.

Nhân lực chất lượng cao: Yêu cầu của phát triển

.

Một trong những thế mạnh được tỉnh Khánh Hòa tiếp tục tập trung đẩy mạnh trong giai đoạn 2010-2015, theo ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa là phát triển du lịch, với chỉ tiêu tăng trưởng hằng năm đạt 20-30%. Trong đó, theo ông Trần Sơn Hải, du lịch của địa phương đang có xu hướng tập trung đầu tư cho sản phẩm du lịch cao cấp nhằm kéo dài thời gian lưu trú của khách, tạo các sản phẩm du lịch có giá trị cao để tăng chi tiêu... nhằm tăng doanh thu của ngành này. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 12 nghìn phòng, số lượng phòng của khách sạn có tiêu chuẩn 3 sao trở lên chiếm 1/3.

 

Mô tả ảnh.
Một góc thành phố Tuy Hòa - tỉnh Phú Yên.


Tuy nhiên, điều quan tâm của lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, chính là nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng được tốc độ phát triển của ngành du lịch trong thời gian qua. Theo tính toán sơ bộ, bình quân cần 1,5 đến 1,6 lao động cho mỗi phòng, trong khi các khu nghỉ mát cần 4-6 lao động/phòng. Trong khi đó, lực lượng sinh viên sau đào tạo ở các trường đại học, cao đẳng... trong khu vực vẫn chưa đủ tầm để làm quản lý ở những cơ sở du lịch, nhất là du lịch đẳng cấp cao, mà chỉ mới dừng lại ở những phần việc “bưng-bê-kê-dọn” là chính. Đó là chưa nói, chi phí cho việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho du lịch, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, là một vấn đề nan giải vì chi phí khá lớn so với các ngành khác.

 

Không chỉ trên lĩnh vực du lịch, mà hầu như đối với 7 tỉnh, thành khu vực duyên hải miền Trung (từ Thừa Thiên-Huế đến Khánh Hòa), các địa phương vẫn rất lúng túng trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển từng ngành, từng lĩnh vực, ở mỗi địa phương. Trên thực tế, hiện nay, các địa phương đã có những đại học có đẳng cấp vùng như: Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang... nhưng chất lượng đào tạo vẫn chưa thực sự giải được những vấn đề về nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực. Đó là do việc chênh lệch giữa đào tạo với yêu cầu của thực tiễn đời sống, của chất lượng đào tạo với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, của nghiên cứu và ứng dụng khoa học trong thực tiễn... Đồng thời, xuất phát điểm thấp về nguồn nhân lực của một số địa phương trong quá trình tăng tốc phát triển các ngành dịch vụ, công nghiệp, kể cả sản xuất, chế biến nông-lâm-thủy sản… đáp ứng yêu cầu hội nhập cũng là một cản trở lớn cho việc sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao một cách hợp lý và hiệu quả.

Từ thực tế đó, cho thấy cần nhanh chóng triển khai việc liên kết, phân công trong đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao giữa các địa phương trong vùng. Trước hết, là việc xác định quy hoạch của từng địa phương và tổng thể của vùng về phát triển kinh tế-xã hội để từ đó có chiến lược và sự liên kết trong phân công đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực. Việc quy hoạch phát triển có ý nghĩa quan trọng đối với xây dựng chiến lược về đào tạo và thu hút nguồn nhân lực. Thực tế, Đà Nẵng đã tập trung cho chiến lược này từ rất sớm; trong đó có việc xác định những ngành kinh tế mũi nhọn, những yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội… để thực hiện kế hoạch về giáo dục-đào tạo cũng như thu hút nguồn nhân lực. Từ đó, Đà Nẵng đã hình thành Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn với các cơ chế, chính sách ưu tiên nhằm bước đầu tạo đội ngũ học sinh có chất lượng cao.

Từ đội ngũ này, thành phố triển khai chính sách đào tạo đại học và sau đại học tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước với các cơ chế ưu đãi cũng như ràng buộc trách nhiệm cụ thể, rõ ràng. Đồng thời, thành phố cũng thực hiện các chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Các cơ chế, chính sách này đã góp phần xây dựng đội ngũ nguồn nhân lực ban đầu đáp ứng yêu cầu định hướng phát triển của thành phố. Tuy nhiên, đây mới chỉ dừng lại ở cấp địa phương mà chưa thể hiện rõ sự liên kết trong xây dựng nguồn nhân lực cho phát triển của vùng.

Chính vì vậy, theo các chuyên gia, bên cạnh việc đào tạo, thu hút nhân lực có chất lượng cao về làm việc trong các ngành giáo dục-đào tạo, y tế, khoa học-công nghệ… các địa phương cần tăng cường liên kết giữa các cơ sở đào tạo, cơ sở dạy nghề với các doanh nghiệp để tăng nhanh quy mô và chất lượng dạy nghề và dạy nghề chất lượng cao theo yêu cầu của doanh nghiệp, các lĩnh vực quan trọng theo định hướng phát triển của vùng. Đồng thời, các cơ sở đào tạo cần đẩy mạnh liên kết, hợp tác đào tạo để mở thêm các ngành đào tạo mới, tiên tiến nhằm khai thác nguồn lực giảng viên có trình độ cao, kinh nghiệm… Việc phân định nhằm tạo dựng thương hiệu trong lĩnh vực đào tạo cũng cần được thúc đẩy như: Đại học Huế chú trọng vào các ngành khoa học tự nhiên, xã hội, du lịch, y tế, văn hóa nghệ thuật; Đại học Đà Nẵng chú trọng về công nghệ cao, kinh tế, dịch vụ; Đại học Nha Trang chú trọng ngành kinh tế biển, hàng hải… Bên cạnh đó, các địa phương cần có tiếng nói thống nhất trong việc đề nghị tập trung đầu tư hình thành một đại học quốc gia; triển khai nhanh các dự án đại học quốc tế… trong vùng; thúc đẩy việc hợp tác quốc tế trên lĩnh vực giáo dục-đào tạo…

Bài và ảnh: Anh Quân

;
.
.
.
.
.