Tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri, ngày 9-8, Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIII, đơn vị Đà Nẵng gồm các ông, bà: Huỳnh Ngọc Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng (UVTWĐ), Phó Chủ tịch QH; Nguyễn Bá Thanh, UVTWĐ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị Đà Nẵng; Huỳnh Nghĩa, Phó Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Trưởng đoàn ĐBQH đơn vị Đà Nẵng; Lê Văn Hoàng, Thân Đức Nam và Nguyễn Thị Kim Thúy đã có buổi tiếp xúc cử tri các quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang nhằm thông báo kết quả Kỳ họp thứ nhất, QH khóa XIII.
Ông Đào Tất Thanh, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang: “Cử tri luôn mong Nhà nước xây dựng đội ngũ cán bộ có đức, có tài phục vụ nhân dân”. Ảnh: N.THÀNH
|
Cử tri muốn tiếp xúc nhiều hơn
Là người tham gia bỏ lá phiếu bầu ĐBQH khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho đến bầu ĐBQH khóa XIII, ông Vũ Thanh Sơn, ở thôn Cẩm Toại Tây, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang bày tỏ phấn khởi trước việc tiếp xúc với ĐBQH sau kỳ họp thứ nhất của QH khóa XIII. Tuy nhiên, ông cũng băn khoăn rằng, khi bầu cử thì mọi cử tri đều đi, nhưng khi tiếp xúc cử tri thì chỉ có một số ít đại diện. “Người dân họ ưng dự tiếp xúc với đại biểu lắm!”, ông khẳng định. Từ đó, ông Vũ Thanh Sơn đề nghị, cần tổ chức hoạt động này theo cụm để cử tri có cơ hội tham gia nhiều hơn, đầy đủ hơn.
Trong khi đó, ông Đào Tất Thanh, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang phát biểu ý kiến thể hiện sự tin tưởng cao vào một nhiệm kỳ mới của QH cũng như bộ máy Nhà nước, Chính phủ. Ông cho rằng, để tiếp nhận được thông tin nhiều hơn, Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng nên phát huy tốt hơn hòm thư góp ý hoặc tiếp nhận qua đường dây nóng, từ đó chọn lọc ý kiến chính đáng, xử lý kịp thời các vấn đề nêu ra để cử tri được phấn khởi.
Trước tâm trạng đó của cử tri, đồng chí Nguyễn Bá Thanh cho rằng, sẽ tính toán hợp lý việc tiếp xúc cử tri trong cả nhiệm kỳ chứ nếu ĐBQH đi từng thôn, lắng nghe ý kiến từng người dân thì sẽ không bảo đảm thời gian cho công việc. “Đà Nẵng là một trong những địa phương tổ chức tốt việc tiếp xúc cử tri. Tuy nhiên, giống như khám, chữa bệnh, có những việc phường, xã có thể giải quyết tốt nhưng tâm lý người dân vẫn muốn đưa đến cấp thành phố cho chắc ăn!”, đồng chí Nguyễn Bá Thanh nhấn mạnh. Đồng chí cũng cho biết, Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng luôn sẵn sàng tiếp nhận đơn thư, kiến nghị của người dân qua địa chỉ số 5, đường Quang Trung, quận Hải Châu và qua đường dây nóng của Đoàn và của HĐND thành phố (05113.888.888).
Nhiều ý kiến tâm huyết
Trước sự kiện kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng vừa qua đã có hàng nghìn bài thi môn lịch sử của thí sinh bị điểm không (0), cử tri đề nghị QH giám sát, chất vấn mạnh mẽ hơn nữa chương trình đổi mới chất lượng giáo dục. Đồng thời cử tri cũng bày tỏ băn khoăn trước tình trạng bạo lực học đường, thanh-thiếu niên vi phạm pháp luật có xu hướng gia tăng có một phần nguyên nhân là chất lượng giáo dục đạo đức trong trường học, sự quan tâm của gia đình và xã hội chưa đúng mức. Liên quan đến lĩnh vực giáo dục, ông Hoàng Đình Cảnh, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn hoan nghênh Nhà nước có chế độ phụ cấp thâm niên cho giáo viên; tuy nhiên, cũng cần xem xét việc truy lĩnh trợ cấp cho hàng ngàn giáo viên khác đã nghỉ hưu.
Về chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức và cải cách hành chính, ông Đào Tất Thanh cho rằng, cử tri luôn mong mỏi Nhà nước xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức thực sự có đức có tài phục vụ nhân dân; khắc phục tình trạng chạy chức chạy quyền bởi dễ dẫn đến hậu quả là họ chỉ lo vun vén cá nhân, giữ chức giữ quyền chứ không lo gì cho dân; thậm chí làm sai lệch chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ở cơ sở. Cử tri cũng bày tỏ, trong thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020 phải tinh giảm mạnh và xây dựng bộ máy một cách hiệu quả...
Xuất phát từ thực tiễn tình hình của địa phương, nhiều cử tri trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang cũng nêu lên những ý kiến đóng góp tích cực để các ĐBQH nắm rõ hơn tình hình, đóng góp ý kiến với QH. Ông Ngô Phước Thọ, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang cho rằng, trong việc sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã, cần nghiên cứu làm sao có những quy định cụ thể về quyền lợi, nghĩa vụ của HTX, của xã viên gắn liền với các ngành quản lý trực tiếp trong sản xuất, tránh tình trạng HTX bị thả nổi như hiện nay, dẫn đến hoạt động bị tê liệt, chỉ tồn tại về mặt hình thức.
Các chính sách cho người có công, đặc biệt là ở vùng khó khăn; chính sách hỗ trợ cho những người đã tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ xâm lược nay nghỉ hưu với mức lương thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn; hỗ trợ cho nạn nhân nhiễm chất độc do sinh sống, làm việc ở một số địa phương của Lào, Campuchia trong chiến tranh chống Mỹ... cần được quan tâm nhiều hơn, nhất là trong tình hình lạm phát gia tăng hiện nay... Đối với người nông dân bị mất đất sản xuất, sống trong vùng ô nhiễm của khu công nghiệp, ông Nguyễn Văn Trà và ông Nguyễn Hữu Hùng, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang nêu kiến nghị, cần có những giải pháp tích cực hơn nữa trong việc hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi ngành nghề... để họ vượt qua khó khăn; cần quy hoạch xây dựng nhà giữ trẻ từ 5 tháng tuổi trở lên ở những vùng tái định cư, có đông người dân lao động trong các doanh nghiệp.
Trước những kiến nghị đó của cử tri, đồng chí Nguyễn Bá Thanh khẳng định sẽ đi kiểm tra thực tế và có những biện pháp giải quyết tích cực hơn nữa để ổn định đời sống nhân dân. Về việc sửa đổi Luật Hợp tác xã, đồng chí Nguyễn Bá Thanh cho rằng, huyện Hòa Vang không nên chờ sửa luật, mà cần có giải pháp trong việc xây dựng thí điểm mô hình HTX mới. Theo đó, một số thôn tiêu biểu chọn một người đứng đầu có năng lực đảm đương vai trò của chủ nhiệm, thông qua đó chính quyền có chính sách hỗ trợ, ưu đãi để phát triển kinh tế tập thể trên tinh thần hỗ trợ vốn, kỹ thuật... phải trực tiếp đến với người dân. “Phải có đi thì mới tới, phải bắt đầu từ việc dễ để làm dần đến!”, đồng chí Nguyễn Bá Thanh nhấn mạnh.
N.Thành - S.Trung