“Hồi tôi sinh đứa thứ 3, ai ở bệnh viện cũng lo sợ em bé không được lành lặn như hai đứa đầu. Không biết sau này các cháu mình có tiếp tục bị nhiễm chất độc nữa hay không”. Đó không chỉ là nỗi lo của chị Nguyễn Thị Thích (thôn Hòa Sơn 1, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) mà còn là tâm trạng chung của những đấng sinh thành đang mang trong mình chất độc da cam.
“Không biết con cháu mình có tiếp tục bị di chứng”
Không may mắn như những đứa trẻ khác trong thôn, từ khi mới được sinh ra, em Đặng Thị Hòa ở thôn Lệ Sơn 1, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, đã có đôi chân dị tật giống bố và teo lại như cây khô trên vùng đất cằn cỗi. 20 tuổi, Hòa vẫn nhỏ bé và xanh xao như mới lên tám. Tiếp chúng tôi trên đôi tay chống nạng, Hòa tươi cười hồn nhiên nói: “Em biết mình bị nhiễm chất độc da cam từ hồi lên 5 tuổi. Khi biết bị nhiễm chất độc da cam, em cảm thấy buồn vì không có chân như người khác”.
Chị Nguyễn Thị Thích, mẹ em Hòa, cho biết: “Hòa là đứa con thứ 2 và cũng là thế hệ thứ 3 trong gia đình bị nhiễm chất độc da cam. Đứa con đầu sinh ra bị dị tật giống Hòa và mất từ lúc mới lọt lòng. Ông nội Hòa có 5 người con, thì đã có 2 trong số đó bị nhiễm chất độc da cam”. Theo anh Đặng Văn Sơn (sinh năm 1967), bố em Hòa, khi lập gia đình, anh đã biết mình bị nhiễm chất độc da cam, nhưng cứ nghĩ chất độc chỉ di truyền tới đời mình thôi, không ngờ các con cũng bị thế này. Hiện em Hòa còn có thêm căn bệnh thiếu máu bẩm sinh, lách lớn. Cũng vì sức khỏe yếu nên dù 9 năm liền là học sinh khá, giỏi, lại có năng khiếu, em vẫn không thể tiếp tục đến trường. Nhìn con, chị Thích rơm rớm nước mắt: “Không biết sau này mấy đứa nhỏ sinh con đẻ cái có bị nhiễm chất độc nữa hay không”.
“Cần phát hiện sớm trước khi sinh”
Không giống với hoàn cảnh của gia đình anh Sơn, chị Thích, các con ông Nguyễn Hồng Cự ở tổ 3, thôn La Bông, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, sinh ra đều bình thường. Tuy nhiên, khi lớn lên mới có biểu hiện của người thiểu năng trí tuệ. Bà Nguyễn Thị Phận, vợ ông Cự, cho biết: “Khi cháu lọt lòng, tôi không nghĩ nó bị nhiễm vì trông rất bình thường. Nhưng càng lớn, chúng lại càng tỏ ra kém lanh lợi hơn những đứa trẻ khác”.
Ông Cự lên chiến trường vùng B Đại Lộc từ năm 1965 đến 1975. Hồi lập gia đình, ông không biết mình bị nhiễm chất độc da cam cho đến khi có kết quả giám định y khoa vào năm 1980. Trong 5 người con, gồm 3 gái, 2 trai của ông thì đã có 3 người bị nhiễm dioxin. Hiện đứa cháu nội ông Cự cũng bị một bệnh về não do ảnh hưởng của chất độc này.
Theo Giáo sư - Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Toản, Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA), chất độc da cam di truyền qua cơ thể bằng các đường hô hấp, da, máu, tiêu hóa… rồi tác động đến các hệ thống trong cơ thể, gây biến loạn về gen. Chủ yếu xảy ra ở trẻ em như rối loạn thần kinh não bộ, vi thần kinh, não bộ thiểu năng trí tuệ, xương thủy tinh, teo biến dạng... Để ngăn chặn việc di truyền, trong thời gian qua đã có nhiều ngành y khoa ra đời nhằm chẩn đoán, phát hiện sớm trước khi sinh. Tuy nhiên, do cơ chế di truyền nên có người bị, có người không. Vì vậy, trách nhiệm của chúng ta là phải phát hiện sớm những rối loạn của thai nhi để bảo đảm cho họ không sinh con tàn phế.
Ông Trà Thanh Lành, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố Đà Nẵng: Hiện nay, Đà Nẵng có khoảng trên 5.000 người bị nghi nhiễm chất độc da cam, trong đó có khoảng 1.400 là trẻ em. Các trường hợp xác nhận bị nhiễm chất độc da cam được khảo sát dựa trên 17 loại bệnh do Bộ Y tế ban hành, gồm: Ung thư phần mềm; U lympho không Hodgkin; U lympho Hodgkin; Ung thư phế quản - phổi; Ung thư khí quản; Ung thư thanh quản; Ung thư tiền liệt tuyến; Ung thư gan nguyên phát; Bệnh đa u tủy xương ác tính; Bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính và bán cấp tính; Tật gai sống chẻ đôi; Bệnh trứng cá do clo; Bệnh đái tháo đường type 2; Bệnh Porphyrin xuất hiện chậm; Các bất thường sinh sản; Các dị dạng, dị tật bẩm sinh đối với con của người bị nhiễm chất độc hóa học dioxin và rối loạn tâm thần. |
Bài và ảnh: ĐOÀN LƯƠNG - TOÀN VÂN