.

Ám ảnh dioxin

.

50 năm sau ngày Mỹ rải chất phát quang và diệt cỏ xuống Việt Nam (10-8-1961 - 10-8-2011), nhiều địa phương, trong đó có thành phố Đà Nẵng vẫn oằn mình hứng chịu sự tàn phá của loại chất độc mang tên dioxin. Quá trình giải độc tại nơi này còn tiếp diễn đến ngày nay.

Mô tả ảnh.
Keo và tràm là những loại cây có thể phát triển trên đất nhiễm dioxin. TRONG ẢNH: Rừng keo, tràm tại xã Hòa Ninh.

Mật độ nhiễm độc lớn nhất thế giới

 

Từ tháng 8-1961 đến tháng 10-1971, Mỹ tiến hành chương trình sử dụng 100.000 tấn hóa học làm chất phát quang và rụng lá cây với tên gọi “Chiến dịch Ranch Hand” tại Việt Nam. Sân bay Đà Nẵng là một điểm nóng trong chiến dịch này với lượng hóa chất được lưu trữ, vận chuyển lên đến trên 18 triệu lít. Trong đó, Da cam: 52.700 thùng (10.961.600 lít); Chất trắng: 29.000 thùng (6.032.000 lít), Chất xanh: 5.000 thùng (1.040.000 lít).

Tháng 2-1967, hơn 5.000 nhà khoa học Mỹ đã lên tiếng buộc Chính phủ Mỹ phải ngừng phun chất độc hóa học trên. Trước sức ép dư luận, năm 1971, Mỹ kết thúc Chiến dịch Ranch Hand, nhưng quá trình thu hồi và tiêu hủy hóa chất đã gây nên một thảm họa khác có tên Chiến dịch Pacer Ivy. Tại chiến dịch này, một lần nữa, sân bay Đà Nẵng thu lại 8.220 thùng Da cam.

Khoảng hơn 5 triệu lít được thu hồi trong đợt này đã gây ô nhiễm tại các sân bay và tạo thành 3 điểm được coi là “nóng” ngày nay: Đà Nẵng, Biên Hòa, Phù Cát.

Tích cực giải độc

Chính phủ Việt Nam và các nhà khoa học đã đưa ra nhiều giải pháp chung cũng như cá biệt cho từng vùng. Đến nay, biện pháp được cho ít tốn kém nhất là nghiêm cấm mọi sinh hoạt tại khu vực nhiễm độc để đợi thời gian phân hủy. Tuy nhiên, việc này rất tốn thời gian và nguy cơ lây lan sang các vùng lân cận dưới tác động của thời tiết có khả năng xảy ra. Biện pháp tốn kém nhất, nhưng đồng thời tân tiến nhất hiện nay là hấp thụ nhiệt. Trên cả nước mới có sân bay Đà Nẵng được áp dụng giải pháp này.

Ngoài 3 điểm nóng kể trên, một số địa phương khác đã áp dụng biện pháp trồng rừng với các loại cây sao, keo... trên những đồi núi từng bị rải chất độc hóa học. Cây ngắn ngày sẽ được trồng xen kẽ với cây dài ngày tạo nên tầng tán và bảo vệ lớp đất màu mỡ.

 

Xử lý đất và bùn lắng nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng

Vào ngày 17-6-2011, Quân chủng Phòng không - Không quân (Bộ Quốc phòng) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã khởi công rà phá bom mìn và thực hiện chương trình tẩy độc dioxin tại khu vực sân bay Đà Nẵng. Kinh phí thực hiện dự án là 41 triệu USD, từ vốn ODA của Hoa Kỳ và 35 tỷ đồng vốn đối ứng của Việt Nam.

 

Mô tả ảnh.
Xử lý đất nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng.   Ảnh: NGỌC PHÚ

 

Mục tiêu trước mắt là thực hiện việc xử lý, hỗ trợ quan trắc, xử lý đất và bùn lắng nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng, nhằm bảo đảm không còn rủi ro phơi nhiễm dioxin tới con người hay môi trường. Khi dự án thực hiện thành công, sẽ tạo ra 29ha đất sạch phục vụ cho việc phát triển kinh tế, thương mại; làm mất đi nguy cơ gây ô nhiễm dioxin cho nhân dân xung quanh khu vực sân bay Đà Nẵng. Sau khi dự án tẩy độc ở Đà Nẵng thành công,  hai Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thực hiện công việc khắc phục chất độc tồn dư sau chiến tranh ở các địa điểm khác của Việt Nam như Biên Hòa, Phù Cát...

 

 

Từ những đợt phun rải chất độc hóa học, môi trường Việt Nam nói chung, miền Trung nói riêng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tổng diện tích bị rải chất độc là 3,016 triệu ha, trong đó, diện tích rừng nội địa 2,9 triệu ha, diện tích rừng ngập mặn 0,16 triệu ha.

Cây cối, nguồn nước và con người đều bị nhiễm dioxin. Con người ngoài việc bị tác động trực tiếp lên cơ thể như mang bệnh tật thì nguồn sống còn bị đe dọa nghiêm trọng. Và sự hủy diệt này không chỉ tồn tại trên một thế hệ người. 3.185 thôn bản bị phun rải ảnh hưởng tức thời và lâu dài. Cả nước có khoảng 3 triệu nạn nhân chất độc da cam. Riêng Đà Nẵng có 5.000 người. 34% nạn nhân trên cả nước là phụ nữ. Họ là những người chịu nhiều đau khổ nhất, không những bởi bệnh tật, mà còn không được hưởng trọn vẹn hạnh phúc làm mẹ. 85% gia đình nạn nhân có 2-4 trẻ dị tật. 3% gia đình nạn nhân có 5 con dị tật.

 

Bài và ảnh: THU HOA

;
.
.
.
.
.