* Lùi thời gian xử phạt đi ngược chiều đến ngày 31-8
Gần 1 tháng triển khai thí điểm thực hiện lưu thông một chiều trên hai tuyến đường Nguyễn Chí Thanh và Lê Lợi - Phan Châu Trinh, tình hình giao thông tại hai tuyến này đã thông thoáng hơn, tai nạn cũng giảm hẳn và nhất là hầu hết người dân đều rất đồng tình.
Giao thông một chiều thông thoáng trên đường Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: ĐẮC MẠNH |
Giao thông thông thoáng, tai nạn giảm nhưng còn bất cập
Ông Trần Ngọc Huân, Phó Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải thành phố Đà Nẵng cho biết, việc đề xuất lên UBND thành phố phương án lưu thông một chiều tại hai tuyến đường này xuất phát từ thực tế tình trạng lưu lượng người tham gia giao thông rất đông, ảnh hưởng lớn đến giao thông trong đô thị. Từ khi triển khai đến nay, hiệu quả rất rõ rệt: Lưu lượng xe tham gia giao thông giảm, không còn ùn tắc, tai nạn cũng giảm hẳn và nhất là người dân rất đồng tình.
Ông Trần Quang Thành (75 tuổi), nhà ở đường Đống Đa (quận Hải Châu), một tài xế xe khách đường dài với 30 năm kinh nghiệm, hoan nghênh việc triển khai đường một chiều bởi nó giúp giao thông được thoáng hơn, xe chạy cũng ít phải tránh nhau nên hạn chế được va chạm. “Nếu có khả năng làm thêm nhiều tuyến đường một chiều như vậy thì càng tốt”, ông Thành nói.
Bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn một số bất cập từ việc lưu thông một chiều trên hai tuyến đường này. Theo Thượng tá Lê Ngọc, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Đà Nẵng, tại ngã tư Phan Châu Trinh - Phan Đình Phùng - Pasteur không đồng trục nên lưu thông còn lộn xộn. Tại nút ngã năm Phan Châu Trinh - Hoàng Diệu, Trần Quốc Toản, Trần Bình Trọng cũng khó khăn khi lưu thông theo chiều từ đường Hoàng Diệu và Trần Bình Trọng qua Trần Quốc Toản và ngược lại.
Chị Lý Thị Kim Anh (bán quán giải khát tại số nhà 137 Phan Châu Trinh) tỏ ra bức xúc bởi từ nhà chị xuống ngã tư Thái Phiên chỉ cách một đoạn ngắn nhưng phải đi vòng lên ngã tư Lê Hồng Phong rồi qua đường Nguyễn Chí Thanh nếu không muốn đi ngược chiều. Anh T. (một hộ dân kinh doanh trên đường Lê Lợi) nói, cửa hàng anh nằm bên trái đường một chiều nhưng theo quy định, xe phải đậu phía bên phải đường nên việc bốc dỡ hàng khi băng ngang qua đường gặp nhiều khó khăn và ảnh hưởng giao thông. Vấn đề này, theo Thượng tá Ngọc: Với những trường hợp xe đậu đỗ để bốc dỡ hàng hóa tại các điểm cấm dừng, hay đậu xe vào giờ cao điểm thì đơn vị phải gặp Sở GTVT xin cấp giấy phép bốc dỡ hàng hóa theo nhu cầu (về địa điểm, thời gian bốc dỡ hàng hóa…).
Nên lưu thông một chiều đường Hùng Vương, Lê Duẩn?
Sau một tháng thực hiện thí điểm lưu thông một chiều đường Nguyễn Chí Thanh và Lê Lợi - Phan Châu Trinh với những hiệu quả ban đầu của nó, vấn đề đặt ra là có nên tiếp tục tổ chức lưu thông một chiều trên một số tuyến đường khác ở trung tâm thành phố, trước mắt là đường Hùng Vương và Lê Duẩn?
Các phương tiện tham gia giao thông trên đường Hùng Vương. Nên chăng tổ chức lưu thông một chiều trên tuyến đường này cùng với đường Lê Duẩn? |
Nêu ý kiến về vấn đề này, Kiến trúc sư (KTS) Hồ Duy Diệm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Đà Nẵng, cho rằng đô thị Đà Nẵng được thiết kế theo kiểu bàn cờ nên những tuyến đường song song nhau cứ cách khoảng 40 - 50m lại có đường ngang. “Nếu có thể, tôi ủng hộ phương án tổ chức lưu thông một chiều cho nhiều tuyến đường khác ở Đà Nẵng, chẳng hạn như đường Lê Duẩn và đường Hùng Vương”, KTS Diệm nói.
Ông Huỳnh Việt Thành, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng, phụ trách quy hoạch, cũng ủng hộ đề xuất này. Theo ông Thành, do Đà Nẵng có đường hẹp nên lưu thông một chiều giải quyết được vấn đề an toàn giao thông. “Đường Lê Duẩn nối dài qua quận Sơn Trà, còn đường Hùng Vương chỉ tới đường Bạch Đằng nên điểm đầu và cuối hai đường này chưa tương đồng. Thêm nữa, đường Hùng Vương là tuyến đường trung tâm, tập trung nhiều trung tâm dịch vụ, thương mại… nên nếu có ý định triển khai lưu thông một chiều trên hai tuyến này thì cần phải nghiên cứu thật kỹ trước khi thực hiện”, ông Thành phân tích.
Theo KTS Diệm, lưu thông một chiều cũng chỉ được coi là biện pháp “chữa cháy” để hạn chế tình trạng giao thông lộn xộn. Còn về lâu dài để bảo đảm trật tự an toàn giao thông, kiềm chế tai nạn do giao thông, thì thành phố cần tính đến không gian quy hoạch hợp lý. “Vấn đề là làm sao cho người dân mỗi khi ra đường thì không còn lo ách tắc hay tai nạn giao thông. Muốn vậy thì phải quy hoạch đồng bộ, phải làm sao xây dựng một hệ thống đầy đủ tất cả các công trình (trường học, nhà trẻ, bệnh viện, chợ…) trong một khu vực chung theo bán kính phục vụ. Như vậy, người dân sống trong khu đó chỉ cần đi bộ là đã bảo đảm đầy đủ nhu cầu cuộc sống, không phải đi lại nhiều thì sẽ giảm lượng người và phương tiện tham gia giao thông”, ông Diệm nói.
Đắc Mạnh
Lùi thời gian xử phạt đi ngược chiều đến ngày 31-8 Chiều ngày 28-7, đánh giá tại cuộc họp sơ kết một tháng triển khai tổ chức giao thông một chiều trên đường Nguyễn Chí Thanh, Lê Lợi-Phan Châu Trinh do Sở GTVT tổ chức cho thấy, đại đa số người tham gia giao thông đã tuân thủ chiều giao thông quy định, giảm được đáng kể các xung đột tại các điểm giao nhau, hạn chế tình trạng ùn tắc cục bộ, tăng khả năng lưu thông các phương tiện, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông… Để việc lưu thông một chiều trên hai trục đường này được tốt hơn, UBND thành phố đã có ý kiến chỉ đạo lùi thời gian xử phạt khi đi ngược chiều đến hết ngày 31-8, thay vì ngày 1-8 như trước đây. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng như CSGT, Thanh tra giao thông, Quy tắc đô thị quận Hải Châu tiếp tục tổ chức trực hướng dẫn người tham gia giao thông đi đúng chiều quy định. T.S |