.

Nén bạc đâm toạc tình thâm

.

Người ta thường nói: “Miếng bạc đâm toạc tờ giấy” nhưng giờ đây, dưới sự tác động của tốc độ đô thị hóa, nó còn đâm toạc nhiều thứ, trong đó có tình nghĩa vợ chồng, cha mẹ, anh em... để lại bao nước mắt và nỗi đau không nói thành lời...

 

Mô tả ảnh.
Đô thị hóa nhanh, làm thay đổi diện mạo thành phố, nhưng kéo theo sau nó là những hệ lụy. (Ảnh chụp tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà).

Đã xa rồi cái thời Đà Nẵng còn là địa phương bán nông, bán thị, làng xóm đìu hiu xen với vùng đầm lầy hoang vắng. Tiến trình đô thị hóa diễn ra nhanh và mạnh đã làm thay đổi đáng kể bộ mặt thành phố. Một loạt các khu đô thị mới ra đời, đường sá khang trang, sạch đẹp… Bên cạnh mặt tích cực của quá trình đô thị hóa đối với người dân nông thôn là những tác động tiêu cực đến nhiều gia đình, trong đó, những thửa ruộng, rẻo đất xưa kia bỗng có giá hàng trăm, hàng tỷ đồng đã làm nảy sinh mâu thuẫn trong nhiều gia đình.

 

Ông Nguyễn Thanh Minh và Bà Phan Thị Ngọc (ở xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) sinh được 4 người con. Vợ chồng ông Minh vẫn thường tự hào rằng lúc tuổi già có đông đủ con cháu quây quần bên cạnh, chăm sóc, báo hiếu. Mọi chuyện chỉ nảy sinh khi ông Minh, bà Ngọc lần lượt qua đời mà không để lại di chúc.

Sự việc nóng dần lên khi  Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Khu công nghệ cao Đà Nẵng, có diện tích 1.010 héc-ta, nằm trên địa phận hai xã Hòa Liên (700 héc-ta) và Hòa Ninh (300 héc-ta) của huyện Hòa Vang. Thế là mảnh đất hơn 2 ngàn mét vuông của vợ chồng ông Minh để lại bỗng tăng giá không ngờ, các con ông bắt đầu quay ra xâu xé lẫn nhau, ai cũng muốn giành phần hơn vì cho rằng mình phụng dưỡng cha mẹ được nhiều hơn, có “công” lớn hơn. Lời qua tiếng lại, không ai chịu ai, cuối cùng đành nhờ tòa phân xử. Tuy phiên tòa đã kết thúc, nhưng tình nghĩa anh em  cũng “bay” theo bởi những ganh tỵ, hiềm khích vẫn chưa chấm dứt.


Lại một câu chuyện đau lòng khác. Hai cụ Văn Nam và Lê Thị Hoa (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) có với nhau 8 mặt con. Đến năm 1984, người con thứ ba là anh Hùng lập gia đình, hai ông bà tạm bố trí cho vợ chồng anh này một ngôi nhà có vườn để ở. Do nhà cũ quá dột nát, vợ chồng anh Hùng đã bỏ tiền làm lại nhà mới. Khi ông cụ mất đi, bà cụ muốn vợ chồng ông Hùng chia bớt mảnh đất có diện tích hơn 500m2 cho vợ chồng cô em gái cũng đang khó khăn vì nhà ở nhưng ông Hùng không chịu, với lý do mình đã đóng thuế đất nhiều năm nay.

Cực chẳng đã, bà cụ gần đất xa trời phải vác đơn đi “kiện” con trai mình tại tòa. “Nào tôi có ham muốn gì, chỉ mong đứa nào cũng có chỗ ở ổn định. Đưa nhau ra tòa cũng muối mặt lắm nhưng không còn cách nào khác”, bà cụ phân trần. Mặc dù vợ chồng ông Hùng đã làm đơn kháng cáo nhưng Tòa án Nhân dân quận Sơn Trà vẫn xử buộc vợ chồng ông phải chia mảnh đất đó cho cô em gái. Dù thắng kiện nhưng em gái và mẹ ông Hùng cũng chẳng vui vẻ gì, bởi khi cánh cửa tòa khép, họ đã coi nhau như thù địch.


Theo số liệu từ Tòa án Nhân dân thành phố Đà Nẵng, nếu như 6 tháng đầu năm 2010, tòa xử hơn 30 vụ khiếu kiện về đất đai, thì 6 tháng đầu năm 2011, đã có hơn 40 vụ được xử. Đó là chưa kể khá nhiều vụ mâu thuẫn, tranh chấp đất đai giữa các thành viên trong gia đình đã được các tòa án cấp quận, huyện xử lý.
Đô thị hóa là một quá trình tất yếu, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. Bên cạnh đó, nếu không gìn giữ, phát huy, mọi rường cột, đạo đức, các mối quan hệ trong gia đình sẽ lung lay theo cơn lốc của đồng tiền.

Bài và ảnh: KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.