.

Can thiệp thô bạo

Vừa qua, Tòa Phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Cù Huy Hà Vũ về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, do bị cáo có đơn kháng cáo đối với bản án sơ thẩm. Tham dự phiên tòa còn có đại diện một số cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, một số phóng viên trong nước và nước ngoài.

Theo Bản án sơ thẩm ngày 4-4-2011 của Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội, từ năm 2009 đến tháng 10-2010, Cù Huy Hà Vũ (sinh năm 1957, trú tại số 24 đường Điện Biên Phủ, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội) đã có nhiều bài viết, bài trả lời phỏng vấn đăng tải, phát sóng trên mạng Internet và đài phát thanh nước ngoài mang nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phỉ báng chính quyền và thể chế Nhà nước, bôi nhọ, xúc phạm cuộc kháng chiến chống xâm lược của nhân dân Việt Nam. Hành động của bị cáo đã phạm vào tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, quy định tại Điều 88, Khoản 1, điểm c - Bộ luật Hình sự. Hội đồng xét xử bác bỏ kháng cáo của bị cáo Cù Huy Hà Vũ, giữ nguyên bản án sơ thẩm đã tuyên đối với bị cáo về tội danh và hình phạt. Tòa Phúc thẩm Tòa án Nhân dân Tối cao tuyên phạt bị cáo Cù Huy Hà Vũ 7 năm tù giam (thời hạn tù tính từ ngày bị bắt giam 5-11-2010); phạt quản chế tại địa phương nơi bị cáo cư trú 3 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

Trước đó, ngày 25-7, theo lệnh của Tòa án, Linh mục Nguyễn Văn Lý cũng đã được các cơ quan bảo vệ pháp luật  đưa trở lại nhà giam để thi hành án phạt tù sau thời gian tại ngoại để chữa bệnh. Điều đó cũng thể hiện chính sách nhân đạo của pháp luật Việt Nam đối với những người vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, những ngày qua, các nhà chức trách của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã có những phát biểu sai trái, đòi trả tự do cho Cù Huy Hà Vũ và Nguyễn Văn Lý, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam.  Bởi Nhà nước Việt Nam là một nhà nước pháp quyền. Cũng như ở các quốc gia khác, ở Việt Nam, mọi hành vi vi phạm pháp luật bị xử lý theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam và hoàn toàn phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Quốc tế về các quyền dân sự, chính trị. Ở Việt Nam không có cái gọi là “tù nhân lương tâm” như Mỹ và các nước phương Tây lu loa để tạo cớ cho các thế lực thù địch điên cuồng chống phá cách mạng nước ta.

Cù Huy Hà Vũ hay Nguyễn Văn Lý  phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đã bị Tòa án Việt Nam  xét xử tại các phiên tòa công khai, đúng người, đúng tội. Việc thi hành các bản án của Tòa  đối với Cù Huy Hà Vũ, hay Nguyễn Văn Lý là thể hiện tính nghiêm minh và bảo đảm quyền bình đẳng của mọi công dân Việt Nam trước pháp luật.

NGUYÊN CHÂU
;
.
.
.
.
.