.

40 năm bán vé số nuôi trẻ mồ côi

.

Hơn 40 năm qua, trong khuôn viên Bệnh viện (BV) Đà Nẵng có một người phụ nữ bề ngoài khắc khổ, gầy yếu, sống bằng nghề bán vé số dạo. Điều không thể tưởng là người phụ nữ vừa câm vừa bệnh tật này đã cưu mang nhiều sinh linh nhỏ bé bị bỏ rơi khi vừa lọt lòng mẹ. 

Mô tả ảnh.
40 năm qua, bà Hồng xem Bệnh viện Đà Nẵng là nhà, cũng là nơi bà dành hết tình yêu cho trẻ em bất hạnh.

 

“Bảo mẫu” của trẻ em không thừa nhận

Người phụ nữ đó tên Hồng, năm nay gần 60 tuổi, dáng vẻ nhỏ thó gầy guộc, lưng còng, tay cầm xấp vé số, mời khách mua vé số bằng cánh tay và ánh mắt. Khách không mua bà cũng chỉ nở nụ cười hiền hậu. Những bác sĩ làm việc lâu năm ở BV cho biết, người phụ nữ bí ẩn này đã cưu mang hơn 10 đứa bé bị bỏ rơi tại các khu vực gần khoa sản của BV. Ngần ấy đứa trẻ không được ba mẹ chúng thừa nhận, nhưng bà Hồng thì luôn mở lòng nuôi chúng bằng sữa, bằng cháo từ tiền hoa hồng ít ỏi bán vé số.

Sự việc mà nhiều hộ lý trong BV nhớ, thường hay kể về người phụ nữ đơn độc nhưng kỳ lạ này là cách đây gần 20 năm, bà Hồng đã dũng cảm nhận chăm sóc một đứa trẻ bị bỏ rơi. Khi ấy, một bà mẹ tuổi chừng 17 đến BV sinh con, sau đó bỏ con  trốn viện. Không có bầu sữa mẹ, đứa bé khóc thét cả ngày. Ở thời điểm đó, còn chưa có quy định như hiện nay là trẻ bị bỏ rơi sẽ được đưa sang Trung tâm Bảo trợ xã hội nuôi dưỡng, BV chỉ còn cách chờ người mẹ quay lại, hoặc đợi người đến nhận nuôi. Trong lúc các bác sĩ, y tá loay hoay với đứa trẻ không được thừa nhận thì bà Hồng xin được gặp. Bà ra dấu cho bà nhận nuôi. Ròng rã 1 năm trời, bà Hồng xem đứa bé như con ruột của mình, chăm lo từng li từng tí.

Có những hôm trái gió trở trời, đứa bé bị viêm phổi, bà bỏ bán vé số để chăm nom. Rồi một hôm, có một cặp vợ chồng không con đến xin về làm con nuôi, bà lưỡng lự nhưng các bác sĩ, hộ lý động viên nên bà đành giao đứa bé cho đôi vợ chồng nọ để họ có chút hạnh phúc con trẻ trong nhà... Rồi đến đứa bé vô thừa nhận thứ hai được bà nhận nuôi. Bà đặt tên cho đứa bé là Nga, dần dà cháu bé quấn quýt theo “mẹ” khắp khuôn viên BV. Mãi đến năm 2006, bà nuốt nước mắt trao bé Nga cho Trung tâm Nuôi dạy trẻ mồ côi thành phố Đà Nẵng. Rồi sau đó, đến lượt bé Tâm, bé Rơi... và nhiều đứa trẻ có những cái tên đầy ý nghĩa khác được bà Hồng nhận chăm sóc với tình cảm thiêng liêng của người mẹ. Bà biết mình không đủ sức để nuôi một đứa trẻ lớn khôn, trưởng thành, học hành đến nơi đến chốn. Nhưng, chăm trẻ dường như là một niềm vui khiến bà gắn bó, thân thiết với BV.

Bệnh viện là nhà

Cho đến nay, cuộc đời của bà Hồng vẫn còn là một ẩn số mà rất ít khi bà chia sẻ... Một số bác sĩ, hộ lý tiếp xúc với bà Hồng, hiểu con người của bà kể rằng: Sau khi cha mẹ bị địch bắn chết vào khoảng năm 1968, bà bỏ nhà đi và sống lang thang đây đó. Trong một lần lên cơn hen suyễn, bà được y tá, bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng cứu sống, kể từ đó bà lấy bệnh viện làm nhà. Nhưng cũng có người kể, vào những năm đầu thập niên 60, có một người đàn ông dắt một đứa trẻ bị câm đến BV điều trị bệnh hen suyễn, nhưng bệnh đứa trẻ chưa khỏi thì người đàn ông bỏ đi biệt tăm. Tôi có viết giấy hỏi bà về quá khứ của mình, nhưng bà chỉ cười và khoát tay không trả lời.

Mới vào BV, bà sống bằng những bữa cháo từ thiện lúc no, lúc đói. Lớn lên, bà tự bươn chải sống bằng nghề bán vé số. Khách mua là những người thân của bệnh nhân. Số tiền lời kiếm được từ việc bán vé số, ngoài để ăn uống, sinh hoạt hằng ngày, bà Hồng dồn tất cả để mua đường, sữa và vật dụng chăm sóc những đứa trẻ bất hạnh. Hễ nghe tin ở khoa sản có trẻ bị bỏ rơi, dù đang bán vé số bà cũng bỏ công việc lại để chạy lên nhận nuôi, giúp đỡ.

Dường như cuộc đời bà vốn đã bất hạnh, không có niềm hạnh phúc nhỏ nhoi, giản dị là được làm mẹ như bao người phụ nữ khác, nên bao nhiêu tình thương bà dồn cả vào những sinh linh tội nghiệp. Tuy sống côi cút một mình, vất vả mưu sinh, nhưng trong bà có một tình thương người đến kỳ lạ, nhất là đối với những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ lại ở bệnh viện. Bao nhiêu năm bà sống trong BV thì cũng chừng ấy năm bà bị căn bệnh hen suyễn hành hạ. Mỗi lần lên cơn lại phải nhờ đến các y, bác sĩ giúp đỡ. Nhưng bệnh tật cũng không làm bà chùn bước, bà vẫn tiếp tục làm việc thiện với cả tấm lòng...

Ngày qua ngày, có một người đàn bà câm, lê những bước chân khập khiễng, bán vé số quanh khu vực BV, góp tiền nuôi những đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi. Hình ảnh đó khiến nhiều người hiểu chuyện càng thêm khâm phục, kính nể vì đức độ vô biên của người phụ nữ tật nguyền này...

Bài và ảnh: VIỆT DŨNG

 

;
.
.
.
.
.