.

Quá nhiều hạn chế trong công tác chữa cháy rừng

.
Sáng 22-7, UBND quận Liên Chiểu tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm về công tác chữa cháy trong vụ cháy rừng xảy ra ngày 7-7 tại tiểu khu 4a rừng đặc dụng Nam Hải Vân. Hội nghị đã phân tích, đánh giá việc làm được và chưa được trong công tác chữa cháy, đề ra giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả khi tình huống cháy rừng xảy ra.   

Mô tả ảnh.
Các lực lượng tích cực tham gia chữa cháy.   Ảnh: NGỌC ĐOAN
 
Theo báo cáo, 13 giờ ngày 7-7, lực lượng tuần tra phát hiện rừng tại khu vực hầm đường sắt số 3, thuộc tiểu khu 4a xảy ra cháy. Kiểm lâm quận Liên Chiểu và tổ phản ứng nhanh đã phối hợp với lực lượng của huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức chữa cháy, song do lực lượng mỏng, khu vực cháy địa hình hiểm trở, độ dốc lớn, thực bì dày đặc, gió từ biển thổi vào rất mạnh, nên đám cháy nhanh chóng lan rộng, trở thành vụ cháy rừng lớn nhất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng kể từ trước đến nay. Vụ cháy kéo dài đến 5 giờ sáng ngày 8-7 mới được dập tắt, khi đã thiêu rụi 25ha rừng, trong đó có 4,5ha rừng thông Ca-ri-bê trên 15 năm tuổi.

Đánh giá của Ban Chỉ huy các vấn đề cấp bách trong bảo vệ và PCCCR quận Liên Chiểu cho thấy, phương châm “4 tại chỗ” trong chữa cháy rừng không được phát huy. Khi vụ cháy vừa xảy ra, lực lượng tham gia chữa cháy quá ít. Lực lượng tại chỗ của địa phương hầu như không tham gia chữa cháy. Đến khi đám cháy lan rộng ngoài khả năng kiểm soát, các đơn vị quân đội mới được điều động tham gia chữa cháy với 539 cán bộ, chiến sĩ, trong tổng số 769 người có mặt tại khu vực cháy. Công tác chỉ huy chữa cháy còn lúng túng và bị động, thiếu sự thống nhất, chưa tập trung vào một đầu mối. Thông tin liên lạc không bảo đảm dẫn đến việc chỉ huy điều hành chữa cháy khó khăn và kém hiệu quả. Việc xử lý tình huống thiếu linh hoạt, chưa đề ra giải pháp tối ưu để khống chế đám cháy. Trang thiết bị, phương tiện dụng cụ chữa cháy ít và thô sơ. Với hơn 700 người tham gia chữa cháy nhưng chỉ có 150 rựa, 6 máy thổi gió, dẫn đến lãng phí về nhân lực. 6 xe cứu hỏa đến hiện trường nhưng không phát huy được tính năng, hiệu quả do địa hình phức tạp và điểm lấy nước quá xa. Tinh thần trách nhiệm chữa cháy của một số bộ phận chưa cao. Công tác hậu cần thiếu sự chuẩn bị dẫn đến bị động, không đáp ứng kịp thời nhu cầu về nước uống cho lực lượng chữa cháy. Công tác y tế không được triển khai...

Cái được duy nhất từ vụ cháy rừng vừa qua là Ban Chỉ huy các vấn đề cấp bách trong bảo vệ và PCCCR các cấp đã huy động lực lượng tham gia chữa cháy lớn nhất kể từ trước đến nay với 769 người. Lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy và các công trình quan trọng trên địa bàn đều an toàn, diện tích rừng bị cháy không lớn.

Từ thực tế trên, Ban Chỉ huy các vấn đề cấp bách trong bảo vệ và PCCCR quận Liên Chiểu đã rút ra một số bài học kinh nghiệm trong công tác chữa cháy.  

Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Hữu Thiết, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu đã chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai ngay những nội dung sau: Hạt Kiểm lâm Liên Chiểu phải củng cố lực lượng phản ứng nhanh, thiết lập sa bàn thể hiện chi tiết các tuyến vận động và các điểm lấy nước, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, dụng cụ chữa cháy, nâng cấp và hoàn thiện mạng lưới thông tin liên lạc. Khi rừng xảy ra cháy, phải báo ngay về Văn phòng UBND quận Liên Chiểu, đồng thời huy động mọi nguồn lực triển khai chữa cháy kịp thời và đánh giá chính xác tình hình để xin chi viện. Với các vụ cháy lớn, Kiểm lâm và tổ phản ứng nhanh có trách nhiệm dẫn đường cho lực lượng chi viện. Phòng Kinh tế quận chịu trách nhiệm về hậu cần tại chỗ, Trung tâm Y tế quận điều động 1 xe cứu thương cùng 1-2 bác sĩ đến hiện trường vụ cháy. Cơ quan Cảnh sát PCCC chủ động điều tra khảo sát điểm lấy nước tại Rừng đặc dụng Nam Hải Vân để khi có cháy xảy ra không bị động. Cơ quan Kiểm lâm phối hợp với Công an quận tiếp tục điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy ngày 7-7 vừa qua, qua đó có phương án phòng cháy tốt nhất...

Nguyễn Cầu  
;
.
.
.
.
.