Phong trào thi đua lao động sáng tạo là hoạt động quan trọng và chủ yếu của tổ chức Công đoàn. Thời gian qua, các cấp Công đoàn thành phố luôn duy trì thường xuyên phong trào thi đua với nhiều nội dung, thu hút đông đảo CNVC-LĐ tham gia. Qua đó đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu. Họ là những CNVC-LĐ trực tiếp sản xuất, công tác, vượt lên mọi khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, liên tục nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, Lao động xuất sắc.
Với mục tiêu “Năng suất, chất lượng, hiệu quả, bảo đảm ATVSLĐ”, 5 năm qua, phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” đã được các cấp Công đoàn phối hợp với chính quyền đồng cấp tổ chức phát động, có tác dụng tích cực động viên CNVC-LĐ phát huy tính năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất, công tác. Đến nay, đã có 90% doanh nghiệp (DN), cơ quan, đơn vị Nhà nước phát động thi đua hằng năm, từng bước lôi cuốn các DN ngoài quốc doanh, DN có vốn đầu tư nước ngoài hưởng ứng.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, trong 5 năm qua, CNVC-LĐ thành phố đã có 4.056 sáng kiến, làm lợi 110 tỷ đồng, hoàn thành 950 đề tài khoa học các cấp. Có 98 giải pháp kỹ thuật tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật thành phố và toàn quốc, 65 cá nhân được tặng Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Để tôn vinh, biểu dương những tấm gương sáng của phong trào, 2 năm 1 lần, LĐLĐ thành phố tổ chức Lễ tuyên dương CNVC-LĐ tiêu biểu trong phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”. Đợt này, 50 gương mặt tiêu biểu xuất sắc được vinh danh. Họ đã thực hiện 25 đề tài khoa học các cấp, phát huy 96 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật với giá trị làm lợi gần 4 tỷ đồng. Nhiều người đã dành hết tâm huyết và kinh nghiệm để đào tạo, kèm cặp tay nghề cho trên 750 công nhân, tận tụy làm những công việc bình thường, thầm lặng…
Chị Đỗ Thị Minh Nguyệt, công nhân có thâm niên 32 năm công tác tại Công ty CP Dược Danapha là một trong những bông hoa tươi thắm nhất của vườn hoa thi đua CNVC-LĐ thành phố đợt này. Năm 2010, chị đã có 2 sáng kiến cải tiến kỹ thuật của máy bỏ hộp. Lúc mới đưa vào hoạt động, máy bỏ hộp không có bộ phận đón sản phẩm đầu ra. Khi máy chạy ở tốc độ tối đa, người công nhân ở vị trí đón sản phẩm trở nên lúng túng vì không kịp kiểm tra số lô, buộc người vận hành phải dừng máy gây mất thời gian. Chị Nguyệt đã có sáng kiến lắp một máng trượt bằng inox có độ dài 2m (đủ cho máy chạy ra sản phẩm trong 5 phút). Máng làm cong 90 độ để không chiếm diện tích nhà xưởng, thành trên của máy có tác dụng dẫn sản phẩm đi theo đường cong, không làm thành dưới để sản phẩm khỏi bị dồn, tức bởi lực đẩy thẳng của máy. Cũng tại máy này, trong quá trình hoạt động thỉnh thoảng có sản phẩm rơi xuống giàn xích, khó phát hiện; khi giàn xích chạy sẽ đưa sản phẩm lên trục gây kẹt máy, mỗi lần như vậy mất ít nhất 2 giờ để khắc phục hậu quả. Chị Nguyệt đã lắp một cần gạt từ thành trong của máy đi ngang qua giàn xích, khi sản phẩm vô tình rơi xuống và đi lên gần trục quay sẽ gặp cần gạt và được gạt xuống máy an toàn. Hiệu quả từ 2 sáng kiến này làm máy vận hành thuận lợi, chạy tối đa không dừng, người công nhân tại các vị trí thao tác đều thoải mái, không mất thời gian dừng lại sửa chữa.
Anh Nguyễn Hiếu, nhân viên bếp bộ phận khách sạn của Chi nhánh Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai tại Đà Nẵng cũng là niềm vinh dự, tự hào cho đơn vị. Làm việc tại khách sạn từ những ngày đầu thành lập, Hiếu đã tích cực tham gia các lớp đào tạo nghề theo chương trình VTOS, HACCP, vệ sinh an toàn thực phẩm... Với những nỗ lực không ngừng, năm 2009, Hiếu là đồng tác giả trên hai tác phẩm “Ngọc trân châu” và “Nem công chả phụng” đạt giải nhất trong cuộc thi Đầu bếp giỏi lần thứ nhất do Sở VH-TT&DL thành phố tổ chức. Năm 2010, trong cuộc thi Đầu bếp giỏi chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội do Tổng cục Du lịch tổ chức, Hiếu đã đạt Huy chương vàng với tác phẩm “Ram tôm ngũ hành”.
Anh Đặng Ngọc Bê, thợ vận hành, tổ trưởng tổ máy in 4 màu đã có nhiều sáng kiến kỹ thuật giúp tiết kiệm nguyên liệu, thời gian in ấn, làm lợi cho Công ty CP In SGK Hòa Phát hàng chục triệu đồng. Năm 2010, công trình “Xử lý hơi nước trong hệ thống áp lực máy in” đã đạt giải xuất sắc trong phong trào sáng kiến kinh nghiệm tại công ty, được báo cáo tại Hội nghị sáng kiến kinh nghiệm của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Hiện tại, cải tiến của anh đã được lắp đặt trên các loại máy in 4 màu Lithrone 40, Lithrone 44 và máy in 2 màu đảo trở, nhờ đó năng suất tăng lên rõ rệt, từ 30 ngàn lên 45 ngàn tờ trên một ca máy.
Gắn bó với Công ty CP Thép Đà Nẵng hơn 10 năm nay, anh Lê Văn Hạnh, kỹ sư chế tạo máy, Quản đốc phân xưởng Cơ điện đã có nhiều sáng kiến kỹ thuật, giúp tăng hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm. Trong 5 năm qua, anh Hạnh đã thực hiện thành công nhiều sáng kiến kỹ thuật như: Tự chế tạo thêm 4 bộ máy tời tải trọng trên 2 tấn phục vụ sửa chữa; cải tạo hệ thống làm mát cho lò đạt hiệu suất cao; cải tiến và chế tạo thêm các áo nước cho các xy-lanh thủy lực lò để chống nóng giúp tăng tuổi thọ của thiết bị; chế tạo các bồn chân không cho các bơm nước; sáng kiến tận dụng nhiệt thừa từ lò luyện thông qua bộ trao đổi nhiệt làm ấm nước tắm cho công nhân trong mùa lạnh và nhiều công trình khác.
Đây là những bông hoa tươi thắm nhất của vườn hoa thi đua CNVC-LĐ thành phố đợt này. Hy vọng phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” ngày càng phát triển, góp phần làm tăng nguồn động lực thúc đẩy sự phát triển KT-XH của thành phố.
Ngọc Yến – Văn Sáng