.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh:

Tăng cường trang bị, hiện đại hóa quân đội là để bảo vệ hòa bình

.

Ngày 3-8, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã trao đổi với báo chí để thông tin rõ hơn về việc tăng cường trang bị, hiện đại hóa quân đội và quan điểm giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông của Việt Nam.

Mô tả ảnh.
Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trả lời phỏng vấn báo chí. Ảnh: Xuân Dũng

- Bộ trưởng đánh giá như thế nào về động thái tăng cường lực lượng hải quân của các nước trong khu vực thời gian qua?

- Bộ trưởng Phùng Quang Thanh: Vấn đề này nằm trong xu hướng chung của thế giới. Khi các quốc gia phát triển về mặt kinh tế, thì cũng hiện đại hóa quân đội. Tôi không cho đây là cuộc chạy đua vũ trang, bởi quân đội các nước đều phải có trách nhiệm bảo vệ hòa bình, bảo vệ lãnh thổ của mình, do vậy họ đều phải tăng cường trang bị, hiện đại hóa quân đội. Đây là việc làm thường thấy ở các nước, trong đó có chúng ta.

- Chúng ta đã có kế hoạch mua một số tàu ngầm và máy bay hiện đại. Tiến trình đầu tư, trang bị sẽ như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh: Việc mua những trang bị này là kế hoạch soạn thảo từ nay đến 2020. Trước mắt phấn đấu trong khoảng thời gian 5 đến 6 năm tới chúng ta sẽ có một lữ đoàn tàu ngầm với 6 tàu lớp kilo (là loại tàu hiện đại). Nhưng tôi nhấn mạnh rằng, chúng ta có mua tàu ngầm, mua tên lửa, máy bay và các vũ khí khác cũng là để phòng thủ, để tự vệ, để bảo vệ hòa bình, chủ quyền, lãnh thổ của đất nước chứ hoàn toàn không có ý định đi đe dọa các nước xung quanh, cũng như không có ý đồ tấn công, xâm lấn bờ cõi của các nước xung quanh.

Như vậy, ý kiến lo ngại chúng ta chạy đua vũ trang là không có cơ sở, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh: Không phải chạy đua vũ trang. Các nước trên thế giới đều làm như vậy. Nước nào cũng cần phải bảo vệ đất nước, muốn bảo vệ đất nước phải có trang bị. Đương nhiên, con người là quyết định, nhưng nếu không tự sản xuất được vũ khí trang bị thì vẫn phải đi mua. Có khả năng tài chính đến đâu thì mua vũ khí tới đó.

Chúng ta mua vũ khí với tinh thần tối thiểu và khả năng hết sức khiêm tốn, trong sự cho phép của tài chính đất nước. Đặc biệt, trong khi đất nước còn nhiều việc phải lo, nhất là bảo đảm an sinh xã hội. Ổn định xã hội là việc rất quan trọng. Người ta nói “trong ấm ngoài êm”. Nếu "trong ấm" thì ngoài không thể có lý do nào tạo cớ can thiệp. Nếu chúng ta quá chú tâm vào việc trang bị cho quân đội hiện đại, mua sắm nhiều vũ khí hiện đại mà đời sống nhân dân khó khăn, việc làm thiếu thì đó là vấn đề chúng ta phải cân nhắc. Đảng, Nhà nước hết sức thận trọng và quyết định đầu tư, mua sắm trong phạm vi tối thiểu.

- Hiện nay, vấn đề Biển Đông có nhiều quan điểm khác nhau về giải quyết tranh chấp. Có bên chỉ muốn song phương, nhưng có nhiều ý kiến, nhất là trong Hội nghị Tư lệnh Hải quân ASEAN vừa rồi, muốn giải quyết đa phương. Ý kiến của Bộ trưởng như thế nào về vấn đề này?

 
Nhưng tôi nhấn mạnh rằng, chúng ta có mua tàu ngầm, mua tên lửa, máy bay và các vũ khí khác cũng là để phòng thủ, để tự vệ, để bảo vệ hòa bình, chủ quyền, lãnh thổ của đất nước chứ hoàn toàn không có ý định đi đe dọa các nước xung quanh, cũng như không có ý đồ tấn công, xâm lấn bờ cõi của các nước xung quanh
 
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh: Bộ trưởng Phùng Quang Thanh: Khi tiếp Tư lệnh Hải quân các nước ASEAN, tôi cũng đã nêu rất rõ quan điểm của Việt Nam. Đó là, những vấn đề đang còn bất đồng, tranh chấp song phương thì giải quyết theo hướng song phương. Còn những vấn đề tranh chấp đa phương, thì phải giải quyết giữa các bên có tranh chấp. Những vấn đề tranh chấp liên quan đến nhiều bên thì chúng ta phải giải quyết với nhiều bên và phải hết sức công khai, minh bạch, chứ không thể giải quyết riêng với từng nước. Như thế vừa đúng với luật pháp, đúng với thực tiễn và các bên mới chấp nhận được.

- Trong các diễn đàn vừa qua, quan điểm của Việt Nam và các nước ASEAN về vấn đề này như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh: Theo tôi được biết, nói chung có tiếng nói khá thống nhất. Như trong Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ 5 vừa qua, lần đầu tiên đã ra được tuyên bố chung. Đó là tranh chấp trên Biển Đông phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

- Với vấn đề Biển Đông, theo Bộ trưởng chúng ta cần làm gì để tranh thủ được sự ủng hộ của dư luận quốc tế?

- Bộ trưởng Phùng Quang Thanh: Điều này chúng ta vẫn làm. Chúng ta bảo vệ đất nước bằng sức mạnh tổng hợp, sức mạnh nội lực của đất nước, bằng sức mạnh của dân tộc và sức mạnh của thời đại. Thời đại bây giờ không còn giống như thời kỳ "chiến tranh lạnh", bây giờ sức mạnh thời đại là sự ủng hộ của quốc tế. Ủng hộ ở đây là ủng hộ chính nghĩa, ủng hộ cái đúng. Muốn vậy, chúng ta phải chủ động, kịp thời cung cấp thông tin một cách công khai, minh bạch, chính xác cho quốc tế biết để họ phân biệt ai đúng, ai sai, từ đó có tiếng nói ủng hộ sự chính nghĩa của chúng ta. Đây hoàn toàn không phải chúng ta lôi kéo, tập hợp lực lượng để làm đối trọng, chống lại các nước khác.

- Bộ trưởng đánh giá thế nào về khả năng xây dựng bộ Quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC)?

- Bộ trưởng Phùng Quang Thanh: Giữ được an ninh ở khu vực là lợi ích chung của tất cả các nước nên tôi tin chúng ta sẽ tiến tới xây dựng được bộ Quy tắc về ứng xử ở Biển Đông để giải quyết vấn đề xung đột trên Biển Đông (các nước ASEAN thống nhất và cùng với Trung Quốc xây dựng), sau đó thực hiện nghiêm chỉnh để giữ được an ninh, trật tự trên vùng biển này. 

Theo Quân đội nhân dân
;
.
.
.
.
.