.

Bữa ăn công nhân: Co kéo đủ kiểu

.

Ở các chợ tạm, người ta dễ dàng nhận ngay ra công nhân bởi màu áo đặc trưng và cũng bởi cách mua “kỳ kèo bớt một thêm hai” với số tiền còm trong túi lo ăn hai bữa sớm, chiều. (Bữa trưa tại nhà máy).

Bữa sáng và tối: Chỉ cần no

 

Mô tả ảnh.
Công nhân đi chợ tạm gần Khu công nghiệp Hòa Khánh.

Chợ Đống Đa (quận Hải Châu) vào buổi chiều tối vẫn tấp nập người mua bán, trong đó phần đông là công nhân. Vừa chọn vài con cá nục nhỏ xíu, không còn tươi trong rổ cá được bán từ sáng, chị Nguyễn Thị Thu Hiền (23 tuổi, quê ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) cười: “Thời gian vừa qua tăng ca nhiều nên nhận được tiền, “cải thiện” chút. Chứ mọi khi toàn xài món truyền thống là đậu kho mặn và rau muống luộc vắt chanh thôi”. Hiền cho biết, làm công nhân may đã được 4 năm, lương mỗi tháng dao động ăn theo sản phẩm, tháng nhiều bù tháng ít, trung bình khoảng hơn 2 triệu đồng/người.

 

Với số tiền đó, chỉ riêng tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước cũng mất 1 triệu đồng (Hiền ở ghép cùng 2 người bạn cùng quê). Hiền bảo mỗi tháng dành dụm gửi về cho mẹ 500 ngàn đồng để phụ nuôi em ăn học, vì vậy, tiền ăn bữa sáng và chiều tối phải cố chi cho đủ trong 20 ngàn đồng. Cô bạn bật mí, phải cố gắng đi chợ chiều để mua được thực phẩm rẻ, dù biết không ngon, như thế mới có “khả năng” cải thiện và mới ăn no có sức đi làm.

Còn tại chợ tạm Hòa Khánh, vào giờ tan tầm cũng có khá đông công nhân đến mua hàng. Đứng đắn đo mãi trước quầy thịt, chị Nguyễn Thị Lan (quê ở Quảng Trị, công nhân một công ty điện tử) mới dám chọn mua một miếng thịt nhỏ, bảo để dành xào với đậu thì mới đủ cho bữa ăn 5 người. Lan bảo, như thế này là “sang” lắm rồi, chứ mọi khi toàn ăn cá vụn kho mặn thôi. “Tối đi làm về mệt quá, nhiều lúc ăn gói mì tôm cho qua bữa, vừa rẻ, vừa tiết kiệm rồi đi ngủ. Đứa nào cũng vậy. Chị tính, lương có hơn 2 triệu đồng thì phải tiết kiệm mới đủ”, Lan bộc bạch. Ngày càng có nhiều chợ tạm dành cho công nhân với mức giá... rẻ đến bất ngờ bởi hàng chủ yếu là hàng loại 2, 3 hoặc còn lại sau khi bán ở các chợ khác. Một tiểu thương ở chợ cho biết, hàng kiểu này ngày càng được nhiều công nhân lựa chọn, bán rất chạy bởi phù hợp túi tiền của họ, dù biết chất lượng thấp.

Bữa trưa: Ráng nuốt!

Bữa sáng và tối ăn qua quýt, còn bữa trưa, công nhân đành “phó mặc” cho bếp ăn của nhà máy với suất ăn bao nhiêu năm vẫn... một giá là dao động từ 7.000 - 8.000 đồng/suất. Thực tế hiện nay tại hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, bữa ăn trưa và ăn giữa ca đều tùy thuộc vào quy định của doanh nghiệp. Nơi nào đơn vị tự tổ chức được bữa ăn cho công nhân thì chất lượng khá hơn, còn nơi nào thuê người bên ngoài nấu thì chất lượng khó bảo đảm. Giá cả một bữa trưa cho công nhân dao động khoảng từ 7.000 - 10.000 đồng/suất. Chị P. T. T. T, công nhân xí nghiệp may ở Khu công nghiệp Hòa Khánh cho biết, suất ăn trưa giá 7.000 đồng của xí nghiệp nuốt không nổi bởi đồ ăn nguội, cơm đóng cục.

Tuy vậy, ai cũng cố gắng nuốt cho khỏi đói để có sức làm buổi chiều. Hiện có hàng chục ngàn lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Qua báo cáo của 60 Công đoàn các cấp từ thành phố đến cơ sở, thu nhập bình quân của công nhân, viên chức, lao động Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm 2011 là: doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước có mức thu nhập bình quân cao nhất với hơn 4,3 triệu đồng/tháng/người; đơn vị có cổ phần  vốn góp Nhà nước 3,5 triệu đồng; doanh nghiệp dân doanh 4,3 triệu đồng và cuối cùng là DN có vốn đầu tư nước ngoài với 2,7 triệu đồng, trong đó người có thu nhập thấp nhất là 1,35 triệu đồng/tháng. Chất lượng đời sống, chất lượng bữa ăn đi xuống đang là một thực trạng đối với công nhân xa nhà khi mà đồng lương phải cố co kéo mới đủ mưu sinh.

Những năm qua, Bệnh viện Đà Nẵng đã tiếp nhận nhiều ca ngộ độc thực phẩm, mà đối tượng là công nhân tại các khu công nghiệp. Gần đây nhất là vào ngày 7 và 8-8, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng đã tiếp nhận 22 công nhân công trình thủy điện Sông Bung 4A (tỉnh Quảng Nam) nhập viện do bị ngộ độc thức ăn, sau khi ăn cơm tập thể tại bếp ăn của công trình. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Đàm Thị Thanh Xuân, Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp và chế xuất Đà Nẵng cho biết: “Hiện nay, việc quản lý chất lượng bữa ăn giữa ca cho công nhân là rất khó. Hằng năm chúng tôi đều hướng dẫn cho Công đoàn cơ sở kiểm tra bữa ăn ca công nhân sao cho bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm”. Tuy nhiên, ngoài các hoạt động rộ lên vào tháng vệ sinh an toàn thực phẩm hằng năm, còn lại thì chất lượng bữa ăn cho công nhân vẫn phải trông chờ vào... lương tâm của doanh nghiệp.

Bài và ảnh: KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.