

Giao thông - gạch nối quan trọng

.

Đúng một tháng trước ngày diễn ra Hội thảo về liên kết các tỉnh, thành khu vực duyên hải miền Trung (từ Thừa Thiên-Huế đến Khánh Hòa) thì một tin vui đã đến: Bộ Tài chính Việt Nam và Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã ký các hiệp định vay vốn cho 2 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc với tổng trị giá 40,946 tỷ yên Nhật (tương đương 508 triệu USD); trong đó dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi có phần vốn 15,912 tỷ yên Nhật (tương đương 197,4 triệu USD).

 

Các tuyến đường ven biển được mở mang gần đây đã tạo cơ hội kết nối chuỗi đô thị ven biển miền Trung. Trong ảnh: Đường ven biển nối Quy Nhơn (Bình Định) và Tuy Hòa (Phú Yên). Ảnh: Nguyễn Thành
Các tuyến đường ven biển được mở mang gần đây đã tạo cơ hội kết nối chuỗi đô thị ven biển miền Trung. Trong ảnh: Đường ven biển nối Quy Nhơn (Bình Định) và Tuy Hòa (Phú Yên). Ảnh: Nguyễn Thành


Đây là tin vui, bởi nó thể hiện rõ ràng việc đưa dự án đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi đi gần đến hiện thực hơn với việc có nguồn vốn này, dự án sẽ khởi công vào đầu năm 2012. Đồng thời, dự án cũng là sự thể hiện quyết tâm cao độ của Chính phủ và các cơ quan chức năng trước những kiến nghị tha thiết của Đà Nẵng và các địa phương trong khu vực dự án từ cách đây khá lâu. Dự án cũng cho thấy việc kết nối giao thông thuận tiện sẽ tạo thuận lợi lớn cho phát triển của các địa phương, không chỉ từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi, mà sẽ tạo thành chuỗi tuyến cao tốc nối từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định trong tương lai; đồng thời tạo nên chuỗi liên kết giao thông ở cả tuyến trục Bắc - Nam cũng như Đông - Tây của khu vực này.

 

Theo ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, thì để làm tốt việc liên kết các tỉnh, thành trong khu vực, điều quan trọng là cần phải tập trung cho xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông để tạo điều kiện kết nối trong khu vực với hai đầu đất nước cũng như các quốc gia láng giềng. Thế nên, trước việc mở tuyến cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi, ông Lê Hữu Lộc đề nghị tiếp tục phối hợp kiến nghị mở tiếp đến Quy Nhơn (Bình Định) để tạo vệt liên kết thông suốt hơn trong thời gian tới.

Cùng với việc mở tuyến đường cao tốc đầu tiên trong khu vực đạt tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, với tốc độ thiết kế 120 km/giờ, tuyến cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi là phân đoạn lớn nhất của tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, góp phần hoàn thiện thêm hệ thống hạ tầng giao thông trong khu vực. Theo các nhà lãnh đạo địa phương, thì trong thời gian qua, với sự hỗ trợ nguồn vốn từ Trung ương, các tỉnh, thành đã phần nào hoàn thiện những tuyến đường quan trọng, tạo giao thông đường bộ tương đối thông suốt. Đó là cùng với tuyến QL 1A, tuyến đường Hồ Chí Minh... thì cũng đã hình thành các tuyến đường ven biển trong khu vực. Theo ông Đào Tấn Lộc, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, việc mở các đường ven biển có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh thức tiềm năng của những vùng đất này, tạo thế và lực mới trong việc khai thác kinh tế biển, phát triển công nghiệp, du lịch, vận tải... Đồng thời, các tỉnh cũng đang xúc tiến mở các đường phía Tây nhằm kết nối với khu vực Tây Nguyên và các nước láng giềng, cũng với một mục đích khai thác lợi thế so sánh về kinh tế biển của mình.

Theo các nhà phân tích, thì trong tính toán liên kết, cần phải xác định hạ tầng giao thông, trong đó có giao thông đường bộ, đóng vai trò quan trọng trong kết nối. Việc kết nối này, trước tiên là liên kết các trung tâm chính trị-kinh tế-xã hội, thủ phủ của các địa phương; là liên kết các chuỗi đô thị ven biển, đóng vai trò động lực cho phát triển của mỗi địa phương cũng như cả vùng như: Chân Mây, Đà Nẵng, Hội An, Vạn Tường, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang; là liên kết chuỗi các khu kinh tế như: Chân Mây-Lăng Cô, Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội, Nam Phú Yên và Vân Phong; là liên kết đường bộ trong hệ thống chuỗi cảng biển và cảng hàng không... Việc liên kết theo trục Bắc - Nam cũng cần được kết nối với trục Đông - Tây nhằm tạo kết nối giao thông với các tỉnh Tây Nguyên cũng như trong mối liên kết với các nước láng giềng qua Hành lang Kinh tế Đông - Tây...

Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống giao thông trong khu vực theo yêu cầu liên kết, nhất là với những tuyến giao thông trọng yếu, có chất lượng cao cần một nguồn vốn lớn, nằm ngoài tầm với của từng địa phương, kể cả của vùng. Từ thành công của việc liên kết trong kiến nghị mở tuyến đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi có dấu hiệu đi vào hiện thực, cho thấy việc ngồi lại với nhau để cùng tính toán, đi đến kiến nghị xây dựng các tuyến giao thông để hoàn thiện hệ thống hạ tầng trong khu vực duyên hải miền Trung là hết sức quan trọng. Có hoàn thiện được yếu tố này, cùng với việc phân định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của từng thành tố trong mối liên kết, thì mới hy vọng không có sự chồng chéo trong khai thác thế mạnh theo kiểu “đa cực đồng tuyến” trong khu vực đang diễn ra hiện nay.

Bài và ảnh: Nguyễn Thành

;
.
.
.
.
.