.

Ứng phó với già hóa dân số

.
Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, dân số Việt Nam sẽ đạt 95,3 triệu người vào năm 2019; 102,7 triệu người vào năm 2029 và 108,7 triệu người vào năm 2049. Cũng theo kết quả Tổng điều tra, Việt Nam đã bước vào thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” có nghĩa là thời kỳ mà tỷ trọng trẻ em dưới 15 tuổi giảm xuống dưới 30% và tỷ trọng người già từ 65 tuổi trở lên còn ở mức dưới 15% trong tổng dân số.

Mô tả ảnh.
Tư vấn cho học sinh các trường THPT về chăm sóc sức khỏe sinh sản.
 
Thời kỳ dân số vàng bắt đầu vào khoảng năm 2007 và sẽ kết thúc vào năm 2041. Rõ ràng đây là một lợi thế rất lớn đối với sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, nếu tận dụng được tính ưu việt về lực lượng lao động của thời kỳ này trong vài thập kỷ tới. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng bắt đầu bước vào thời kỳ già hóa dân số. Như vậy, cùng với cơ hội cơ cấu dân số vàng, Việt Nam cũng cần có những ứng phó với già hóa dân số để bảo đảm an sinh xã hội và chăm sóc y tế cho người già, đặc biệt người già trong nhóm hộ nghèo, người già tàn tật ở các vùng nông thôn.  

Vào năm 2009, tỷ số giới tính của dân số Việt Nam là 97,6 nam/100 nữ. Trong khi tỷ số giới tính trong nhóm dân số cao tuổi (60 tuổi trở lên) khá thấp (67,8) do mức tử vong của nam cao hơn và do hậu quả của các cuộc chiến tranh đã qua. Tỷ số giới tính của dân số trẻ em dưới 15 tuổi khá cao (106,9). Số liệu cho thấy có hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh (nhiều bé trai hơn bé gái) và sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội.

Kết quả phân tích cũng cho thấy trong giai đoạn 2004-2009 có 6,6 triệu người di cư trong nước, đa số người di cư là thanh niên, trong đó nữ di cư tăng đáng kể. Di cư trong nước là động lực cho phát triển, nhưng cũng là một thách thức cho nước ta trong những thập kỷ gần đây. Di cư từ nông thôn ra thành thị - hình thái di cư chính ở Việt Nam - đang tạo nhiều áp lực đối với vấn đề cơ sở hạ tầng đô thị và nhu cầu các dịch vụ xã hội hiện nay và tương lai.

HÀ ANH
;
.
.
.
.
.