.

Người cao tuổi thành phố Đà Nẵng: Vui, khỏe, sống có ích

.
Ai đã một lần đến Đà Nẵng, đều ngạc nhiên khi không thấy có bóng dáng người già, trẻ con lang thang xin ăn trên đường phố. Và họ rất thích thú với hình ảnh đông đảo các cụ ông, cụ bà tập dưỡng sinh mỗi sáng... Đó chỉ là những phần rất nhỏ trong kết quả Chương trình hành động quốc gia về Người cao tuổi, giai đoạn 2006-2010 của thành phố Đà Nẵng.

Mô tả ảnh.
Người già ăn bữa sáng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng.
 
Người già không cô đơn

Bước sang cái tuổi 71, nhưng cụ bà Trần Thị Lục (quê ở xã Hòa Liên, Hòa Vang) vẫn nhớ vanh vách chuyện của ngày xưa, cái ngày mà bà còn là một thiếu nữ đẹp. Duyên số trêu đùa người con gái bất hạnh nên dù không ít người ngấp nghé mà chẳng “bén” một ai. Vậy là bà đành về nương nhờ bên mẹ. Mẹ già mất đi, không chồng con, bà về ở với người anh họ. Được một thời gian, ra đụng vào chạm, một chiều ảm đạm bà dứt áo ra đi, tự lo cho mình lúc tuổi già xế bóng. Không may, trong một lần đi, bà bị té gãy chân, thành tàn phế. Và bà được đưa vào sống ở Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng. “Nếu không có mấy cô chú ở trung tâm, có lẽ tôi cũng không có chỗ dừng chân. Cảm ơn thành phố đã tạo điều kiện cho những người như chúng tôi có được mái nhà ấm áp này” - bà Lục bộc bạch.

Còn ông Nguyễn Thành Sanh, bị “phát hiện” và đưa vào đây trong một lần đi lang thang xin ăn ngoài đường. Nhìn ông Sanh, ít ai biết, trước đây ông cũng đã từng ra Bắc vào Nam với đủ mọi nghề. Sau thất bại với mối tình đầu, cha mẹ chết, không nhà cửa, không vợ con, ông Sanh đành lấy đường làm nhà. Ông Sanh xúc động nói: “Ở đây cuộc sống rất thoải mái, mọi người  thương nhau như anh em một nhà”.

Hiện thành phố có hơn 1.000 người cao tuổi neo đơn không nơi nương tựa được đưa vào nuôi dưỡng tập trung tại các Trung tâm, Mái ấm tình thương và hưởng trợ cấp hằng tháng, ngân sách thành phố cũng đã chi cho các hoạt động xã hội này với kinh phí 1,1 tỷ đồng/năm. Trong đó, Trung tâm Bảo trợ xã hội hiện nuôi dưỡng 52 cụ; Trung tâm Phụng dưỡng người có công phụng dưỡng trên 60 cụ; Mái ấm tình thương và các cơ sở bảo trợ xã hội khác nuôi dưỡng trên 50 cụ.

Chung tay vì người cao tuổi

Hiện nay, toàn thành phố có hơn 73 ngàn người cao tuổi, chiếm tỷ lệ 7,5% so với tổng dân số. Đa số người cao tuổi sống cùng con cháu, một số ít phải tự lực cánh sinh.
Vừa qua, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 07/2011/QĐ-UBND điều chỉnh đối tượng từ 80 tuổi trở lên và tăng mức trợ cấp cho các đối tượng bảo trợ xã hội lên 15% và mua thẻ bảo hiểm y tế hằng năm, khi các cụ chết được hỗ trợ mai táng phí 3 triệu đồng/người. Đối với người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hoặc thuộc diện hộ nghèo; người cao tuổi còn vợ hoặc chồng nhưng già yếu không có con, cháu, người thân thích để nương tựa có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hoặc gia đình thuộc diện hộ nghèo được hưởng mức trợ cấp từ 210.000 đồng/người/tháng đến 410.000 đồng/người/tháng.

 Sở Y tế thành phố cũng đã chỉ đạo các bệnh viện, Trung tâm Y tế quận, huyện tổ chức khám, chữa bệnh cho người cao tuổi và đưa vào diện đối tượng ưu tiên được phục vụ. Hằng năm, phối hợp với Hội Người cao tuổi tổ chức khám bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho trên 10 ngàn  lượt người cao tuổi. Đặc biệt, Bệnh viện Điều dưỡng, phục hồi chức năng đã thành lập Khoa Người cao tuổi - Bệnh nghề nghiệp từ năm 2001 với 50 giường và 12 cán bộ, nhân viên với đầy đủ trang thiết bị y tế, cán bộ được đào tạo chuyên khoa sâu về người cao tuổi. Hằng năm, có gần 20 ngàn lượt cụ được khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí. Hơn 8 ngàn cụ được cấp xe lăn, xe lắc, máy trợ thính, dụng cụ phục hồi chức năng, với số tiền trên 2 tỷ đồng... 

Trung tâm Thể dục-thể thao người cao tuổi được thành lập là nơi các cụ có thể luyện tập thể dục-thể thao, rèn luyện sức khỏe. Một số câu lạc bộ như: Thái Phiên, Câu lạc bộ Thơ Hàn Giang, Câu lạc bộ thơ Đường, Câu lạc bộ Sinh vật cảnh, Câu lạc bộ Thể thao bơi lội, cờ tướng... là nơi các cụ được vui chơi, rèn luyện thân thể. Ở hầu hết khu dân cư, người cao tuổi không chỉ tham gia các tổ chức Đảng, tổ dân phố, các đoàn thể mà còn là lực lượng nòng cốt trên nhiều lĩnh vực. Bình quân, mỗi năm có gần 52 ngàn gia đình có người cao tuổi đạt chuẩn gia đình văn hóa. Hiện nay, thành phố có đến hơn 32 ngàn người cao tuổi tham gia sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp, là chủ trang trại, giám đốc, phó giám đốc các doanh nghiệp... Qua đó, góp phần xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu cho gia đình, cho cộng đồng.

Bài và ảnh: KIM NGÂN
;
.
.
.
.
.