.

Những tấm lòng nhân ái

.

Đó là tấm lòng của ông Nguyễn Nhân (81 tuổi), Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ (HCTĐ) phường Thọ Quang, quận Sơn Trà và ông Nguyễn Hữu Tùy (68 tuổi), Chủ tịch HCTĐ phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu. Dù đã đến cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng hai ông vẫn miệt mài với công việc...

Giúp được một người thấy mình như trẻ ra

 

Mô tả ảnh.
Ông Nguyễn Nhân

81 tuổi với 36 năm cống hiến cho công tác HCTĐ, ông Nguyễn Nhân luôn hăng say với công việc. Nếu như ông “nghỉ hưu”, coi như những người nghèo trên địa bàn phường sẽ bớt đi một phần sẻ chia những khó khăn và phong trào của Hội sẽ đi xuống. Một lãnh đạo phường Thọ Quang đã nói như vậy khi ông đề nghị thôi làm việc để về dưỡng tuổi già.

 


Ông Nhân tham gia HCTĐ từ khi tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng mới giải phóng. Ông kể, hồi đó công tác từ thiện còn yếu lắm, địa phương lại có quá nhiều người nghèo khổ, ốm đau, bệnh tật cần được giúp đỡ. “Bản thân tôi luôn đồng cảm với những người nghèo, nên khi thấy họ đói cơm, rách áo, tôi không cầm lòng được”, ông Nhân tâm sự. Ông bắt đầu lao vào công việc vận động các mạnh thường quân đóng góp giúp người nghèo. Nhưng thời đó, các doanh nghiệp và cả những người khá giả không mấy mặn mà với hoạt động từ thiện, nên công tác vận động gặp không ít khó khăn. Khi Quảng Nam – Đà Nẵng chia tách, thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, ông được phân công làm Chủ tịch HCTĐ phường Thọ Quang, từ đó ông bắt đầu xây dựng phong trào hội vững mạnh hơn. Công việc đầu tiên ông làm là xây dựng phong trào “ống gạo tình thương”. Với ống gạo này, ngày ngày, mỗi lúc nấu cơm, người dân tiết kiệm một nắm để bỏ vào ống. Nhờ đó mà hàng nghìn lượt người nghèo có cơm ăn. Những lúc địa phương xảy ra thiên tai có gạo để cứu trợ. “Phong trào ống gạo tình thương của HCTĐ phường Thọ Quang đã được các nơi đến tham quan, học hỏi làm theo”, ông Nhân tự hào nói.


Trong công tác nhân đạo, ông luôn đề cao công tác hiến máu nhân đạo cứu người; cứu trợ người nghèo và xây dựng quỹ hội. Do đó, dù đã đến cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng một mình ông lặn lội gõ cửa từng nhà dân, doanh nghiệp, các đơn vị quân đội để kêu gọi sự đóng góp, giúp đỡ. Với uy tín của ông, mọi người đều sẵn sàng đóng góp cho công tác từ thiện ở địa phương. Vì vậy, hằng năm, HCTĐ phường đã giúp đỡ được hàng nghìn lượt người nghèo, ốm đau bệnh tật, tai nạn. Đã có hàng trăm trường hợp vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống đều nhờ tấm lòng cao cả của ông Nhân. “Khi giúp được một người nghèo, tôi thấy mình sung sướng và như trẻ ra...”, ông tâm sự. Ghi nhận những đóng góp của ông Nhân, Thủ tướng Chính phủ đã tặng Bằng khen, các cấp Hội từ Trung ương đến địa phương đã tặng trên 40 Cờ, Bằng khen, giấy khen cho ông.


Cứu người như cứu hỏa


 

Mô tả ảnh.
Ông Nguyễn Hữu Tùy

Ông Nguyễn Hữu Tùy, Chủ tịch HCTĐ phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu cũng đã có những đóng góp đáng nể để giúp người nghèo khó. 18 năm làm ở HCTĐ, ông có nhiều hoạt động hết sức thiết thực. Đặc biệt là vận động người dân tham gia hiến giác mạc. Ông tâm sự: “Hiến giác mạc của mình trước khi chết cho người mù có thể giúp những con người này bước ra khỏi bóng tối và làm lại cuộc đời”. Nghĩ là làm, ông đã vận động nhiều người dân tham gia hiến giác mạc, dù công tác này gặp không ít khó khăn. Đến nay đã có trên 150 người tham gia đăng ký. Đây là một con số đáng nể, chưa có nơi nào ở Đà Nẵng làm được.

 


Khi nhắc đến ông Tùy, trước tiên người ta nhắc đến tấm lòng thương người của ông. Trong suốt những năm làm công tác từ thiện, ông luôn đặt phương châm cứu giúp người hoạn nạn lên hàng đầu. Ông nói: Cứu người như cứu hỏa! Khi gặp khó khăn ai cũng muốn người khác giúp đỡ. Mình không giàu có gì để đem tiền của cho họ, nhưng mình có tấm lòng và tinh thần để giúp họ vơi đi những khó khăn đó... Năm 2009, em Phạm Thị S. (14 tuổi), trú ở quận Liên Chiểu bị bệnh u sụn ác tính ở chân trái. Khối u nặng đến 27kg. Các bác sĩ cho biết muốn cắt bỏ khối u chỉ có cách là cưa chân. Tuy nhiên, với hoàn cảnh gia đình bố làm thợ hồ, mẹ ốm đau, bệnh tật thì lấy đâu ra số tiền gần 100 triệu đồng để chi phí cho ca phẫu thuật. Biết hoàn cảnh của em, ông hăng hái vận động và kêu gọi sự đóng góp của người dân trên địa bàn, các hội, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp. Bằng sự nỗ lực không biết mệt mỏi của ông, cuối cùng, Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh nhận S. vào mổ miễn phí. Chưa dừng lại ở đó, khi tin em được đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng, hàng nghìn tấm lòng hảo tâm trong và ngoài nước đã đóng góp tiền giúp đỡ cho em, nhờ đó mà gia đình em đã vượt qua cái nghèo, cái khó. Sau khi S. lành bệnh, ông động viên, xin cho em học nghề vi tính để em có một công việc ổn định sau này.


Cảm động hơn là trường hợp của Nguyễn Ngọc Quyên (thường trú tỉnh Thừa Thiên - Huế). Lúc Quyên đang học năm thứ 2 của Trường cao đẳng Kinh tế-Kế hoạch Đà Nẵng thì bị bệnh tắc động mạch dẫn ở 2 quả thận, nếu không được phẫu thuật, Quyên sẽ tử vong. Gia đình quá nghèo, Quyên phó mặc cho số phận. Một lần đi vận động, ông nghe được câu chuyện của Quyên nên tìm đến để động viên, tìm cách giúp đỡ. Gần 10 ngày đi gõ cửa từng gia đình, doanh nghiệp, ông đã nhận được 60 triệu đồng từ những tấm lòng hảo tâm. Quyên được cứu sống và sau đó tiếp tục trở lại con đường học tập.


Với tấm lòng thương người, biết sẻ chia, ông Nhân, ông Tùy đã làm vơi đi khó khăn, nhọc nhằn của bao mảnh đời cơ cực, bao phận người ốm đau, bệnh tật... Hành động của hai ông thật đáng trân trọng, biểu dương.


Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.