Ông Nguyễn Đình Sơn ở thôn Lệ Sơn 1, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang là một cá nhân điển hình về người thương binh kiểu mẫu và thực hiện tốt Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Lời Bác dạy về người thương binh cách mạng “tàn nhưng không phế” luôn tỏa sáng trong tâm trí ông Sơn, động viên khích lệ ông bền bỉ phấn đấu vươn lên. Hồi mới xuất ngũ, hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, nhưng người thương binh này không cam chịu cái nhục đói nghèo mà luôn năng nổ tìm cách làm ăn để ổn định cuộc sống.
Ông mạnh dạn vay vốn xây dựng một khu nuôi cá và heo liền kề nhau, nhằm tận dụng phân heo làm thức ăn cho cá. Khéo tiện tặn, tích lũy, lấy ngắn nuôi dài, một thời gian sau, ông thuê thêm 3.000m2 đất tại nỗng Lệ Sơn để xây dựng chuồng nuôi heo siêu nạc, đồng thời đào ao nuôi cá trê và đắp hồ nuôi cá tràu trên cát. Chuồng nuôi heo siêu nạc được ông ngăn thành 24 ô, mỗi ô nuôi 30 con. Heo ăn, uống đều thông qua thiết bị tự động. Mỗi lứa heo từ 4-5 tháng, khi xuất chuồng, bình quân nặng 100kg/con và đạt lãi ròng hơn 40 triệu đồng. Còn cá trê ông Sơn nuôi trong các ao đất đào, mỗi năm nuôi một lứa với 20.000 con cá giống, đem lại khoản lãi trên 30 triệu đồng.
Ông Sơn là người nuôi cá tràu trên cát đầu tiên ở Đà Nẵng. Ông làm 7 hồ nổi trên mặt đất cát bằng cách lấy bao tải đựng cát chất thành bờ bao quanh từng hồ, rồi mua bạt trải lên và bơm nước vào. Phía trên những hồ này đều có căng lưới che nắng để bảo đảm độ ẩm cho cá phát triển. Ông nuôi mỗi lứa 50.000 con cá giống, dùng giếng bơm thay nước hằng ngày và luôn giữ mực nước sâu khoảng 0,7 mét. Thức ăn nuôi cá tràu là cá biển tươi, thái nhỏ, trộn với bột thức ăn của hãng BIO và cho ăn mỗi ngày từ 2 - 3 lần.
Người CCB này thường lấy tấm gương tự học của Bác Hồ để phấn đấu noi theo và dạy bảo con cháu học tập. Tất cả quy trình kỹ thuật về chăn nuôi heo và cá các loại đều do ông tự tìm tòi, học hỏi. Việc phòng ngừa dịch bệnh cũng do ông tự tay làm và hướng dẫn lại cho những người lao động. Theo ông, người chăn nuôi phải trực tiếp thực hiện phòng, chữa bệnh cho vật nuôi thì mới bảo đảm kịp thời, chứ khi thấy con vật bị bệnh mà còn phải chạy vạy nhờ nhân viên thú y là sẽ chậm trễ.
Với mô hình chăn nuôi sáng tạo này, ông Sơn đã đưa gia đình vươn lên đứng vào hàng những hộ khá giả của xã Hòa Tiến. Ngoài chuyện làm giàu, ông còn hăng hái tham gia công tác địa phương, nhiều năm được bầu làm Bí thư chi bộ, thôn trưởng, chi hội trưởng CCB... Việc gì ông cũng toàn tâm toàn ý thực hiện và hoàn thành tốt công việc được giao. Vừa làm kinh tế giỏi, vừa nêu cao nhiệt tình công tác, thương binh Nguyễn Đình Sơn được nhân dân hết sức quý mến.
Ông đã được chọn báo cáo điển hình tại nhiều hội nghị, được Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng tặng Bằng khen. Trong mọi công việc, ông luôn khắc sâu những lời căn dặn của Bác Hồ về người thương binh tàn nhưng không phế!
LÊ VĂN THƠM