Là một trong những phường trung tâm của thành phố Đà Nẵng, với nhiều cơ quan, doanh nghiệp, trường học và trung tâm thương mại đóng trên địa bàn, nên đã có thời kỳ tình hình tội phạm ở phường Hải Châu 1 diễn biến phức tạp.
Tập huấn kỹ năng sống cho các em là một trong những biện pháp ngăn ngừa tội phạm có hiệu quả. (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa) |
Trong đó, các đối tượng mãn hạn tù về địa phương, không có việc làm trở thành mối lo cho phường và xã hội. Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01/NQLT về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”, tình hình an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn phường đã ổn định. Đạt được kết quả này một phần là nhờ sự đóng góp không nhỏ của các hội, đoàn thể và các tổ dân phố trong việc xây dựng các mô hình giúp đỡ những người lầm lỗi hoàn lương.
Bà Trần Thị Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Hải Châu 1 cho biết: “Để làm tốt công tác quản lý giáo dục, giúp đỡ người vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư, hằng năm Ủy ban MTTQ Việt Nam phường phối hợp với Công an phường tổ chức quản lý, giáo dục bằng nhiều nội dung, biện pháp thích hợp theo từng loại đối tượng như: Lên danh sách thông qua Hội đồng bảo vệ ANTT phường và sau đó phân công các thành viên Mặt trận, cảnh sát khu vực và các ngành, đoàn thể quản lý giáo dục, giúp đỡ hằng quý, 6 tháng, năm và có nhận xét, phân loại từng đối tượng. Bên cạnh đó, tạo điều kiện giúp đỡ cho các đối tượng ra tù vay vốn làm ăn, ổn định cuộc sống.
Ông Phạm Xuân Thư, Chi hội trưởng Chi hội CCB 1 cho biết: “Mặc dù chỉ có 17 hội viên phân tán trên địa bàn 5 tổ dân phố nhưng lại có số đối tượng quản lý nhiều nhất so với các chi hội trong phường. Trong 12 đối tượng vi phạm cần giáo dục, giúp đỡ thì phần lớn có trình độ văn hóa thấp, không có việc làm ổn định, thường hay tụ tập với một số đối tượng ở các phường khác gây gổ đánh nhau, trộm cắp tài sản, xì ke, ma túy... Một số đối tượng vi phạm nhiều lần, có người có đến 2-3 tiền án tiền sự. Do vậy, việc tiếp xúc, gặp gỡ các cháu để vận động mất nhiều thời gian và đi lại nhiều lần”.
Đối với gia đình của các đối tượng, có gia đình hợp tác rất tích cực, nhưng cũng có gia đình khi các hội viên đến vận động thuyết phục thì tỏ ra né tránh, thậm chí còn bao che, dung túng... “Từ những khó khăn trên, chúng tôi xác định việc quản lý, giáo dục, giúp đỡ cảm hóa các cháu trở thành người tốt, có ích cho xã hội và gia đình là nhiệm vụ lâu dài”, ông Thư cho biết. Chi hội đã thống nhất đề ra những biện pháp tổ chức thực hiện. Từ đó, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các phân hội và động viên hội viên kiên trì nhẫn nại, khôn khéo trong quá trình tiếp xúc, thuyết phục các cháu. Bên cạnh đó, Chi hội CCB 1 còn phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể khu dân cư bằng nhiều phương pháp để xâm nhập tìm hiểu kỹ về điều kiện, hoàn cảnh gia đình, bản thân của các đối tượng. Thông qua cấp ủy chi bộ, Ban điều hành tổ dân phố, chi hội chủ động mời đại diện gia đình của các đối tượng vi phạm pháp luật đến họp mặt, qua đó phân tích mức độ vi phạm của từng trường hợp, tác hại của các tội phạm đối với gia đình, xã hội.
Đồng thời cùng với gia đình thống nhất về chủ trương, phương pháp quản lý giáo dục, giúp đỡ các đối tượng nhằm tạo sự gắn kết trách nhiệm giữa gia đình và xã hội. Với tinh thần trách nhiệm cao, các đối tượng đã ổn định cuộc sống lâu dài. Điển hình có anh T.N.M sinh năm 1966, đã từng có 2 tiền sự, 2 lần tập trung cai nghiện ma túy thì nay rất chăm chỉ làm ăn, sống cởi mở và được bà con quý mến. Hay trường hợp của em L.H.N tuy ở độ tuổi thiếu niên nhưng do nghe theo bạn bè xấu lôi kéo, không làm chủ được bản thân nên đã bỏ học, tụ tập đánh nhau, gây rối, trộm cắp tài sản dẫn tới phạm tội thì nay đã chăm ngoan, biết giúp đỡ bố mẹ.
Mặc dù việc quản lý giáo dục, giúp đỡ, cảm hóa những người lầm lỗi tại cộng đồng không đơn giản, nhưng ông Phạm Xuân Thư cho biết: “Điều đáng ghi nhận là các cháu đã tự giác rèn luyện, sửa chữa được những sai phạm, lỗi lầm trước đây, không tái phạm. Chính sự thay đổi đó là đáng tin cậy nhất”.
Bài và ảnh: GIA HUY