.

Mưu sinh sau 0 giờ

.
Khi màn đêm buông xuống, phố phường Đà Nẵng nhộn nhịp hẳn lên.  Cái nhộn nhịp ấy cũng dần lặng đi khi bầu trời chìm vào ban khuya. Sự yên ắng thấm vào từng con hẻm, ngõ kiệt. Trên phố chỉ còn những con người nhọc nhằn thức đêm lao động. Đấy là bác xích lô, người nhặt ve chai, chị bán trứng vịt lộn... Tôi cũng đã có một đêm trắng “lao động” để tìm hiểu công việc, hoàn cảnh gia đình của họ.

Mô tả ảnh.
Bác xích-lô tranh thủ chợp mắt khi không có khách.
1 giờ, chúng tôi có mặt trước Công viên 29-3. Dưới ánh đèn cao áp, thấp thoáng một người đàn ông lớn tuổi đang cầm chổi quét khoảng khuôn viên rộng lớn phía trước. Lân la tìm hiểu, mới biết người đàn ông đó là ông Võ Văn Kiện (76 tuổi), trú phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ. Qua câu chuyện, ông cho biết đến đây để giữ xe cho những người đi thể dục sớm. Ông làm công việc này từ sau ngày giải phóng. Mỗi tối, sau khi xem xong chương trình thời sự, ông bắt đầu đi ngủ cho đến 23 giờ 30 thì dậy pha ấm nước trà. 12 giờ, ông có mặt tại Công viên 29-3. Ông bắt đầu cầm chổi quét sạch một khoảng đất rộng trước công viên. “Nếu mình không quét sạch sẽ, nhiều người vô ý thức sẽ vứt rác bừa bãi, mất mỹ quan, các phương tiện ô-tô, taxi dừng đỗ gây mất trật tự...”, ông Kiện cho biết.
 
Và khoảng 2 giờ 30 bắt đầu công việc giữ xe cho những người đi tập thể dục sớm. Ngày nắng cũng như ngày mưa, khuya nào ông cũng có mặt để quét dọn, giữ xe đều đặn. Những lúc đau ốm, vợ, các con ông lên thay. Chính nhờ công việc này, ông đã nuôi đàn con khôn lớn. Nay dù đã đến tuổi “gần đất xa trời”, ông vẫn còn làm để mưu sinh. “Các con đã có gia đình hết cả rồi, nếu không đi làm thì lấy gì để sống. Hơn nữa, cái nghề này đã gắn bó với tôi gần trọn cả cuộc đời. Đêm nào mà không đi làm thì thấy nhớ người, nhớ cảnh. Tôi sẽ làm công việc này cho đến khi không còn đi được nữa mới thôi”, ông Kiện chia sẻ.

Chia tay ông Kiện, chúng tôi tiếp tục đi tìm những người mưu sinh sau 0 giờ. 2 giờ 30, chúng tôi có mặt tại ngã tư đường Ngô Gia Tự - Lê Duẩn. Đèn pha mờ mờ, một chiếc xe đạp cũ kỹ chở đầy ve chai đang dựng bên đường, một người đàn ông trạc tuổi 70 dựa vào tấm biển quảng cáo trên vỉa hè gà gật ngủ. Chuyện trò một hồi, ông tỉnh ngủ hẳn và trút bầu tâm sự. Ông tên là Tôn Thất Đình (69 tuổi), quê huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Gia đình nghèo, con lại đông nên không có điều kiện để nuôi. Vợ chồng ông đã cho vợ chồng người nước ngoài 2 đứa con cuối. Đã nhiều năm, ông bà không hay tin tức gì của con cái mình. Kể tới đây, giọng ông chùng lại, đôi mắt tèm nhèm cố giấu những giọt nước mắt chực trào. Ông nói tiếp: “Gia đình tui khổ lắm chú ơi! Tui phải dạt vào Đà Nẵng hơn 10 năm nay để sinh sống.
 
Mô tả ảnh.
Ông Kiện giữ xe cho khách đi tập thể dục sớm trước Công viên 29-3.
Trước đây, tui làm nghề ăn xin, nhưng khi thành phố cấm, tui chuyển qua bán vé số. Đi cả ngày mệt lả nhưng số tiền kiếm được không bù công đi. Cuối năm 2006, tui chuyển sang làm nghề nhặt ve chai. Cũng thật oái oăm bởi ban ngày có hàng trăm người cùng đi nhặt nên không kiếm được bao nhiêu. Để có tiền gửi về cho vợ ở quê, tui phải chuyển qua nhặt đêm. Vất vả hơn một chút nhưng nhặt nhạnh được nhiều nên tui cũng cố...”. Buổi tối, bắt đầu đi từ 8 giờ, 5 giờ sáng ông mới về. Những đêm may mắn cũng kiếm được mấy chục nghìn đồng để nuôi vợ con...

Cùng cảnh với ông Đình, anh Nguyễn Văn Lợi, trú đường Trần Cao Vân, quận Thanh Khê cũng chọn công việc nhặt ve chai. Ban ngày đi hàng chục cây số nhưng do kiếm không được bao nhiêu nên ban đêm anh tranh thủ làm thêm. Suốt 2 năm qua, không có con đường nào trên thành phố Đà Nẵng anh không bước qua để nhặt nhạnh những thứ mà người ta vứt đi để bán lấy tiền nuôi bố mẹ già. “Đêm nào tôi cũng thấy anh đi nhặt ve chai. Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng tôi để ý anh chưa bao giờ lấy một thứ gì của ai. Anh rất hiền và đáng quý!”, một người dân tại đường Hoàng Hoa Thám nhận xét về anh.

Không chỉ có những người nhặt ve chai mà các bác xích lô, chị bán trứng vịt lộn, những người sửa xe đêm... cũng cố thức đêm để lao động. Tại Bến xe Đà Nẵng, một bác xích lô đang nằm nghiêng mình ngủ trên chiếc xe. Nghe tiếng động, bác xích lô tỉnh giấc vì tưởng có khách gọi. Qua tìm hiểu được biết, bác tên là Nguyễn Hữu Hòa (55 tuổi), trú phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu. Đã hơn 20 năm nay, bác đạp xích lô chở khách nuôi gia đình. Tâm sự với tôi, bác cho biết: Xích lô thì không thể cạnh tranh nổi với xe thồ nên ban ngày bọn tui chạy chả được mấy cuốc. Vì vậy, ban đêm phải tranh thủ chở những người khách lỡ đường, chở hàng cho những người đi chợ sớm. Đêm nào mà không dắt chiếc xích lô ra đường coi như chân tay tôi cảm thấy ngứa ngáy khó chịu. Những lúc mệt mỏi thì tranh thủ ngủ ngay trên chiếc xích lô của mình. Cứ thế, công việc của tôi cứ lặng lẽ trôi đi...

Và còn nhiều người khác cũng đang đua với thời gian để mưu sinh. Vì đặc thù công việc hoặc vì sức khỏe nên khi trời sáng họ không thể tranh giành với những người khác. Tất cả họ phải gồng mình để kiếm những đồng tiền chân chính từ sức lao động của mình nuôi sống gia đình, con cái có tương lai hơn...
          
Bài và ảnh: TRƯỜNG SƠN
;
.
.
.
.
.