Sáng 20-8, tại Trung tâm Thông tin Học liệu Đại học Đà Nẵng trở nên chật chội bởi sự có mặt của đông đảo những người bạn, gia đình, thân quyến và cả những người chưa từng một lần được gặp mặt cố nhà văn Phan Tứ, để được đọc, được xem và nghe về cuốn nhật ký và ghi chép văn học “Từ chiến trường Khu 5” của ông, vừa được xuất bản.
Phan Tứ (tên thật Lê Khâm) là một nhà văn xuất sắc về đề tài chiến tranh cách mạng với nhiều tác phẩm đã nổi tiếng như: “Bên kia biên giới” (tiểu thuyết); “Trước giờ nổ súng” (tiểu thuyết); “Mẫn và tôi” (tiểu thuyết); “Gia đình má Bảy” (tiểu thuyết); “Trong mưa núi” (hồi ký); “Măng mọc trong lửa” (bút ký)… Năm 2000, ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật. Năm 2002, NXB Văn học đã in “Phan Tứ toàn tập” dày 3.000 trang; năm 2007, NXB Quân đội nhân dân in tập truyện và ký “Thức tỉnh” dày 400 trang.
Nhưng bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ gói hết sự nghiệp nhà văn-chiến sĩ Phan Tứ. Bằng chứng là ông còn để lại một khối di bút khá đồ sộ với 53 cuốn nhật ký và ghi chép, dày 7.000 trang (ghi chép từ tháng 7-1961 đến 1975). Riêng 5 năm ở chiến trường Khu 5, những cảnh vật, con người và những cảm xúc trong những năm tháng chiến đấu đầy gian khổ đã thôi thúc ông ghi chép công phu và tỉ mẫn 34 cuốn sổ tay, dày 4.000 trang bằng 4 thứ tiếng Anh, Pháp, Nga, Lào và với những ký hiệu riêng, đề phòng khi lọt vào tay địch. Và đây chính là pho tài liệu vô cùng quý giá, để hôm nay, chúng ta có 3 tập “Từ chiến trường Khu 5” đầy đặn với hơn 1.500 trang.
Bà Lê Thị Kinh (tức Phan Thị Minh), nguyên Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Ý - chị gái của cố nhà văn, người đã chủ định và chịu trách nhiệm chính cho sự ra đời của tập nhật ký và ghi chép văn học này kể lại: “Lúc đầu gia đình rất ngần ngại trong việc công bố bộ nhật ký bởi đầu mỗi cuốn Phan Tứ đều ghi: “Mật - Ghi chép riêng của Phan Bốn (hay Tứ) không ai được phép xem”. Nhưng rồi, ngẫm kỹ, tôi quyết định thuyết phục gia đình và bạn bè quyết tâm “giải mã” khối di bút mật ấy… Bộ nhật ký Phan Tứ để lại ghi chép tỉ mẫn nhưng chữ nhỏ li ti, nhiều thứ tiếng, nhiều ký hiệu, phải phóng to, nhờ người có uy tín phiên dịch… nên quá trình “giải mã” thật không dễ dàng. Trong suốt 5 năm (từ 2005-2010), nhiều lần, một phần vì tuổi cao sức yếu, có cảm giác công việc mình đang đảm đương là quá sức, nhưng nghĩ đến em trai (Phan Tứ) trong bệnh tật, trong gian khổ chiến trường vẫn không một ngày ngơi viết… tôi lại tiếp tục, tiếp tục… cùng nhóm biên soạn nỗ lực cho đến khi hoàn thành. Nhà thơ Thanh Quế, em dâu Phương Thảo (vợ cố nhà văn) cùng những người bạn... và tôi có lẽ sẽ không thể nào quên những xúc cảm đã trải qua trong quá trình biên soạn sách”.
Tại buổi giới thiệu sách, mỗi người một tâm sự, một cách bày tỏ, nhưng chúng tôi hiểu rằng, họ đều có chung niềm khâm phục, nỗi xúc động có thật về những trang nhật ký, ghi chép viết bằng trải nghiệm cả máu, nước mắt và tuổi thanh xuân đã đi qua chiến tranh của nhà văn - chiến sĩ Phan Tứ, của một thế hệ đáng tự hào.
Ngọc Dung