.

Hạn chế lao động “chui”...

.

 

Mô tả ảnh.
 

Từ ngày 1-8, Nghị định 46/NĐ-CP Sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 34/NĐ-CP về Quản lý lao động nước ngoài có hiệu lực. Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với bà TRẦN THỊ BÍCH LIÊN (ảnh), Trưởng phòng Việc làm-An toàn lao động thuộc Sở LĐ-TB&XH để hiểu rõ thêm về vấn đề này.

 

* P.V: Nghị định 46 có những điểm mới đáng chú ý nào so với những nghị định trước đây, thưa bà?

- Bà Trần Thị Bích Liên: Nghị định 46, sửa đổi bổ sung một số điều của nghị định 34 về quản lý lao động nước ngoài có nhiều điểm mới, như giảm thời gian cấp phép lao động cho người nước ngoài còn 10 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, việc cấp phép, quản lý lao động nước ngoài cũng được làm chặt chẽ hơn. Nghị định này quy định bổ sung việc đăng ký sử dụng lao động nước ngoài đối với các nhà thầu và các chủ đầu tư công trình, trách nhiệm của Bộ Công an, Bộ Công thương và vai trò trách nhiệm của các tỉnh, thành phố, quy định về điều kiện tuyển dụng lao động nước ngoài được nói rõ... quy định mới bắt buộc các nhà thầu phải đăng ký số lao động nước ngoài sẽ giúp cơ sở quản lý tốt hơn.

Tuy vậy, nếu áp dụng vẫn còn nhiều điểm hạn chế như: Chưa có tiêu chuẩn với lao động nước ngoài có trình độ chuyên môn kỹ thuật, nên nhiều lao động phổ thông nước ngoài được cấp phép, trong khi lao động trong nước chưa có việc. Ngoài ra, quy định trong vòng 60 ngày với yêu cầu tuyển 500 lao động và 30 ngày với yêu cầu tuyển dưới 500 lao động mà địa phương không giới thiệu hoặc đáp ứng nhu cầu tuyển dụng cho nhà thầu nước ngoài thì nhà thầu nước ngoài được xem xét cho phép tuyển lao động ngoại vào những vị trí công việc không tuyển được lao động Việt Nam. Tuy nhiên thời gian quy định ngắn từ 1-2 tháng thì việc địa phương chuẩn bị nguồn lao động rất khó. Do đó đành để nhà thầu tuyển dụng lao động nước ngoài.

* P.V: Nghị định mới ra đời liệu có giải quyết được tình trạng lao động không phép, lao động “chui” đã tồn tại nhiều năm nay ở Đà Nẵng?

- Bà Trần Thị Bích Liên: Thành phố Đà Nẵng hiện có 38 đơn vị doanh nghiệp, sử dụng trên 600 lao động người nước ngoài đến từ 22 quốc gia, trong đó, nhiều nhất là lao động đến từ Trung Quốc (trên 60%), sau đó đến Nhật Bản, Đài Loan, Úc. Lao động nước ngoài ở Đà Nẵng chủ yếu ở các dự án, doanh nghiệp... Trong số được cấp phép, những người có trình độ đại học chiếm 62%, còn lại là có chứng chỉ chuyên môn và ngành nghề truyền thống. Số lao động nước ngoài năm nay tăng hơn so với năm ngoái (năm 2010 chỉ khoảng 500 người). Số lao động chưa được cấp phép mà chúng tôi nắm được khoảng 200 người. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự xã hội, bởi không nắm được nhân thân, lý lịch của họ ở nước ngoài như thế nào, có tiền án tiền sự hay không.

Thực tế lâu nay, lao động nước ngoài vào Đà Nẵng bằng nhiều con đường như đi thăm người thân, đi du lịch rồi ở lại làm việc… nên rất khó quản lý. Cơ quan công an cũng biết, Sở cũng biết, nhưng việc xử phạt không dễ. Nếu họ vào dưới 3 tháng rồi về và quay lại thì mình cũng không làm gì được. Năm nào, Sở cũng phối hợp với các bên liên quan tổ chức thanh, kiểm tra các doanh nghiệp, đơn vị về nhiều mặt, trong đó có việc sử dụng lao động nước ngoài. Từ trước đến nay, chưa có lao động nước ngoài nào ở Đà Nẵng bị trục xuất, nhưng đoàn thanh tra đã có xử phạt một số doanh nghiệp vì sử dụng lao động không có giấy phép. Hầu hết những lao động người nước ngoài làm việc tại Đà Nẵng là những chuyên gia, kỹ sư đang làm việc ở các dự án lớn, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nên chủ sử dụng lao động không kê khai, đăng ký.

Theo Nghị định 46 mới ban hành, người nước ngoài thực hiện các gói thầu phải có kế hoạch, phương án cụ thể bao nhiêu người, trình độ chuyên môn... đưa vào hồ sơ xét thầu, chứ không phải ào ào đưa vào như hiện nay. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, tiếng nước ngoài vẫn là một hạn chế khá lớn của lao động nước ta khi làm việc ở các doanh nghiệp, nhà thầu nước ngoài khiến họ viện lý do này để sử dụng lao động đưa từ nước họ sang.

Hiện đã có Nghị định 46, chúng tôi đang chờ thông tư hướng dẫn của Bộ rồi tiến hành tập huấn cho các doanh nghiệp.

* P.V: Xin cám ơn bà.

PHƯƠNG TRÀ (Thực hiện)

;
.
.
.
.
.