.

Nỗi lo thất nghiệp

.
Những ngôi nhà cao tầng mọc lên, các công trình công cộng, khách sạn cũng đua nhau “khoe sắc”. Và cùng với nó, xuất hiện nhiều “thiếu gia”, công tử lắm tiền nhưng thất nghiệp mà mới đây thôi, chân tay còn vương bụi lam lũ với ruộng đồng...
Mô tả ảnh.
Dù thất nghiệp, rất ít lao động ở Ngũ Hành Sơn đến tìm việc tại các chợ việc làm. (Ảnh chụp tại Phiên giao dịch việc làm và tư vấn nghề được Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng tổ chức ngày 16-4 tại Trung tâm Hành chính quận Ngũ Hành Sơn).
 
Những “thiếu gia” vùng giải tỏa

H.T.B (ở tổ 29, phường Hòa Hải) là một thanh niên làm nghề đá rất siêng năng, được mọi người yêu mến. Gia đình B. có ba anh em, bố mẹ đều làm nghề buôn bán ở chợ nên cuộc sống rất khó khăn. Rồi vận may đã đến, nhà B. thuộc diện giải tỏa dự án Sân golf Hòa Hải. Với 1.000m2 đất được bố trí tái định cư 5 lô và tiền đền bù hơn 1 tỷ sau khi giải tỏa, bỗng chốc gia đình B. nắm trong tay tiền tỷ. Với người nghèo quen dãi nắng dầm sương kiếm đồng một đồng hai, nhiều người đã hoa mắt trước món tiền mà có nằm mơ cũng không nghĩ đến. Có tiền, bố mẹ B. mua cho mỗi người con một chiếc xe máy Air black, đồng thời cho anh em B. tiền tiêu xài thoải mái. Vậy là B. nghỉ làm đá, tụ tập bạn bè ăn chơi và gia nhập nhóm thanh niên con nhà khá giả trong xóm suốt ngày la cà ở quán cafe, cờ bạc, tối đi bar, và có sử dụng thuốc lắc, nên thường xuyên đòi hỏi tiền bạc của gia đình. Được bạn bè gọi là “thiếu gia”, công tử con nhà giàu, B. sướng rơn, lại càng “ném tiền qua cửa sổ”, bao bạn bè chơi bời thâu đêm suốt sáng. Đến khi phát hiện, gia đình mới té ngửa là B. đã nghiện ma túy tự bao giờ.

Cũng giống B., M.V.T (19 tuổi, ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) cũng là một “thiếu gia” mới nổi. Nhà T. vốn rất nghèo, bố mẹ đi đập đá thuê kiếm tiền nuôi anh em T. ăn học. Khi có dự án Công viên văn hóa Ngũ Hành Sơn, nhà T. được nhận tiền đền bù giải tỏa cả tỷ đồng. Từ đó, T. bỏ luôn việc học nghề hớt tóc mà suốt ngày vòi vĩnh tiền ba mẹ để bao lũ bạn đi bar, cafe, để ra vẻ ta đây là “thiếu gia”. Cậu “công tử” dỏm này còn thường xuyên đánh bài, cá độ bóng đá và nợ hơn 500 triệu đồng, khiến gia đình phải bán đất để trả nợ. Hiện giờ, T. nằm trong sổ đen những thanh-thiếu niên hư, được chính quyền địa phương theo dõi, giúp đỡ, giáo dục vận động học nghề.

Đến quận Ngũ Hành Sơn bây giờ, người ta dễ dàng nhận thấy những con đường rộng rãi, thênh thang được xây mới, nâng cấp sửa chữa như tuyến đường Lê Văn Hiến, Trần Đại Nghĩa... Các ngôi nhà hai tầng hiện đại dần thay cho nhà cấp 4 cũ kỹ, nhiều tòa nhà thương mại, khách sạn mọc lên dọc đường Trường Sa. Hệ thống giáo dục, y tế được đầu tư nâng cấp... Đồng thời cùng lúc đó, số người thất nghiệp, chưa được đào tạo nghề cũng ngày càng gia tăng.

Việc làm:Bài toán nan giải

Phiên giao dịch việc làm và tư vấn nghề được Sở Lao động- Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng tổ chức ngày 16-4 vừa qua tại UBND quận Ngũ Hành Sơn rất công phu, với sự tham gia của 50 doanh nghiệp với số lượng tuyển lên đến cả ngàn người, nhưng nhiều lao động đến chỉ để... xem. Tại các bàn tuyển dụng, doanh nghiệp ngồi chờ khá lâu nhưng vẫn không có lao động nào nộp hồ sơ. Và một nghịch lý là phần lớn lao động đến dự tuyển lại là người quận khác, tỉnh khác trong khi ngay ở quận Ngũ Hành Sơn, số người thất nghiệp khá lớn do việc thu hồi hơn 2.000ha đất với gần 5.000 hộ dân di dời.

Để đẩy mạnh công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động, trong đó đặc biệt quan tâm là lao động nông thôn, Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng đã tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm tại các vùng có nhiều đối tượng thuộc diện di dời giải tỏa trên địa bàn thành phố như ở phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang... Cùng với đó, Sở còn tổ chức ký hợp đồng đặt hàng dạy nghề cho lao động nông thôn, hộ nghèo ở 16 cơ sở dạy nghề với số tiền 3 tỷ đồng, để dạy nghề cho khoảng hơn 3.800 lao động, trong đó dạy nghề cho lao động nông thôn hơn 1.200 người; lao động di dời, giải tỏa hơn 900 người; lao động phi nông nghiệp và lao động đặc thù hơn 1.700 người. Dạy nghề nhiều nhưng chủ yếu vẫn dừng ở việc dạy nghề trình độ sơ cấp, chưa đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng ngày càng cao của doanh nghiệp.

Cũng phải nhìn nhận rằng, khá đông lao động Đà Nẵng đang thất nghiệp nhưng lại chưa muốn tham gia thị trường lao động. Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Pháo - Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Đà Nẵng cho rằng: “Để giải quyết vấn đề việc làm, không chỉ có hai yếu tố: Nhà nước có chính sách và định hướng thị trường việc làm để người lao động quyết định tham gia  học nghề, tìm việc làm. Thế nhưng người lao động chỉ mong tìm chọn những việc nhàn nhã, lương cao, thậm chí chấp nhận những việc thời vụ nhưng ít vất vả để làm, không thích làm ca, làm công nhân, những người có trong tay số vốn thì lại chuyển sang buôn bán tự do, môi giới đất đai”.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ
;
.
.
.
.
.