.

Những người già tôi biết...

.

Một người 81 tuổi và một người 68 tuổi, nhưng hễ tiếp xúc với họ, người đối diện dễ có cảm giác mình được... trẻ lại.

 

Mô tả ảnh.
Bác Tá (người đứng ngoài cùng bên phải).

 

1- Trên chuyến xe đưa một số lãnh đạo sở, ngành của Đà Nẵng lên thăm Trung tâm Bảo trợ Nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) thành phố tại xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, khi cả đoàn hay tin cơ sở mới này có người quản lý là ông Lê Văn Tá, Phó Chủ tịch Hội NNCĐDC huyện Hòa Vang, không hẹn mà gặp, ai nấy đều thốt lên: “Vậy là yên tâm rồi!”.

Xe vừa đến nơi, chúng tôi thoáng thấy dáng một người đàn ông lớn tuổi cao to, nước da cháy nắng, “đóng thùng” chỉnh tề đợi đón khách. Nghe danh ông đã lâu, giờ tôi mới được gặp. Và quả thật, vẻ rắn rỏi, gương mặt hiền hậu cùng một quá trình đi qua những buồn vui của biết bao nạn nhân chiến tranh đủ khiến mọi người yên lòng khi ngôi nhà mới đã chọn ông “gác cổng”. 18 tuổi, Lê Văn Tá gia nhập quân ngũ. Sau 1975, ông tham gia quân đội thêm 14 năm nữa rồi nghỉ hưu ở cấp hàm đại tá. Ông đến với công việc chăm sóc các NNCĐDC bắt nguồn từ sự đồng cảm với những đồng đội có con thơ dại bị nghi nhiễm dioxin. Cuộc sống hậu chiến ngổn ngang những nỗi niềm buộc ông phải làm một điều gì đó thật thiết thực dành cho họ. Giờ đây, vợ chồng ông không chỉ nhận trợ dưỡng suốt đời một nạn nhân, mà bản thân ông dù đã 81 tuổi vẫn ngày ngày rong ruổi trên chiếc xe đạp cà tàng đến với từng mảnh đời bất hạnh.

Trong khuôn viên cơ sở 3, Trung tâm Bảo trợ NNCĐDC, chiếc xe đạp đi cùng ông nằm gọn gàng một góc. Tuy các cháu được nuôi dưỡng tại đây có ô-tô đưa đón hằng ngày, nhưng ông “Phó giám đốc” trung tâm vẫn trung thành với “con ngựa sắt” 35 năm dãi dầu sương gió. Ông còn tự mua trái mít thiệt bự giá 300 nghìn đồng để lấy hột ươm giống. Ước chừng, mươi năm nữa, những khoảng sân ngập nắng của trung tâm sẽ được che mát bởi hàng trăm cây trái sum suê đơm quả ngọt. Và ngày ấy, ông sẽ lặng lẽ dừng chân, cũng như những ngày ông đã lặng lẽ đến với công việc này. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi tham quan cơ sở, chúng tôi được ông Tá dẫn đi giới thiệu từng gian phòng, góc học tập. Đôi mắt ông lúc nào cũng như muốn cười: “Nhìn thấy cơ ngơi sinh hoạt của các cháu đã nên hình, nên dạng, tôi không biết tả thế nào cho hết nỗi vui mừng”...

2- Là người viết về vấn đề phòng, chống bạo lực gia đình nên tôi thường gặp ông tại các buổi tập huấn kỹ năng cho các cán bộ hoạt động trong lĩnh vực này. Có thể nói, đến thời điểm này, ông là người cao tuổi nhất tại thành phố vẫn hăng say nhiệm vụ đấu tranh với nạn bạo lực. Mọi người quen gọi ông là bố, bác..., còn ông thì luôn miệng cười hà hà: “Tui đi học coi mấy anh em xử lý bạo lực ra răng để mà về áp dụng tại địa phương”. Ông là Đặng Hữu Tiên, 68 tuổi, Trưởng Ban công tác Mặt trận liên tổ 14, 15, 16 phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ.

Điều tôi ấn tượng nhất ở ông là mỗi lần hai bác cháu trao đổi qua điện thoại, 10 phút vụt qua thật nhanh. Giọng sang sảng, mạch lạc từng câu chữ, mỗi điều ông nói đều khiến người nghe bật cười vì sự ví von hết sức cụ thể và dí dỏm. Ông nói về chuyện vợ chồng cãi cọ, đánh nhau mà tuyệt nhiên không gây mệt mỏi, ngược lại nó như các tình tiết phim ly kỳ và thường mang cái kết có hậu. Chẳng hạn, ông bảo người phòng, chống bạo lực, chí ít phải làm cho vợ chồng người ta đã đâm đơn ly hôn mà vẫn kéo nhau... ra tòa xin rút lại đơn để sau đó tiếp tục sinh con đẻ cái, rứa mới tài. Nguyên là Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Hòa Vang, kiến thức pháp luật ở ông đủ để thuyết phục người khác. Tuy vậy, ông Tiên chẳng mấy khi lạm dụng luật, mà bao giờ cũng bằng cái cách thân tình ông cháu, cha con một nhà, người đàn ông 68 tuổi luôn dành những gì ân cần với tất cả sự trải nghiệm hạnh phúc để sẻ chia cùng mọi người. Trong mắt chị Trần Thị Bích Liên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Hòa Thọ Tây, bác Tiên được coi là người hoạt động phòng, chống bạo lực “số 1”.

Khi tôi ngỏ ý được gặp lại ông để thực hiện bài viết này, ở đầu dây điện thoại, ông bảo: “Bác đang đi du lịch, biết ai bao không?... Bồ cũ ở Mỹ về, vẫn còn nhớ mà kêu cho đi chơi đó”. Ông lại cười hà hà.

Bài và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.