Qua gần một tháng triển khai công tác kiểm tra bằng FC đối với tài xế điều khiển ô-tô đầu kéo sơ-mi rơ-moóc theo tinh thần Nghị định 33/2011/NĐ-CP cho thấy, hầu hết tài xế đã có bằng lái xe đúng như quy định. Thế nhưng không vì vậy mà những tài xế này giảm các vi phạm trong quá trình điều khiển phương tiện.
Hầu hết tài xế điều khiển ô-tô đầu kéo sơ-mi rơ-moóc đã có bằng FC, thế nhưng vi phạm Luật Giao thông đường bộ vẫn nhiều. |
Báo cáo sơ bộ của Trạm CSGT cửa ô Hòa Phước từ ngày 1 đến ngày 20-7, trạm đã lập biên bản xử phạt gần 200 trường hợp ô-tô đầu kéo sơ-mi rơ-moóc vi phạm các lỗi kỹ thuật như vỏ lốp xe quá mòn, bố thắng không bảo đảm, đèn pha không hoạt động và các lỗi điều khiển phương tiện như chạy quá tốc độ quy định, lấn làn đường, chở quá tải... Tuy nhiên trong số này, chỉ có 2 trường hợp vi phạm lỗi “kép” là tài xế chưa có bằng lái FC như quy định và bị tạm giữ phương tiện 30 ngày. Theo Thiếu úy Châu Quang Quế, Trạm CSGT cửa ô Hòa Phước, so với thời điểm trước khi Nghị định 33/2011/NĐ-CP có hiệu lực, chỉ có khoảng 50% tài xế có bằng FC thì đến nay con số này khoảng 99%.
Cùng nhận định này, Trung tá Nguyễn Rạng, Trưởng Trạm CSGT cửa ô Hòa Hải cho biết, nếu như trước đây kiểm tra 100 trường hợp thì có hơn 50% tài xế ô-tô đầu kéo sơ-mi rơ-moóc chưa có bằng FC, nhưng từ ngày 1-7 đến nay có đến 99% trường hợp đã có bằng FC. Trung tá Rạng cũng công nhận, mặc dù bằng cấp đúng như quy định, thậm chí các loại giấy tờ khác như Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện, phiếu xuất kho chở hàng... đều đầy đủ, nhưng các tài xế lại thường xuyên vi phạm các lỗi giao thông khác.
Tìm hiểu nguyên nhân vì sao bằng cấp đã được “nâng cấp”, nhưng tài xế vẫn thường xuyên vi phạm Luật Giao thông đường bộ, theo một tài xế container chạy thường xuyên tuyến Cảng Tiên Sa đi Kon Tum, là do Nghị định 33 của Chính phủ quy định giữ xe đến 30 ngày nếu tài xế điều khiển không có bằng FC, vì vậy khi ký hợp đồng làm việc, các chủ doanh nghiệp đều yêu cầu tài xế có bằng FC mới ký, bởi nếu phương tiện bị giữ 30 ngày sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các hợp đồng vận chuyển.
Nhưng ngược lại, các chủ doanh nghiệp lại rất thoáng với các tài xế về các điều kiện khác. Chính vì vậy, rất nhiều tài xế luôn tranh thủ “cải thiện” thu nhập bằng cách chở quá tải và điều khiển xe chạy với tốc độ cao nhằm quay vòng xe nhanh để tăng khối lượng vận chuyển. Bên cạnh đó, các tài xế còn biết khai thác triệt để các “lỗ hổng” trong các văn bản xử phạt của Nhà nước. Theo quy định hiện nay, sau khi lập biên bản xử phạt về kỹ thuật, các chủ phương tiện có quỹ thời gian 10 ngày để khắc phục các lỗi trên. Chính vì vậy mới dẫn đến tình trạng nhiều xe sau khi bị lập biên bản xử phạt thì coi văn bản đó như một “tấm bùa hộ mệnh” để hoạt động tiếp mà không sợ bị lập biên bản mới.
Nhiều lỗ hổng như vậy nên việc kiềm chế TNGT hiện nay vẫn là bài toán khó.
Bài và ảnh: Trần Luân Sơn