.

Vỡ mộng... chồng tây

.

Đứng một mình trong phiên tòa vắng mặt bị đơn (điều thường thấy ở những phiên tòa ly hôn với người nước ngoài), khuôn mặt đầy phấn son của cô gái ấy bình thản đến lạ lùng, chút tiếc nuối thoáng qua nhanh, nhường chỗ cho sự vội vàng, muốn giải thoát.

Những cuộc tình... vội vã

 

Mô tả ảnh.
Một vụ ly hôn vắng mặt chồng ngoại tại Tòa án Nhân dân thành phố Đà Nẵng.


Có mặt tại phiên tòa ngày 14-7, không ai không khỏi xót xa trước hoàn cảnh của cô gái là nguyên đơn, với khuôn mặt đầy son phấn còn khá trẻ và xinh. V.T.M.T (29 tuổi, ở phường Bình Hiên, quận Hải Châu) trình bày với Hội đồng xét xử tại Tòa án Nhân dân thành phố Đà Nẵng về cuộc hôn nhân đổ vỡ của mình với giọng đều đều, vô cảm. Là hướng dẫn viên du lịch, T. đi và gặp gỡ khá nhiều người nhưng cô có nguyện vọng muốn lấy chồng tây, chí ít cũng là... Việt kiều. Cơ hội đã đến, trong một lần đi tour, T. đã gặp S. - một doanh nhân từ trời tây đến, giàu có và lịch lãm. Chẳng cần đắn đo, tìm hiểu kỹ, T. ngay lập tức nhận lời yêu S. khi anh này ngỏ lời. Sau vài tháng hương lửa mặn nồng, S. đã bay về nước và... bặt tin từ đó, để T. vò võ ôm gối chờ đợi 2 năm. Giấc mộng... xuất ngoại sang trời tây của T. đã tan như bong bóng xà phòng. Con không có, của cải chung cũng không, chồng bặt vô âm tín, lo tuổi xuân qua mau, T. đành đâm đơn ra tòa xin ly hôn vắng mặt chồng.

 

Hơn T., chị H.T.H.C. (25 tuổi, ở phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) đã thỏa mãn được ước muốn của mình là bay ra nước ngoài, để lại niềm kiêu hãnh cho bố mẹ ở quê nhà. Thế nhưng, khi cùng anh Chia Jen sang Đài Loan sinh sống, C. đã thất vọng... bởi Chia Jen là đối tượng đã có tiền án tiền sự, điều mà sau một tháng quen nhau chóng vánh, anh này đã giấu biệt. Từ lúc về Đài Loan, anh này suốt ngày rượu chè bê tha, đánh chửi chị C. vô cớ. Sống trong lo lắng, sợ hãi, chị C. đành bỏ giấc mộng xuất ngoại, để... chạy lấy người. Từ năm 2008 đến nay, Chia Jen vẫn không một lần liên lạc, hỏi thăm. Rốt cuộc, C. đành phải đâm đơn ra tòa ly dị vắng mặt bị đơn.

Vẫn nuôi... khát vọng đổi đời

Khi chồng tây sập bẫy...

Một cán bộ ngành tòa án đã kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện bi hài khác mà nạn nhân lại chính là mấy anh chồng tây. Chuyện là có một cô bồi bàn tại một nhà hàng lớn trên đường Trần Phú tình cờ quen một ông bác sĩ người Thụy Điển đã về hưu. Sau một thời gian “tình trong như đã...”, sau khi đăng ký kết hôn, tưởng đã “chắc ăn”, ông này bèn rút ngân sách để cô mua nhà gần 3 tỷ đồng và mở tiệm kinh doanh ăn uống. Đùng một cái, cô vợ trẻ đòi ly hôn, anh chồng già “chết đứng” như Từ Hải, mong muốn hạ cánh khi về già của mình đã tan vỡ. Tài sản chia đôi, cô vợ lập tức kết duyên cùng một anh trai trẻ, bỏ mặc anh chồng cũ bị sốc nặng.

Với mong muốn xuất ngoại kiếm chồng giàu, dù một chữ tiếng Anh bẻ đôi cũng không biết, dù chẳng hiểu gì về đất nước cũng như phong tục tập quán nơi mình sắp sang làm dâu. Mặc dù đã có những khuyến cáo, nhưng với những người này, dường như phía trời tây đối với họ có một hấp lực khá mạnh mẽ. Mơ về nơi xa lắm ấy, họ mong được đi máy bay, được ngắm tuyết rơi, được ăn trong những nhà hàng sang trọng, được tự vỗ ngực khi trở về rằng mình là “Việt kiều”... Thế nhưng, có những trường hợp vì tình yêu vụ lợi, không tìm hiểu, dẫn đến hạnh phúc gia đình không bền vững.

 

Theo số liệu từ Tòa án Nhân dân thành phố, mỗi năm trung bình có từ 60-80 vụ ly hôn mà vợ hoặc chồng là người nước ngoài, trong đó hầu hết nguyên đơn đều là chị em. Tính từ đầu năm đến nay, tòa đã xử 45 vụ ly hôn với người nước ngoài, hầu hết đều chưa có con, chưa có tài sản chung, thiệt thòi vẫn nghiêng về người phụ nữ. Hầu hết những người con gái lấy chồng tây đều còn khá trẻ và đẹp, có người đang là sinh viên, là công nhân, nội trợ, buôn bán... Họ quen nhau có khi là trên mạng, do bạn bè giới thiệu hay tình cờ gặp... và hầu hết đều chưa có con vì tất cả đều chờ để... xuất ngoại. Nhưng kết cục, nhiều người phải tìm đến tòa án để giải quyết hậu quả do sự cả tin và nông cạn của mình.

Bài và ảnh: KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.