Bộ phim tài liệu “Những trang văn lấm đất chiến hào” của đạo diễn Phan Hùng (Đài Truyền hình Việt Nam) sẽ được phát sóng trên VTV1 và VTV Đà Nẵng vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-liệt sĩ (27-7) này.
Mẹ Huỳnh Thị Chiêm trong lễ truy điệu liệt sĩ Trần Duy Chiến được tổ chức tại Đà Nẵng năm 2007. |
Những nhân vật chính trong phim là liệt sĩ Trần Duy Chiến, tác giả của nhật ký “Tây tiến viễn chinh” (NXB Hội Nhà văn, 2005), cùng bao đồng đội đã cống hiến xương máu làm nên cuộc hồi sinh cho đất nước Campuchia.
Cầu nối quá khứ - hiện tại
Đạo diễn Phan Hùng cho biết, phải mất 2 năm ông mới hoàn thành bộ phim tài liệu dài hơn 28 phút, bởi ê-kíp làm phim phải đi suốt dặm dài đất nước để gặp gỡ các nhân chứng sống. Những ngày tháng 7 này, người đạo diễn của nhiều phim tài liệu về chiến tranh như “Những đoàn xe vận tải anh hùng”, “Những cô gái lái xe Trường Sơn”... đã mang những thước phim vừa hoàn tất đến Đà Nẵng. Thế là những người lính từng chiến đấu ở chiến trường Campuchia lại có dịp ngồi bên nhau. Những cái bắt tay nồng ấm. Những giọt nước mắt ngân ngấn. Những tâm sự được sẻ chia. Sau hơn 30 năm, họ gặp lại và càng trở nên gắn bó với nhau, bởi đằng sau bao vất vả, lo toan, tất bật đời thường vẫn vẹn nguyên cái tình, cái chân chất và sự dung dị của người lính.
Anh Nguyễn Văn Chính (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) và anh Hồ Ngọc (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) dường như thuộc lòng từng câu từng chữ trong “Tây tiến viễn chinh”, vốn là cuốn sổ ghi chép 186 trang dày đặc chữ, với nhiều chỗ ố vàng. Vậy mà mỗi khi nhắc đến người đồng đội thân thiết đã hy sinh, cả hai anh đều không giấu được xúc động bởi những tháng ngày súng trên vai được tái hiện qua từng trang văn mà anh Chiến để lại. Anh Chính đã dùng 8 viên pin đèn để đổi lấy cuốn sổ tay bìa xanh suýt bị xé dần làm giấy cuốn thuốc lá, và gìn giữ, nâng niu “tặng vật quý giá của một thời lịch sử” đến khi trao lại cho gia đình anh Chiến. Nhờ cuốn nhật ký, những người lính tình nguyện trong cuộc chiến tranh giữ nước và làm nghĩa vụ quốc tế với nhân dân Campuchia kết nối được với nhau, cùng tham gia hành trình tìm hài cốt và đưa anh Chiến từ tỉnh Bình Dương về với đất mẹ - Nghĩa trang liệt sĩ Đà Nẵng.
Trong ký ức của người cựu chiến binh Hà, cái tên Trần Duy Chiến gợi cho anh nhiều kỷ niệm thân thương quá đỗi. Hà đưa tay chạm vào di ảnh của đồng đội và nghẹn ngào: “Hà đây, Chiến ơi! Tao đã mù đôi mắt bởi đạn pháo của kẻ thù. Chiến đã ra đi mà tao không hề hay biết”...
Tri ân sâu nặng
Chủ tịch UBND thành phố
Đà Nẵng Trần Văn Minh |
Khi đọc “Tây tiến viễn chinh”, đạo diễn Phan Hùng đã lặng người bởi sự hồn nhiên giãi bày cảm xúc chân thật đến nồng nàn của người viết, từ nỗi nhớ mẹ đến nỗi nhớ quê hương, từ những vui buồn hành quân đến giấc mơ ngày trở về. Cũng từng là lính, với sự đồng cảm sâu sắc về những năm tháng chiến tranh khốc liệt ăn đói, mặc rét, ông Hùng tìm đến anh Trần Duy Dũng, em trai của liệt sĩ Trần Duy Chiến và những người đã gửi thời trai trẻ ở đất nước Angkor. Các cuộc gặp gỡ này đã gieo trong ông xúc cảm mãnh liệt để thai nghén những thước phim về một người lính xa Đà thành Tây tiến và hy sinh vào ngày 20-7-1980, như sự tri ân sâu nặng của những người đang sống đối với người đã ngã xuống. “Tôi làm phim để trả nợ đồng đội và gửi gắm thông điệp rằng, Tổ quốc không bao giờ quên các anh”, đạo diễn Phan Hùng nói.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cho rằng, như bao liệt sĩ khác, liệt sĩ Trần Duy Chiến đã minh chứng phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ và tinh thần quốc tế cao cả của dân tộc Việt Nam, vì tự do và hạnh phúc của đất nước bạn. Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Trần Văn Minh cũng bày tỏ sự trân trọng đối với những trang văn để lại này. Theo ông, anh Chiến và thế hệ thanh niên ngày ấy là tấm gương cho lớp trẻ ngày nay noi theo để làm tốt vai trò, trách nhiệm với Tổ quốc.
Mẹ Huỳnh Thị Chiêm ngày ngày vẫn ngắm nhìn di ảnh của người con trai sinh năm 1957, quê gốc tại xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nhưng sinh trưởng tại Đà Nẵng. Mẹ vẫn nhớ rõ ngày tiễn Chiến xung phong nhập ngũ ở quân trường Mỹ Thị. Nỗi đau khi nhận tin báo con hy sinh đến nay vẫn như vết cứa, nhưng niềm tự hào cứ luôn trào dâng.
Chiến tranh đã lùi xa. Trong lòng những người đồng đội của liệt sĩ Trần Duy Chiến vẫn văng vẳng lời ca suốt thời gian dài tìm hài cốt anh: “Bạn ở đâu dưới lòng sâu sỏi đá… Trong nắng lóa mặt trời, trong khô khốc cuộc đời, ta lạc nhau rồi, Chiến ơi!”.
Bài và ảnh: TÚ PHƯƠNG