.
DÂN CHỦ TRONG THỰC HIỆN ĐỀN BÙ, GIẢI TỎA, BỐ TRÍ TÁI ĐỊNH CƯ

Bài 1: Dân thắc mắc vì chưa rõ chủ trương, chính sách

.
Vừa qua, tôi có dịp được tham gia các hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của các tổ dân phố và các buổi làm việc của Đoàn kiểm tra thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở của thành phố với các đơn vị liên quan đến công tác giải tỏa đền bù, nên đã được nghe nhiều ý kiến từ phía người dân và cả những người làm công tác quản lý.
 
Mô tả ảnh.
Không ít người dân còn chưa nắm rõ về chủ trương, chính sách giải tỏa, đền bù của thành phố. TRONG ẢNH: Anh Lê Sơn kiến nghị với chính quyền địa phương giúp đỡ về nhà ở sau khi giải tỏa tại cuộc họp tổ dân phố 20 và 21 phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn.
 
Ngoại trừ những trường hợp khiếu kiện kéo dài vì đòi hỏi những quyền lợi quá đáng, thì hầu hết người dân đều chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, trong số đó cũng có không ít người vẫn còn bức xúc và băn khoăn khi quyền lợi của họ chưa được giải quyết thỏa đáng. Qua những kiến nghị của người dân, chúng tôi nhận thấy rằng, những thắc mắc của họ là do chưa nắm rõ về chủ trương, cơ chế, chính sách của thành phố.

Anh Lê Sơn, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn kiến nghị tại cuộc họp tổ dân phố 20 và 21 rằng: “Chúng tôi bị mất đất sản xuất. Hiện nay gia đình tôi không có nhà ở trong khi chưa có việc làm ổn định. Tại sao xin tái định cư mà hộ này được, hộ kế bên không được? Tại sao giải tỏa đền bù mà không có tái định cư?”. Trong khi đó, ông Nguyễn Chiến cũng thắc mắc rằng: “Hộ gia đình tôi nằm trong vùng quy hoạch nên tôi chuyển về tổ 21 mua một miếng đất nhỏ của ông Thái nhưng phường không xác nhận. Hiện tôi không có hộ khẩu ở đây. Mong chính quyền tạo điều kiện cho tôi làm đơn xin xác nhận chỗ ở”. Một cán bộ phường đã giải thích rõ rằng: “Theo Chỉ thị số 10-CT/TU của Thành ủy về tăng cường công tác quản lý và sử dụng đất đai, thành phố không cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất nghĩa địa, đất hoang, đất nông nghiệp do UBND phường, xã quản lý, đất chưa được cấp GCNQSDĐ hoặc chưa có quyết định giao đất; không cho phép chuyển nhượng đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng sản xuất trong trường hợp hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp và chỉ giải quyết cho người trực tiếp sản xuất trong cùng địa phương, nếu vi phạm sẽ bị thu hồi đất...”.

Không chỉ thế, cũng có trường hợp không hiểu rõ về pháp luật nên đã khiếu kiện không có cơ sở và không đúng thủ tục quy định, vượt cấp... Ông Võ Văn Thăm, Trưởng Ban Thanh tra nhân dân Ban Giải tỏa đền bù các dự án đầu tư xây dựng số 1 cho biết: “Thậm chí còn có trường hợp vu khống cán bộ kiểm định không công bằng. Từ năm 2003-2011, Ban Giải tỏa đền bù các dự án đầu tư xây dựng số 1 đã nhận được một đơn tố cáo cán bộ, công nhân viên và một đơn khiếu kiện áp giá không công bằng. Sau khi kiểm tra, xem xét cho thấy cả hai trường hợp đều vu khống và không có cơ sở. Nếu cơ quan chức năng giải thích không rõ ràng, người dân sẽ tiếp tục khiếu kiện kéo dài”. Cũng có trường hợp người dân cố tình xây nhà trái phép trong vùng quy hoạch, trồng thêm cây, lắp thêm vòi nước, bệ xí… để tăng số tiền đền bù. Một cán bộ trong Ban Giải tỏa đền bù các dự án đầu tư xây dựng số 3 bày tỏ bức xúc: “Trong quá trình kiểm định, chúng tôi thực sự rất vất vả khi có quá nhiều cây trồng, công trình vệ sinh mới được làm... Do không nắm rõ chủ trương, chính sách nên người dân đã sai phạm. Cũng có một số nơi áp giá quá chênh lệch, trong khi chính sách của Nhà nước không theo kịp đơn giá nên người dân cố tình vi phạm”.

Với mục tiêu hướng đến một thành phố “đáng sống”, công tác giải tỏa đền bù đã góp phần không nhỏ trong việc chỉnh trang đô thị khang trang, sạch đẹp và đem lại điều kiện sống tốt hơn cho người dân. Không những thế, thành phố còn có Chương trình “Thành phố 3 có”: Có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa - văn minh đô thị, thì lẽ nào người dân không được quan tâm (?!).

(Còn nữa)
 
Bài và ảnh: GIA HUY
;
.
.
.
.
.