.

Người CCB làm giàu từ cây quế Trà My

.
Nhân dịp 60 năm kỷ niệm Ngày chiến thắng Hà Nam Ninh (chiến dịch Quang Trung), vợ chồng tôi đã chống gậy về thăm gia đình ông Nguyễn Văn Đương, một cựu chiến binh, là thương binh, đồng đội, đồng khóa, đồng môn, cùng vào sinh ra tử với tôi đánh công kiên diệt đồn Bút Nổi (Ninh Bình) tối 29-5-1951.
 
Mô tả ảnh.
Giám đốc Công ty Hương Quế, Nguyễn Xuân Sơn (bìa trái) làm việc với bà Katsuko Komatsu (thứ 2, phải sang), Giáo sư Trường Đại học Toyama Nhật Bản sáng 25-7-2011.
 
Trận đánh đó, tôi chỉ huy hai khẩu DKZ đặt cách bảy mét diệt tan 3 lô cốt, riêng phía ông Đương gặp khó khăn, địch cố thủ để đợi viện binh, nên ông đã xung phong ôm bọc phá lao vào lỗ châu mai nổ tung lô cốt cố thủ của địch tạo thuận lợi cho tiểu đoàn 400 Trung đoàn 9 của đồng chí Hoàng Nghĩa Khánh (sau này là Trung tướng, đã nghỉ hưu) và tiểu đoàn 353 Trung đoàn 9 của đồng chí Đỗ Đức (sau này là Trung tướng, Phó Tổng tham mưu trưởng, đã nghỉ hưu) diệt đội quân ứng chiến của Pháp từ Phát Diệm về cứu nguy đồn Bút Nổi đã bị diệt ở Giang Nải. Trận đánh công đồn - diệt viện của trung đoàn 9 sư đoàn 304 thắng lợi trong đêm 29 ngày 30 tháng 5 bắt nhiều tù binh, thu nhiều chiến lợi phẩm đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen ngợi; nhưng ông Đương bị sức ép bộc phá hất tung xuống ruộng bùn bị thương nặng bất tỉnh được đồng đội đem về hậu phương cứu chữa...

Từ cầu Bến Thủy dọc đê sông Lam, chúng tôi về xã Hưng Châu (Hưng Nguyên-Nghệ An) quê ông. Tôi rất bỡ ngỡ không tin vào mắt mình vì quê ông nay đã khác xưa, nhà cửa mọc lên san sát. Đang phân vân tìm người hỏi nhà ông Đương thì rất may được một ông cán bộ địa phương vừa tới. Nghe câu hỏi của tôi, ông liền giơ tay chỉ và nói: Nhà ông Đương, bà Hòe nhà mái ngói đỏ tươi đó nờ!

Biết chúng tôi là đồng đội cũ của ông Đương, tiện đường, ông cán bộ này dẫn chúng tôi đi, vừa kể chuyện: - Xưa ông Đương rất nghèo, bây giờ đã vươn lên giàu sang có tiếng trong vùng, nên ai cũng khâm phục. Vợ chồng ông Đương có 4 cha con là CCB, là lính Cụ Hồ mang bản chất và truyền thống Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Ba lần tiễn con đi bộ đội, ba lần đón con hoàn thành nhiệm vụ xuất ngũ trở về, ông bà đều nhắc đến lời giáo huấn của Bác Hồ: “Không có việc gì khó/Chỉ sợ làm không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”.
Ông luôn dạy con: Người thanh niên không có dũng khí thì không làm nên cơ nghiệp gì.

Câu chuyện vượt khó làm giàu của các con ông Đương cuốn hút tôi.

...Vâng lời bố mẹ, sau khi phục viên, anh Nguyễn Xuân Sơn con cả ông bà Đương và anh cả của các em đều là CCB, mang ba lô con cóc đi tìm kế mưu sinh khắp nơi. Vào Quảng Nam - Đà Nẵng, nhờ sự giúp đỡ và hợp tác của bạn bè , anh bươn bả khắp nơi. Anh đã phát hiện cây quế Trà My nổi tiếng từ lâu. Với sáng kiến sử dụng nguyên liệu quế để làm tấm lót trong giày. Công việc sản xuất, kinh doanh của công ty do anh làm Giám đốc được lãnh đạo Sở công thương,  thành phố Đà Nẵng và địa phương nơi sản xuất đồng tình ủng hộ tạo mọi điều kiện , nên công ty ngày càng phát triển. Doanh số năm sau cao hơn năm trước. Giải quyết được nhiều lao động tại địa phương.

Câu chuyện đang kể dang dở thì vừa đến cổng, ông cán bộ vội gọi: Ông bà Đương ơi! Có khách Hà Nội nì.
Hai gia đình gặp nhau thật vui, tình thâm thắm thiết. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau sôi nổi như gặp nhau sau trận đánh may mắn còn sống sót trở về và kể chuyện chiến thắng.  Bà Hòe và bà Mai cũng vui như hai chị em xa nhau lâu ngày nay mới gặp. Sau mấy phút hàn huyên uống nước chè xanh xứ Nghệ có mùi gừng thật thơm ngon. Ông CB vừa nói: Ông Đương bị nặng tai, tôi lại là cán bộ địa phương rất thân thiết nhà ta ở đây nên tôi xin thay ông Đương để nói tiếp câu chuyện kể dở dang vừa rồi.

- Chớp được thời cơ vàng này, anh Sơn về nhà bàn bạc huy động vốn của gia đình, bà con, tìm cán bộ quản lý để xây dựng xí nghiệp, động viên khuyến khích nông dân địa phương Quảng Nam trồng quế để làm nguyên liệu. Nhờ có chính sách khuyến khích thỏa đáng, hàng chục hecta quế được trồng mới, thu hút hàng trăm lao động từ thu mua chế biến nguyên liệu đến sản xuất ra sản phẩm. Một số là con em trong CCB, bộ đội xuất ngũ ở các nơi về trực tiếp để sản xuất ra các loại lót giầy. Vượt qua những khó khăn lúc mới thành lập, năm đầu Xí nghiệp đã sản xuất được hai , ba vạn đôi, 5 năm sau đã vươn lên gần một triệu đôi/năm, và đã hình thành hệ thống đại lý phân phối khắp các tỉnh, thành trong cả nước, giải quyết được nhiều người nghèo là con em cán bộ, CCB, thương binh, liệt sĩ. Lót giày thương hiệu Hương Quế của Giám đốc Nguyễn Xuân Sơn đã được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng, vượt đại dương qua Nhật - Hàn và các nước châu Âu.  Hằng năm việc kinh doanh xuất khẩu với nhiều nước nên anh Sơn phải xuất ngoại ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Thấy anh đi nước ngoài nhiều, bà con láng giềng nói vui: Anh Sơn xuất ngoại nhiều hơn bà con đi chợ Vinh.

Ông cán bộ ra vẻ thân thiết gia đình ông Đương đến tủ chè lấy các giải thưởng, các bài báo, ảnh chụp ở nước ngoài của anh Sơn, khoe:

- Nào giải thưởng Quả Cầu Vàng cao quý này đây.
- Này Huy chương vàng của Bộ Công thương và Liên hiệp các Hội Khoa học-Kỹ thuật Việt Nam.
- Nào Cúp sản phẩm được người dân Thủ đô yêu thích.
- Này Bằng khen của UBND thành phố Đà Nẵng...

Năm 2010, sản phẩm lót giày Hương Quế đã được chọn làm quà tặng tại Hội nghị ASEAN +7 tại TP. Đà Nẵng.

Là một doanh nhân thành đạt, anh Sơn còn làm tốt các chính sách Nhà nước, cứu trợ đồng bào thiệt hại vì bão lụt, giúp đỡ các gia đình CCB, thương binh-liệt sĩ, bộ đội, giúp đỡ các bạn già của bố mẹ khi ốm đau, bệnh tật.

Với sự năng động, sáng tạo như vậy ai cũng biết nhưng chính cái tâm cái đức, nhân cách, ân nghĩa thủy chung, không thu vén cá nhân, biết đặt lợi ích chung lên trên hết, gắn quyền lợi người sản xuất, người tiêu dùng, người quản lý được công bằng minh bạch nên mới tạo được sức mạnh của mọi người trong doanh nghiệp phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất. Doanh nghiệp ăn nên làm ra, mọi thành viên ai cũng có cơm no áo đẹp, nên họ giành toàn tâm, toàn ý làm cho thương hiệu Hương Quế được tỏa hương mãi mãi...

Thết chúng tôi bữa cơm cây nhà lá vườn, cá thả ao nhà tươi rói, tương cà Xứ Nghệ đậm đà. Chúng tôi mừng cho gia đình ông Đương từ nghèo khổ đã đổi đời cập bến giàu sang như ngày nay. Đúng như bức trướng trên tường “Ngũ phúc lâm môn” (Năm phúc vào nhà: Phúc, lộc, thọ, khang, ninh) tặng ông đại thọ chín mươi tuổi.
 
HUỲNH THÚC CẨN (Đại tá CCB Hà Nội, 84 tuổi)
;
.
.
.
.
.