.

Ru con thời... kỹ thuật số

.

Những lời ru từ cánh võng, vành nôi đưa con vào giấc ngủ dịu êm, nuôi lớn ước mơ con... giờ đây đã vắng hẳn. Thay vào đó, người ta dễ dàng bắt gặp những giọng hát ru thật hay phát ra từ... radio (chứ không phải từ miệng mẹ) để ru bé ngủ.

Mô tả ảnh.
Hát ru của người mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến tính cách, tâm hồn trẻ.

 

Xa rồi... tiếng ru

“Gió mùa thu, mẹ ru mà con ngủ/Năm ớ... canh chày/Thức đủ vừa năm, hỡi chàng là chàng ơi, hỡi người là người ơi, em nhớ tới chàng” (bài “Ru con”, dân ca Nam Bộ)... Giọng hát ngọt ngào ru con từ radio đã thay chị Nguyễn Thị Mai (phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) ru cho bé Cũn, con gái chị mới một tuổi rưỡi ngủ từ khi bé chào đời đến nay. Chị Mai tâm sự: “Quả thật mình bận quá, làm kinh doanh nên đâu có thời gian ru con, mà bé thì ít nhất phải một tiếng mới ngủ. Với lại mình hát tệ lắm, lại không thuộc bài nào. Thôi thì đành nhờ máy hát... hộ vậy”.

Quen với chiếc radio nên bé Cũn cứ nghe nhạc nổi lên, nằm một lúc là lăn ra ngủ ngay, cũng như quen với sự bận rộn, xa vắng của mẹ. Còn chị Lê Bích Trâm (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) thì “sáng tạo” hơn bằng việc nhờ mẹ ruột hát ru, ghi âm lại và cứ thế mở ra cho con trai 2 tuổi là cu Bin nghe. Nghe đi nghe lại một hồi một bài với giọng hát lạnh ngắt, đều đều như thế từ chiếc điện thoại di động, một lúc cu cậu cũng chìm vào giấc ngủ. 

Thời đại kỹ thuật số nên không khó để các bà mẹ trẻ “chữa cháy” bằng việc tải trên mạng Internet, mua đĩa các bài hát ru... về và mở cho con nghe để ngủ. Giờ đây, rất hiếm được nghe tiếng hát ru à ơi từ miệng các bà mẹ trẻ để dỗ con ngủ. Nhiều bà mẹ còn cho biết: Vì công việc làm ca quá bận rộn, về đến nhà thì đã 21 giờ - 22 giờ, đón con ở nhà trẻ tư về, mẹ và bé cũng đã quá mệt nên lăn ra ngủ, chẳng cần tốn thời gian hát ru. Việc ru con đã trở nên quá xa xỉ trong thời nay.

Bồi đắp nhân cách trẻ

Không chỉ vậy, nhiều bà mẹ trẻ còn biến tấu lời ru bằng những bài nhạc tự chế hoặc hát nhạc rock. Người dân ở gần nhà chị Nguyễn Thị Lài, phường Thanh Bình, quận Hải Châu cứ mỗi khi đến buổi trưa hoặc tối là... khiếp hãi bởi nghe chị Lài hát ru (hay gào) con. Bắt đầu khi bé khóc buồn ngủ là giọng “ca vàng” của chị lại cất lên: “Đừng sống giống như hòn đá, sống như hòn đá. Sống không một tình yêu. Sống chỉ biết thân mình. Tâm hồn luôn luôn băng giá...”. Thấy con khóc to hơn, chị lại đổi giọng: “Anh yêu em, yêu say đắm không cần toan tính, nghĩ suy làm chi...”. Sau một hồi bị “tra tấn”, bé cũng ngủ, chỉ tội hàng xóm là... không thể ngủ nổi vì làm khán giả bất đắc dĩ.

Ít thuộc các bài hát dân ca để ru con là một thực tế, khiến các bà mẹ trẻ tại nhiều đô thị thoái thác việc ru con ngủ. Thế nhưng, về những vùng quê, đâu đó lại bắt gặp những tiếng ru con da diết cất lên sau lũy tre làng. Những người mẹ nông dân ít học, dù hát không hay nhưng vẫn khiến người nghe nao lòng bởi chất giọng ấm, và cũng bởi trong đó chứa đựng cả tình yêu đối với con trẻ.

Thạc sĩ tâm lý học Lê Quang Sơn, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, chia sẻ: “Trẻ thơ được nghe mẹ hát ru sẽ nảy nở năng khiếu âm nhạc và sự dịu dàng, nhân hậu trong tính cách, tâm hồn. Trong lúc mẹ ru, bé còn được ôm ấp, nâng niu với ánh mắt thương yêu, trìu mến, điều mà không băng catset nào có thể làm được”. Bên cạnh đó, ông Sơn cũng cho rằng, ru con theo kiểu “hét”, ru không được thì quát tháo, hoặc ru chiếu lệ, vội vã thì không những không hiệu quả mà còn phản tác dụng. Không cần phải hát thật hay (bởi mẹ đâu phải là ca sĩ) nhưng hát giản dị, gửi gắm cảm xúc qua lời ru sẽ đạt hiệu quả cao. Trẻ con bây giờ ngày càng thông minh, nhanh nhẹn nhưng sẽ lạnh lùng, vô cảm nếu thiếu tình yêu thương, cảm xúc nhân ái được bồi đắp từ thuở bé.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.