.

Xử lý buôn bán lấn chiếm vỉa hè: Chuyện còn dài...

.
Chuyện buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, cản lối người đi bộ, ảnh hưởng môi trường, mỹ quan đô thị… rõ ràng là vi phạm trật tự đô thị. Thế nhưng, hằng ngày những hành vi ấy vẫn tự nhiên diễn ra, đến nỗi, nhiều người đâm nghi ngờ: “Có phải bữa nay người ta cho phép tự do buôn bán trên vỉa hè?”.

Mở quán trên vỉa hè: không khó!

Mô tả ảnh.
Bán hàng rong rất khó xử lý.
Chị chủ quán nước mía đang chiếm toàn bộ phần vỉa hè (trước nhà) đoạn đường Đống Đa giao với đường Quang Trung đon đả nói khi tôi ngỏ ý muốn mở quán bán nước dừa, nhân mấy tháng hè nóng nực: “Chủ yếu chị bán tạp hóa, nhưng tiền lời ít quá, nhân mấy tháng hè, đặt thêm xe nước mía này, bán lai rai, cũng không tệ, ngay trước nhà của mình, chẳng phải thuế má gì, lời bao nhiêu hưởng trọn bấy nhiêu. Em cứ mở quán đi, dễ lắm”.

Thấy khách có vẻ háo hức học hỏi kinh nghiệm, chị hồ hởi tiếp: “Em ở tận bên quận 3 thì càng tiện, bên đó nghe nói thoải mái hơn, không như bên trung tâm này, thỉnh thoảng phải nhanh tay nhanh mắt đề phòng đội trật tự. Nhất là đi vào các hẻm, kiệt thì càng dễ làm ăn. Kèm thêm ít thuốc lá nữa mà bán em ạ”!!
Đi lòng vòng khắp các ngả đường ở trung tâm và cả vùng ven thành phố (đặc biệt lúc chiều và tối) sẽ thấy nào là bún, phở, cháo lòng… đặc biệt, các quán nhậu và cà-phê cóc, ước cứ khoảng 5 - 10 mét là có một quán. Có những tuyến đường đã trở thành “phố nhậu” hay “phố cà-phê” nhìn ngút mắt… Tất nhiên các quán này đều có đặc điểm là không chỉ “lấn” mà “chiếm” hẳn phần đường của người đi bộ, đến nỗi, họ có muốn bám vỉa hè cũng không xong. Bởi thế, nhiều người dân đến buổi tối muốn thả bộ thong dong dọc phố, nhưng không thể thực hiện mà đành đi xuống dưới lòng đường, chẳng an toàn chút nào.

Thói quen khó bỏ

Một cán bộ của Phòng Quản lý giao thông đô thị thuộc Sở Giao thông-Vận tải thành phố than thở: “Quy định xử phạt rất rõ ràng, các chế tài xử phạt đối với người vi phạm ai cũng biết, nhưng người ta vẫn cố mua bán trên vỉa hè! Lỗi này cũng một phần do thói quen người mua. Nếu không có nhu cầu mua hằng ngay trên vỉa hè thì người ta bán cho ai”.

Thực tế hiện nay, người ta vẫn thấy nhiều phụ nữ khi đi làm về là tạt thẳng qua vệ đường mua đồ ăn thức uống và những thứ cần thiết, vì theo họ nghĩ, việc này tiện hơn nhiều so với đi chợ, có thể tranh thủ lúc sáng sớm hay khi chiều muộn, tiết kiệm thời gian, đỡ công gửi xe…

Chính những thói quen khó bỏ ấy mà khu chợ đêm ở đoạn đường Hải Phòng giao với Điện Biên Phủ và một số ngã ba, ngã tư quen thuộc khác cứ đến 7 - 8 giờ tối là tưng bừng kẻ bán người mua, tràn cả ra lòng đường, kèm theo đó là trật tự giao thông bát nháo!!

Gian nan công tác xử lý

Theo ông Huỳnh Văn Dũng, tổ phó tổ Quy tắc đô thị phường Thạch Thang cho biết: “Với những đối tượng buôn bán lấn chiếm vỉa hè cố định,  có thể xử lý nghiêm khắc khi bắt gặp. Khó nhất là với những đối tượng bán hàng rong, cứ đuổi đằng đông họ chạy đằng tây. Đặc biệt đối với người không có công ăn việc làm, người già yếu, tàn tật, người mất sức lao động buôn bán ở vỉa hè, có muốn cũng không thể xử lý nặng tay. Bởi, xử lý thẳng thừng đối với những đối tượng này không khác gì dồn họ vào chân tường. Chúng tôi không làm được. Hy vọng rằng, trong thời gian sớm nhất, chính quyền sẽ có những kế sách giải quyết công ăn việc làm cho họ, đồng thời chấn chỉnh các quy định về quản lý trật tự vỉa hè… thì may ra việc dẹp trật tự vỉa hè mới có thể đạt hiệu quả triệt để”.

Chuyện kẻ bán, người mua; lo xử lý vi phạm chưa xong lại giải quyết hệ quả xử lý; chuyện cái lý của pháp luật và tình người; giữa vẻ đẹp của đô thị và cuộc sống hiện thực người dân… là một chuỗi những câu hỏi khó đối với các cấp chính quyền đang cần được giải quyết.

Bài và ảnh: Thanh Tân
;
.
.
.
.
.