Ông Nguyễn Đăng Huy, Trưởng ban Quản lý dự án giao thông nông thôn Đà Nẵng, thừa nhận: Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân chủ ở cơ sở đôi lúc chưa được cập nhật, phổ biến đầy đủ do đơn vị điều hành nhiều công trình nhỏ lẻ, phân tán trên khắp địa bàn thành phố. Lực lượng cán bộ, công nhân viên bám công trường để phổ biến, triển khai chưa kịp thời”. Với nhiệm vụ và chức năng của Ban là không trực tiếp thực hiện công tác giải tỏa đền bù và bố trí tái định cư nên việc công khai thông tin cho nhân dân chủ yếu là công khai về đất đã có thực tế tại các dự án.
Ông Huy cũng cho rằng, việc phối hợp với địa phương công khai về chủ trương kỹ thuật, chính sách đền bù cho nhân dân biết trước khi triển khai thực hiện dự án đã mang lại hiệu quả cao trong công tác quản lý, điển hình là các dự án đường Tôn Đản, Lê Trọng Tấn... Thậm chí ngay cả những việc đơn giản như người dân thắc mắc “Tại sao vét mương trước nhà tôi? Tại sao làm hố ga trước nhà tôi mà không làm trước nhà khác?”... cũng cần được giải thích rõ ràng cho người dân hiểu để tránh gây mất đoàn kết trong nhân dân và khiếu kiện kéo dài về những việc không đáng có.
So với các ban khác, hiện Ban Giải tỏa đền bù các dự án đầu tư xây dựng số 1 được xem là chủ lực trong việc thực hiện giải tỏa đền bù trên địa bàn thành phố. Ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng ban này cho biết: “Ban thực hiện giải tỏa đền bù trên 90 dự án lớn, nhỏ. Xác định công tác giải tỏa đền bù và ổn định cuộc sống nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm, do đó Ban đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc kiểm định, áp giá, tổ chức chi trả và giải quyết các kiến nghị của nhân dân kịp thời, đúng tiến độ đề ra. Những kiến nghị của nhân dân về chính sách đền bù được các chuyên viên theo dõi dự án tập hợp đầy đủ và đưa ra Hội đồng giải phóng mặt bằng họp bàn trước khi trình UBND thành phố phê duyệt. Từ đầu năm đến nay, đã có 5 nghìn đơn thư được giải quyết và dự kiến sẽ giải quyết thêm 3 - 4 nghìn đơn thư vào cuối năm”. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện áp giá đền bù, Ban cũng đã linh động mạnh dạn có những đề xuất với thành phố sao cho phù hợp với thực tế nhằm tạo sự công bằng và tránh trường hợp “chây ì thì được, chấp hành thì thiệt”. Chẳng hạn như trường hợp người dân lợi dụng kẽ hở của cơ chế, chính sách để tách đất thành nhiều thửa nhằm bốc được nhiều lô, hay khiếu kiện kéo dài đến khi nào thỏa mãn yêu cầu thì thôi...
Vì vậy, để người dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của thành phố và pháp luật của Nhà nước trong năm “giải tỏa đền bù, tái định cư và an sinh xã hội”, thiết nghĩ, trước hết cần phổ biến rộng rãi và công khai minh bạch các cơ chế, chính sách, pháp luật để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Các ban liên quan đến công tác giải tỏa đền bù cần phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức họp dân công khai về chủ trương kỹ thuật, chính sách đền bù cho nhân dân và các cơ quan liên quan được biết trước khi triển khai dự án. Song song với việc lấy địa phương làm trung tâm trong công tác giải phóng mặt bằng và giải quyết các vướng mắc cho nhân dân, cán bộ cần phát huy ý thức trách nhiệm trong công tác giải thích, vận động quần chúng. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần có cơ chế xử phạt nghiêm minh đối với các dự án chậm triển khai, tránh tình trạng các nhà đầu tư kéo dài thời gian, rồi sau đó chuyển đổi mục đích sử dụng để bán đất với giá cao kiếm lời, còn người dân chịu thiệt.
Bài và ảnh: GIA HUY
TIN LIÊN QUAN |
---|