Một thực trạng đáng báo động là nhiều tuyến đường lớn trên địa bàn thành phố chỉ sau một thời gian đưa vào sử dụng đã bị xuống cấp, không những thế, những đoạn đường xuống cấp còn rơi vào “điệp khúc”: cứ sửa chữa xong lại hư tiếp.
Quá nhiều xe tải cùng hoạt động khiến mặt đường Nam Hải Vân bị bong tróc. |
Từ Km3+300 đến Km 6+300 của đường Nam Hải Vân gần như không có một mét vuông nào không bị hư hỏng. Ở những vị trí bị hư hỏng nhẹ thì mặt đường bị bong tróc hết lớp nhựa thảm bên trên, còn hư hỏng nặng thì mặt đường bị lún xuống cả vài chục phân, tạo thành những vệt mương dài cả trăm mét rất nguy hiểm cho các phương tiện đi vào. Trong khi đó đường số 2 (nối từ đường Nguyễn Văn Cừ đến đường Nam Hải Vân) dù rất ngắn, thế nhưng gần như thường xuyên trong trạng thái hư hỏng nặng cần phải sửa chữa. Nhiều vị trí trên đoạn đường này bị sụt lún hoặc lột hết cả lớp nhựa thảm bên trên, dù qua nhiều lần sửa chữa nhưng liên tục bị hư trở lại.
Tình trạng này cũng xuất hiện khá nhiều trên đường Trường Sơn, riêng tại vị trí ngay trước cổng Trạm CSGT cửa ô Hòa Nhơn, mặt đường nhấp nhô như những con sóng với “tâm sóng” nằm sát dải phân cách và lan tỏa ra đến sát vỉa hè. Đặc biệt, vị trí vòng xoay, hoặc ngã ba, ngã tư trên những đường có xe tải nặng hoạt động nhiều như Ngô Quyền, Cách mạng Tháng Tám, chân cầu vượt Hòa Cầm... không những mặt đường nhấp nhô nhiều gợn sóng mà kích thước của những “con sóng” lại khá lớn, khiến tại những vị trí này thường xuyên xảy ra TNGT theo kiểu “dồn toa”.
Tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi được lực lượng CSGT cửa ô Hòa Nhơn và Kim Liên đều chung nhận định là mật độ xe tải nặng lưu thông trên các trục đường này quá nhiều. Xe quá tải, lại chạy nhanh, khiến mặt đường không chịu nổi nên võng xuống. Ở một số vị trí khác, mặt đường có hiện tượng gợn sóng nhấp nhô là do xe tải chạy quá nhanh, khi hãm phanh đột ngột tạo nên lực đẩy dồn nhựa mặt đường lại, tạo thành những nếp nhấp nhô. Mặc dù vậy, cả hai trạm CSGT này đều cho rằng việc xử lý xe quá tải rất khó khăn, vì không có thiết bị để cân trọng tải của xe mà chủ yếu là bằng quan sát trực quan nên chỉ “dám” đưa ra quyết định xử phạt trong trường hợp kết hợp nhiều lỗi khác hoặc chở vượt tải với số lượng lớn.
Theo kỹ sư Trần Dân, Phó Chủ tịch Thường trực Hội KHKT cầu đường thành phố, cho rằng ở đây còn có cả yếu tố kỹ thuật. Đặc điểm chung địa chất của khu vực miền Trung, nhất là vùng trung du đồi núi đều có cấu tạo địa chất đá vôi, với hệ thống mạch nước ngầm tương đối cạn. Vì vậy, nếu thiết kế theo kiểu truyền thống là xử lý nền đất tiếp đến là lớp đá cấp phối dày khoảng 30 - 40 cm, rồi thảm lớp nhựa đường dày khoảng 10-12cm là không thể chịu nổi. Vì với thiết kế này, đến mùa mưa, khi nước ngầm hoạt động mạnh sẽ tạo nên dòng chảy dưới lòng đường, lâu ngày sẽ khoét dần nền móng và như vậy chỉ cần xe chạy đúng với tải trọng thiết kế cũng khiến cho mặt đường bị hư hỏng. Điều này cũng giải thích vì sao lâu nay tại các vị trí đường bị hư, sau thời gian ngắn sửa chữa lại hư tiếp. Cũng theo kỹ sư Trần Dân, với trường hợp như vậy phải xử lý nền đường theo phương án đổ bê-tông thay vì rải lớp đá cấp phối và mặt đường cần thảm một lớp nhựa dày ít nhất là 20cm thay vì 10 - 12cm như hiện nay. Tuy nhiên, điều đáng nói là hầu hết đường trên địa bàn thành phố, ngay cả như đường Nam Hải Vân, hay đường Trường Sơn đều không làm móng bằng bê-tông, nên xuống cấp nhanh là điều bình thường.
Ông L.V. B, một tài xế xe tải nặng nay đã chuyển sang chạy xe chở nước đá tinh khiết cho một DNTN ở thành phố thì “bật mí” thêm: Đường có làm tốt đến mấy cũng không thể chịu nổi xe tải nặng hoạt động. Hầu hết xe tải nặng ở Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng đều gia cố thêm phần nhíp xe để tăng khả năng tải trọng của xe. Vì vậy, một xe có tải trọng 25 tấn nhưng thực tế có thể chở 30-40 tấn là bình thường, do vậy đường xuống cấp là cũng... bình thường!
Quả thật có quá nhiều việc phải làm để kéo dài tuổi thọ các công trình giao thông, điều này ai cũng thấy, nhưng chưa xử lý dứt điểm. Vì vậy, các con đường lớn sau thời gian đưa vào hoạt động lại xuống cấp là điều dễ hiểu.
Bài và ảnh: Thanh Vân