.

Phấn đấu nâng cao đời sống gia đình chính sách

.

 

Mô tả ảnh.

Nhân kỷ niệm 64 năm Ngày Thương binh-liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2011), phóng viên Báo Đà Nẵng đã có cuộc gặp gỡ trao đổi với ông THÁI ĐÌNH HOÀNG (ảnh), Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH về những hoạt động chăm sóc đối tượng chính sách, nhất là các đối tượng thương binh, thân nhân liệt sĩ trong thời gian qua của thành phố Đà Nẵng...

 

* P.V:  Xin ông cho biết kết quả nổi bật trong công tác thực hiện chính sách đối với người có công, gia đình chính sách của ngành LĐ-TB-XH thành phố trong thời gian qua?

- Ông Thái Đình Hoàng: Thực hiện chính sách đối với người có công với cách mạng luôn được cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội và nhân dân quan tâm đặc biệt. Thành phố Đà Nẵng hiện có hơn 94.000 lượt đối tượng được xác nhận theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó có 18.500 đối tượng hưởng trợ cấp thường xuyên, với kinh phí chi trả hằng năm 235 tỷ đồng. Song song với việc thực hiện tốt chính sách ưu đãi theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND thành phố ban hành một số chính sách nhằm góp phần nâng cao đời sống đối tượng, gia đình chính sách, cụ thể như:

Về phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng: Từ đầu năm 2010, thành phố đã vận động các cơ quan, đơn vị nâng mức phụng dưỡng lên 1 triệu đồng/tháng/mẹ. Đối với các mẹ, đơn vị phụng dưỡng không đủ mức 1 triệu đồng thì thành phố sử dụng nguồn ngân sách cấp bù cho đủ 1 triệu đồng. Đến nay, toàn thành phố có 148 Bà mẹ VNAH còn sống được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng và hằng năm thành phố cấp bù kinh phí là 209 triệu đồng.

Về hỗ trợ cải thiện nhà ở: Từ năm 1997 đến nay, UBND thành phố đã ban hành 3 Quyết định quy định việc hỗ trợ cải thiện nhà ở đối với người có công cách mạng. Sau mỗi lần ban hành Quyết định, đối tượng hỗ trợ cải thiện nhà ở được mở rộng, mức hỗ trợ được nâng lên. Đến nay toàn thành phố có hơn 14 ngàn hộ chính sách được hỗ trợ cải thiện nhà ở, tổng kinh phí thực hiện là 259 tỷ đồng. Riêng từ đầu năm 2010 đến nay đã hỗ trợ cải thiện nhà ở cho gần 3 ngàn đối tượng, kinh phí hơn 44 tỷ đồng, trong đó: miễn giảm tiền sử dụng đất cho 924 đối tượng, kinh phí hơn 30 tỷ đồng, hỗ trợ sửa chữa nhà cho 892 hộ, kinh phí hơn 13 tỷ đồng, xây tặng 32 nhà tình nghĩa, kinh phí hơn 1 tỷ đồng...

 Ngày 10-1-2011, UBND thành phố ban hành Quyết định số 01 Quy định trợ cấp thường xuyên cho 2 nhóm đối tượng là người có công giúp đỡ cách mạng và thương binh có tỷ lệ thương tật từ 21 đến 30% thuộc hộ cận nghèo đang hưởng trợ cấp hằng tháng, với mức trợ cấp 100.000 đồng/tháng. Đến nay đã có 930 đối tượng được giải quyết trợ cấp, kinh phí trợ cấp hằng năm 1,116 tỷ đồng.

Bên cạnh việc nâng cao đời sống vật chất, hàng năm thành phố tổ chức điều dưỡng luân phiên cho trên 5.000 lượt đối tượng, trong đó có trên 300 đối tượng đi tham quan tại Nha Trang và các tỉnh phía Bắc. Vào dịp kỷ niệm ngày Thương binh-Liệt sĩ 27-7 và Tết Nguyên đán hằng năm, thành phố đã xuất từ ngân sách trên 12 tỷ đồng để thăm hỏi, tặng quà động viên các gia đình chính sách.
Nhờ các chủ trương và biện pháp trên, đã góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đối tượng, gia đình chính sách, được nhân dân đồng tình ủng hộ.      

* P.V: Nâng cao đời sống của các gia đình chính sách thông qua phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” là nhiệm vụ hàng đầu. Thời gian đến, Sở sẽ làm gì để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ này?

- Ông Thái Đình Hoàng:  Nâng cao đời sống cho gia đình chính sách là một trong nhiệm vụ hàng đầu. Thông qua các phong trào đền ơn đáp nghĩa như phụng dưỡng Bà mẹ VNAH, xây nhà tình nghĩa,  tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, những năm gần đây là phong trào tặng dụng cụ sinh hoạt gia đình như quạt điện, bếp ga, tủ thờ, công trình vệ sinh, giếng nước, Hội Phụ nữ các cấp với phong trào chăm sóc thân nhân liệt sĩ neo đơn... đặc biệt là công tác vận động đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đã trở thành ý thức, trách nhiệm và tình cảm đối với công dân thành phố Đà Nẵng. Hiện nay 100% gia đình chính sách đang hưởng trợ cấp thường xuyên có mức sống trung bình trở lên so với dân cư nơi cư trú, không còn hộ chính sách ở nhà tạm, nhà dột nát.

Song song với việc chăm lo nâng cao đời sống của đối tượng, gia đình chính sách, công tác quy tập mộ, nghĩa trang liệt sĩ cũng được cấp ủy, chính quyền các cấp hết sức quan tâm. Trên địa bàn thành phố hiện nay có 20 nghĩa trang liệt sĩ an táng gần 9.000 mộ liệt sĩ, trong những năm qua được đầu tư kinh phí nâng cấp toàn diện (Đài tưởng niệm, Nhà bia ghi tên liệt sĩ, phần mộ liệt sĩ...) khang trang sạch đẹp. Với những phong trào chăm sóc Nghĩa trang liệt sĩ, thắp nến tri ân của Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Nghĩa trang liệt sĩ đã thực sự trở thành nơi giáo dục truyền thống cách mạng đối với thế hệ trẻ, là nơi tổ chức tri ân của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương trong những dịp lễ, Tết.

Để duy trì và phát triển hơn nữa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong những năm đến, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương tiến hành khảo sát đời sống của một bộ phận gia đình chính sách không hưởng trợ cấp thường xuyên (chủ yếu là con liệt sĩ) còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống để có những giải pháp thiết thực đề xuất thành phố hỗ trợ kết hợp với sự giúp đỡ khác thông qua phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” giúp đỡ các hộ chính sách vượt qua khó khăn ổn định đời sống...

* P.V: Để thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, việc huy động mọi lực lượng cùng chung tay hỗ trợ đóng vai trò quan trọng. Vậy thành phố đã thực hiện xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa như thế nào?

- Ông Thái Đình Hoàng: Trong những năm qua, thành phố đã thực hiện tốt việc xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa. Phong trào xã hội hóa công tác chăm sóc người có công thông qua các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” trong các cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân được phát huy mạnh mẽ. Thành phố Đà Nẵng hiện có hơn 27.000 thân nhân liệt sĩ, trong đó có 3.944 thân nhân đang hưởng trợ cấp thường xuyên và 248 Bà mẹ VNAH còn sống. Kế thừa và phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” phong trào chăm sóc giúp đỡ gia đình liệt sĩ, được thực hiện bằng nhiều biện pháp kết hợp như: giải quyết kịp thời các khoản trợ cấp, thẻ Bảo hiểm Y tế, thăm hỏi khi ốm đau, tặng quà ngày lễ, ngày Tết, hỗ trợ xóa nhà tạm, hỗ trợ sửa chữa nhà, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, và các chính sách khác như giao đất làm nhà, đất sản xuất, ưu tiên cho vay vốn sản xuất, giải quyết việc làm, miễn giảm thuế... Tổ chức kết nghĩa với các đơn vị lực lượng vũ trang, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cơ quan, xí nghiệp nhận đỡ đầu các đối tượng chính sách khó khăn, neo đơn. Bằng những việc làm nêu trên, đến nay 100% Bà mẹ VNAH của thành phố được các cơ quan, đơn vị, cá nhân phụng dưỡng với mức từ 1.000.000 đồng trở lên; 100% hộ chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn so với mức sống trung bình dân cư nơi cư trú.

Nhờ thực hiện tốt xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” được các cơ quan, đơn vị, các ban, ngành, hội, đoàn thể, các tổ chức chính trị-xã hội, doanh nghiệp và nhân dân hưởng ứng đã  thực sự góp phần nâng cao đời sống đối tượng, gia đình chính sách trên địa bàn thành phố.

* P.V: Xin cảm ơn ông.

PHƯƠNG TRÀ (thực hiện)

;
.
.
.
.
.