.

Kết quả từ chủ trương giúp các xã miền núi Hòa Vang

Năm 1998, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Thông báo số 14-TB/TU chủ trương kết nghĩa giúp các xã miền núi thuộc huyện Hòa Vang, giao trách nhiệm cho từng Quận ủy và Đảng ủy trực thuộc tổ chức kết nghĩa đỡ đầu cụ thể cho một xã, trong đó có chủ trương tổ chức kết nghĩa giữa các đơn vị nội thành với các xã miền núi. Tổng kết 10 năm thực hiện, Ban Thường vụ Thành ủy coi đây là một chủ trương đúng đắn nên có chủ trương tiếp tục thực hiện kết nghĩa giúp đỡ các xã miền núi huyện Hòa Vang nhằm phát huy nội lực của thành phố đầu tư cho những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, rút ngắn dần sự chênh lệch về mức sống, sinh hoạt của người dân miền núi với đồng bằng, nội thị.


Thực hiện chủ trương của Thành ủy, MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động trong hội viên, đoàn viên nhằm tham gia giúp đỡ các xã khó khăn của huyện Hòa Vang bằng nhiều hình thức như gặp gỡ, tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng của hộ nghèo; trên cơ sở đó đề ra các biện pháp giúp đỡ cụ thể như hỗ trợ vốn vay, trao phương tiện làm ăn, xây dựng sửa chữa nhà, mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tổ chức các lớp học nghề cho nông dân với mục đích giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.


Các đơn vị, địa phương kết nghĩa tập trung đầu tư xây dựng nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, hỗ trợ các hộ đặc biệt nghèo, lắp đặt hệ thống điện cho các hộ dân khó khăn, tặng quà cho các hộ gia đình chính sách, nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật, trẻ mồ côi, người già neo đơn; sơn sửa phòng học, giúp đỡ các em học sinh nghèo vượt khó. Đặc biệt là Đảng ủy Khối Doanh nghiệp trong 3 năm (2008-2010) đã vận động hơn 1 tỷ đồng để xóa nhà tạm, hỗ trợ phương tiện làm ăn cho hộ đặc biệt nghèo, giúp đỡ vật chất học sinh nghèo vượt khó.  


BCH Quân sự thành phố phối hợp với các đơn vị Quân đội, Công an, Đoàn Thanh niên, sinh viên các trường đại học tổ chức hành quân dã ngoại, chiến dịch “Thanh niên tình nguyện hè” giúp nhân dân các xã Hòa Liên, Hòa Ninh, Hòa Bắc, Hòa Phú, Hòa Sơn xây dựng 6 nhà tình nghĩa, đào mới 10 giếng nước, 3 bể chứa nước sạch, đắp mới 1.800m đường giao thông nông thôn, 10 cống thoát nước, xây dựng đường bê-tông nông thôn; sửa chữa trường học, trạm y tế, nhà ở của dân; tổ chức khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc cho 2.850 người.


Thông qua các chương trình, dự án do Nhà nước đầu tư, Sở Giao thông-Vận tải triển khai xây dựng cầu qua sông Trường Định, đường đi từ thôn Nam Yên đến Trung tâm 05-06, tuyến đường Hòa Phú-Hòa Ninh. Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn sửa chữa nâng cấp công trình thủy lợi hồ Đồng Tréo, Hốc Khê (Hòa Phú), hồ chứa nước Hòa Trung, công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tại 2 xã Hòa Bắc và Hòa Liên, di dân vùng sạt lở Nam Yên (Hòa Bắc). Sở Giáo dục-Đào tạo hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho 18 trường học thuộc 5 xã miền núi, trang bị máy vi tính, thiết bị dạy học, sách giáo khoa. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Ủy ban MTTQ thành phố đã hỗ trợ xây dựng 351 nhà đại đoàn kết tại 5 xã với tổng kinh phí 5,63 tỷ đồng. Sở Thông tin và Truyền thông thiết lập truy cập Internet và điện thoại công cộng cho các xã miền núi để tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận với thông tin; hiện nay tại các xã đều có điểm giao dịch bưu chính và điện thoại công cộng, có mạng Internet băng rộng, điện thoại, báo Nhân Dân, báo Đà Nẵng đến ngay trong ngày. Sở Y tế hỗ trợ các Trạm Y tế trang thiết bị y tế, máy phát điện; tổ chức các đợt khám, chữa bệnh; đào tạo 148 nhân viên y tế thôn. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch trang bị 2.002 đầu sách, trang thiết bị âm thanh, ánh sáng.


Nhìn chung, MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội, các Quận ủy và Đảng ủy trực thuộc, lực lượng vũ trang, các doanh nghiệp đã có nhiều hình thức giúp đỡ hiệu quả cho các xã miền núi, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; thông qua đó, củng cố thực lực chính trị ở cơ sở.


Võ Ngọc

;
.
.
.
.
.