Cùng với những sáng kiến, giải pháp từ thực tiễn, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” ở thành phố Đà Nẵng đã và đang phát triển rộng khắp, lan tỏa đến tận các cấp cơ sở, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có”.
Sau khi thành phố Đà Nẵng được chia tách và trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương đến nay, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” (gọi tắt là CVĐ) đã mang lại những kết quả khá toàn diện. Ông Lê Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cho biết, CVĐ đã nâng cao tinh thần đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, làm giàu hợp pháp, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế-xã hội của địa phương.
Chỉ tính riêng đầu năm 2009, toàn thành phố có 19,26% hộ nghèo theo chuẩn mới của Trung ương, thì đến cuối năm 2010 còn 6,55% hộ nghèo. Thành phố cũng đã hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, dột nát vào cuối năm 2009. Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, người dân đã tham gia nhiều hoạt động từ thiện và phong trào đền ơn đáp nghĩa. Trong 15 năm qua, các khu dân cư đã vận động nhân dân tham gia đóng góp Quỹ đền ơn đáp nghĩa với tổng số tiền hơn 14,3 tỷ đồng, trực tiếp xây mới 640 nhà với tổng số tiền gần 8,8 tỷ đồng và giúp đỡ sửa chữa 1.837 nhà bị xuống cấp của các đối tượng chính sách…
Đến nay, thành phố không còn hộ gia đình chính sách trong diện khó khăn về nhà ở và có 1.720/2.203 khu dân cư không còn hộ chính sách nghèo theo chuẩn mới. Nếu năm 2000, thành phố có 31,2% khu dân cư không phát sinh tội phạm mới thì đến cuối năm 2009 có 70% khu dân cư. Đặc biệt, Ban Công tác Mặt trận ở các khu dân cư đã góp phần tham gia hòa giải 6.478 vụ, trong đó có 5.885 vụ hòa giải thành, góp phần quan trọng trong việc thực hiện tốt các chủ trương của thành phố về giải tỏa, đền bù, tái định cư trong quá trình chỉnh trang đô thị.
Có thể nói, Đà Nẵng là một trong số rất ít địa phương trong cả nước có số học sinh bỏ học thấp nhất. Tuy nhiên, đây vẫn là vấn đề bức xúc của xã hội. Do đó, tại kỳ họp thứ 14 khóa VII (2004-2011), HĐND thành phố đã điều chỉnh nội dung của Chương trình “Thành phố 5 không”, trong đó nội dung “Không có người mù chữ” được đổi thành “Không có người bỏ học trong độ tuổi”. Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, đến nay, thành phố đã có 1.818 khu dân cư không có trẻ em bỏ học, trong đó có 1.468 khu dân cư 3 năm liền không có trẻ em bỏ học.
Nói về việc nâng cao chất lượng CVĐ trong giai đoạn mới, ông Trương Hồng Dương, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Sơn Trà cho biết, ngay từ đầu năm, Mặt trận Tổ quốc quận đã xây dựng kế hoạch phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên để tăng cường trách nhiệm và phát huy sức mạnh toàn dân. Ủy ban MTTQ Việt Nam quận đã tổ chức Hội nghị ký kết giao ước thi đua với các phường, trong đó, tập trung vào 6 nội dung CVĐ và bám sát từng chỉ tiêu cụ thể; đăng ký xây dựng từ 1 đến 2 mô hình đạt chất lượng và hiệu quả tại khu dân cư, phấn đấu cuối năm từ 80 đến 85% đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, trên 30% đạt danh hiệu “Khu dân cư văn hóa” và không có khu dân cư yếu kém.
Theo ông Lê Ngọc Dũng, CVĐ không chỉ góp phần tạo sự chuyển biến quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, mà còn khơi dậy, vun đắp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Chính từ CVĐ này mà phương châm xã hội hóa các hoạt động văn hóa-xã hội, phong trào thi đua xây dựng gia đình văn hóa, thôn-tổ văn hóa và phường, xã đạt chuẩn văn hóa đã được thực hiện rộng khắp và có kết quả. Tuy nhiên, cũng có một số nơi, việc đăng ký, bình chọn các danh hiệu gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa còn biểu hiện hình thức và chưa thực sự chất lượng.
Ông Huỳnh Minh Nhơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch thành phố, cho rằng, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Văn hóa-Thể thao và Du lịch. Thông qua CVĐ này đã góp phần xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, đẩy lùi tệ nạn xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn một số hạn chế như kết quả công nhận gia đình văn hóa chưa đạt chất lượng, chưa thực sự tác động đến tư tưởng người dân. Vì vậy, cần thực hiện xây dựng mô hình điểm gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa... để CVĐ có hiệu quả thiết thực.
Bài và ảnh: GIA HUY