.

Nhiều ý kiến tâm huyết cần thực thi

.

Tại Hội thảo khoa học “Liên kết phát triển 7 tỉnh duyên hải miền Trung”, nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp... đã có những ý kiến quan trọng đóng góp vào sự phát triển của khu vực duyên hải miền Trung trên nhiều lĩnh vực. Báo Đà Nẵng lược ghi và trích đăng những ý kiến này.

TS Nguyễn Bá Ân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

 

Mô tả ảnh.
 


Khai thác lợi thế về vị trí địa kinh tế - chính trị, tập trung phát triển và phối hợp phát triển giữa các địa phương để phát huy lợi thế so sánh của vùng về hệ thống cảng biển. Tổ chức lại mạng lưới dịch vụ vận tải, phối hợp phát triển chuỗi logistic nhằm gắn kết các khâu sản xuất, lưu thông, giao nhận, xuất nhập khẩu, phân phối hàng hóa giữa các địa phương trong vùng và với khu vực Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia, Đông Bắc Thái Lan, Myamar gắn với hệ thống cảng biển của vùng. Tập trung đầu tư phát triển đồng bộ và hiện đại hệ thống kết cấu hạ tầng, tháo gỡ mọi khó khăn, rào cản, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp lớn để tạo đột phá về phát triển cho các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch của vùng.

 


Chú trọng sự phát triển bền vững, giải quyết tốt các vấn đề về an toàn môi trường ngay trong công tác quy hoạch và điều hành. Trong quá trình CNH, HĐH và đô thị hóa cần chú trọng sự phát triển bền vững, không để xảy ra các sự cố môi trường sinh thái, môi trường đô thị; đồng thời bảo đảm cải thiện điều kiện môi trường ở các khu dân cư đang bị ô nhiễm. Có giải pháp phòng chống ô nhiễm các khu vực sản xuất công nghiệp tập trung và các làng nghề.

Chuyển dịch cơ cấu và nâng cao hiệu quả sản xuất công nghiệp bằng cách phát triển các ngành sản xuất chủ lực dựa trên lợi thế so sánh của từng tỉnh. Ưu tiên phát triển công nghiệp cơ khí (đóng và sửa chữa tàu thuyền, chế tạo và sửa chữa ô-tô, máy động lực, máy nông nghiệp...), chế tạo và lắp ráp thiết bị điện - điện tử, công nghiệp công nghệ cao (sản xuất phần mềm, thiết bị tin học, vật liệu mới, vật liệu cao cấp...). Chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ gắn với khu công nghiệp, khu kinh tế để tăng giá trị gia tăng của sản phẩm, tăng sức cạnh tranh và hiệu quả.

Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế về tài nguyên, có quy mô và đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước như sản xuất xi-măng, vật liệu xây dựng, chế biến đồ uống và công nghiệp thực phẩm... Hình thành các khu, cụm công nghiệp nhỏ và vừa gắn với quá trình đô thị hóa, tạo việc làm phi nông nghiệp. Tập trung lấp đầy các khu công nghiệp hiện có; xây dựng và phát triển các cụm công nghiệp nhỏ, vừa, các làng nghề truyền thống ở khu vực nông thôn ở tất cả các xã có làng nghề trên cơ sở bảo vệ môi trường sinh thái. Quan tâm đến phát triển tiểu thủ công nghiệp, nhất là làng nghề truyền thống và làng có nghề phục vụ xuất khẩu...

TS Lý Huy Tuấn (Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải (Bộ Giao thông và Vận tải)

Mô tả ảnh.
 

Cần phân bổ hiệu quả các nguồn lực hiện có. Để đạt được điều này, nhiều tiêu chí ưu tiên sử dụng vốn của Chính phủ đã được xây dựng. Các tiêu chí này gồm: Các hành lang vận tải ở miền Trung, đặc biệt là các hành lang xương sống và các hành lang cửa ngõ quốc tế sẽ đóng vai trò là động lực tăng trưởng kinh tế của cả vùng. Kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược cho vận tải đường bộ, đường thủy nội địa, đường hàng không trên hành lang cần được cải thiện để kết nối tốt với nhau và kết nối với thị trường khu vực cũng như với các nước láng giềng. Các dự án góp phần xóa bỏ các nút cổ chai trong giao thông vùng và tăng cường mạng lưới để đáp ứng nhu cầu vận tải vùng, liên vùng.

 

Tăng cường kết nối và thúc đẩy luồng vận tải hành khách và hàng hóa thuận lợi trên trục giao thông Bắc - Nam. Để có thể đáp ứng nhu cầu vận tải lớn và đa dạng không chỉ về năng lực kết cấu hạ tầng giao thông mà cả về chất lượng dịch vụ thì cần phải điều chỉnh cả về tuyến đường và chính sách phát triển, tăng cường sự gắn kết và phối hợp cũng như thực hiện các ưu tiên đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông vùng. Đồng thời chuyển hướng trong chiến lược, quy hoạch phát triển GTVT từ trọng tâm là đơn phương thức, dự án riêng lẻ, cung đi trước sang trọng tâm đa phương thức, định hướng chuỗi cung và cầu đi trước.

GS.TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

 

Mô tả ảnh.
 

Dự kiến mạng lưới các trường đại học đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao được thành lập mới đến năm 2020 cho vùng duyên hải miền Trung: Tỉnh Thừa Thiên-Huế: Có thêm Trường Đại học Xã hội - Nhân văn và nâng cấp một số khoa, ngành của Đại học Huế thành Trường Đại học Khoa học theo định hướng nghiên cứu cơ bản. Thành phố Đà Nẵng: Thành lập thêm trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông; nâng cấp một số khoa, ngành của Đại học Đà Nẵng thành trường đại học nghiên cứu theo định hướng ứng dụng. Tỉnh Quảng Nam: Thành lập thêm Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường và Trường Đại học Văn hóa - Du lịch. Tỉnh Quảng Ngãi: Thành lập thêm Trường Đại học Công nghệ. Tỉnh Bình Định: Phát triển Đại học Quy Nhơn thành đại học vùng đa ngành; thành lập thêm Trường Đại học Kỹ thuật Giao thông - Vận tải. Tỉnh Phú Yên: Thành lập thêm Trường Đại học Kiến trúc - Xây dựng.

 

Tỉnh Khánh Hòa: Phát triển Đại học Nha Trang thành đại học vùng đa ngành, chuyên sâu về lĩnh vực kỹ thuật đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, hải dương học, kinh tế biển...; tách một số ngành mạnh của Đại học Nha Trang thành lập đại học nghiên cứu theo định hướng ứng dụng trong lĩnh vực hải dương học, biến đổi khí hậu và khắc phục hậu quả nước biển dâng... Với các trường đại học được thành lập mới theo đề xuất trên đây cùng với 4 trung tâm đại học lớn đã có hiện nay: Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, hệ thống đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của khu vực duyên hải miền Trung sẽ được củng cố, các trường sẽ liên kết, bổ sung cho nhau tạo nên sự hài hòa cơ cấu ngành nghề, bảo đảm đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao, góp phần đẩy nhanh tiến trình CNH, HĐH của các địa phương trong khu vực và chuẩn bị nhân lực cho nền kinh tế tri thức.

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Mô tả ảnh.
 

Để bảo đảm hỗ trợ tốt nhất với khu vực thực hiện được các mục tiêu liên kết đã đề ra tại hội thảo trong ngắn hạn, dài hạn; bên cạnh nguồn vốn ưu tiên BIDV cho vay với khu vực, BIDV tích cực là tổ chức trung gian thu xếp nguồn vốn đầu tư cho khu vực (...) Để thể hiện cam kết lâu dài đối với sự phát triển của khu vực với tinh thần liên kết - hợp tác của các địa phương trong vùng, BIDV cam kết hỗ trợ tài chính cho quỹ nghiên cứu phát triển miền Trung và cùng song hành với Nhóm Tư vấn liên kết phát triển của vùng. Trong thời gian vừa qua, BIDV là một trong các sáng lập viên của quỹ và đã tham gia tích cực vào các công tác chuẩn bị khác. Quỹ Nghiên cứu Phát triển miền Trung được hình thành từ nguồn đóng góp của các địa phương trong vùng, sự tài trợ của BIDV và sự ủng hộ từ các tổ chức, doanh nghiệp sẽ có số vốn điều lệ dự kiến trên 30 tỷ đồng. Chúng tôi mong muốn, quỹ sẽ góp phần hỗ trợ đắc lực và hiệu quả công tác nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, các luận cứ khoa học cho việc liên kết phát triển vùng bền vững; nghiên cứu, tư vấn cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng.

Ông Phạm Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines)

 

Mô tả ảnh.
 

Đối với giao thông vận tải liên kết nội vùng, chúng tôi được biết có kế hoạch xây dựng đường cao tốc kết nối giao thông giữa các tỉnh. Đối với liên kết ngoại vùng, bên cạnh việc tiếp tục phát triển mạng bay kết nối vùng duyên hải miền Trung với các tỉnh thành lớn trên cả nước, Hàng không Việt Nam (HKVN) dự kiến sẽ mở thêm các đường bay thẳng quốc tế, kết nối giữa các đầu tàu kinh tế của vùng như Đà Nẵng, Nha Trang với các nền kinh tế mạnh, các thị trường nguồn du lịch như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... cũng như kết nối vùng duyên hải miền Trung với các điểm đến trong Hành lang kinh tế Đông - Tây với Lào, Campuchia, Myanmar và Thái Lan.

 

Với các đường bay quốc tế này, HKVN mong muốn xây dựng cầu nối, tạo điều kiện cho các đầu tàu kinh tế thực hiện vai trò kinh tế đối ngoại cho cả vùng duyên hải miền Trung, phát triển kinh tế, thương mại, du lịch và thu hút đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, với lợi thế là hãng hàng không quốc gia có mạng đường bay quốc tế đến hơn 15 quốc gia và vùng lãnh thổ, chúng tôi sẵn sàng phối hợp với các tỉnh, thành trong việc tiếp cận với các thị trường nguồn và quảng bá tiềm năng du lịch của các tỉnh, thành ra thế giới, như chúng ta đã từng phối hợp quảng bá du lịch biển Việt Nam tại Pháp, Nhật trong năm 2009.

Để thực hiện những nội dung đó, chúng tôi kiến nghị cần đầu tư hạ tầng sân bay đồng bộ; các địa phương và doanh nghiệp hợp lực phát triển mạng đường bay thông qua phát động thị trường, quảng bá du lịch...; tạo nguồn nhân lực cho công nghiệp hàng không; tạo cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào dịch vụ vận tải hàng không...

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel

Mô tả ảnh.
 

...Cần nghiên cứu, phân tích, đánh giá toàn bộ tiềm năng và thế mạnh của mỗi địa phương - đặt trong không gian kinh tế vùng để đề ra các mục tiêu cần phải ưu tiên giải quyết trước. Về lâu dài, cần hình thành con đường ven biển kết nối 7 tỉnh, thành duyên hải miền Trung; tạo ra mạng đường bay (Air taxi) nối kết các địa phương duyên hải miền Trung và mạng bay nối kết một số tỉnh, thành trọng điểm trong nước và một số nước lân cận; hình thành ngay tuyến tàu (đường sắt) chất lượng cao chạy suốt từ Huế đến Nha Trang; quy hoạch, xây dựng các cảng biển chuyên dụng đón khách du lịch tại Đà Nẵng/Quy Nhơn/Nha Trang và một số đảo...  Cần tập trung đầu tư ban hành các chính sách, ưu đãi nhằm đẩy mạnh xã hội hóa các dự án nội vùng hoặc tiểu vùng, đặc biệt tại các địa phương  đối với các dự án nhằm tạo ra không gian du lịch tiêu thụ sản phẩm của địa phương... nhằm thỏa mãn tối đa nhu cầu tiêu dùng của du khách và gia tăng mức thu nhập của người dân tại chỗ.  Khảo sát, đánh giá lại toàn bộ tiềm năng về đất dọc theo ven biển.

 

Xây dựng quy hoạch (đóng) đối với những khu vực thuận lợi để chờ đầu tư lớn, trọn gói. Quy hoạch các khu vực hẻo lánh, mức sống người dân thấp, không thuận lợi về giao thông… để khuyến khích và tạo ưu đãi cho các dự án đầu tư sử dụng nhiều đất (sân golf, tổ hợp vui chơi, giải trí…) ở những khu vực này. Nghiên cứu và đề xuất xây dựng một số cụm, khu dịch vụ du lịch (vui chơi có thưởng) dịch vụ tài chính mang tầm khu vực và quốc tế; tạo ra cú hích mạnh đưa du lịch miền Trung vào ngay bản đồ du lịch thế giới. Cần phải lên quy hoạch cho các loại sản phẩm tiếp cận biển cả 3 hướng: Mép nước (resort, khu nghỉ dưỡng, đường đi dọc bờ biển) - trên mặt nước (tàu chuyên chở, ngủ đêm, lướt ván buồm…) và dưới mặt nước (công viên biển, lặn biển…).

Quy hoạch và phân công các lễ hội văn hóa - thể thao tại các tỉnh, thành duyên hải miền Trung trong một không gian và thời gian thống nhất, cố định, dài hạn. Tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quảng bá, xúc tiến; tập trung vào lễ hội Festival Huế, pháo hoa Đà Nẵng, giao lưu văn hóa Việt - Nhật (Hội An), Festival võ thuật Bình Định, Festival biển Nha Trang. Tuyệt đối tránh việc tổ chức lễ hội theo cảm tính và nặng mục tiêu chính trị và không có thời gian chuẩn bị trước, cẩn thận, chu đáo. Đăng cai tổ chức một số hội nghị, hội thảo quốc tế và khu vực với nhiều chuyên đề và quy mô tổ chức khác nhau. Do có một số thuận lợi, nên chọn thành phố Đà Nẵng và Nha Trang (Khánh Hòa) làm điểm đột phá, xây dựng hạt nhân, tạo hình mẫu phát triển cho cả vùng duyên hải miền Trung...

Anh Quân (ghi)

;
.
.
.
.
.