Đây là mục tiêu hàng đầu mà Trường Trung cấp nghề Giao thông công chính ( GTCC) Đà Nẵng đã đặt ra cho công tác đào tạo người lái (lái ô-tô và mô-tô) kể từ khi thành lập đến nay.
Giáo viên của trường đang hướng dẫn học viên thực hành lái xe đầu kéo. |
Tai nạn do ô-tô gây ra thường rất nghiêm trọng, thậm chí gây chết nhiều người và thiệt hại lớn về vật chất, để lại những hậu quả nặng nề cho xã hội. Vì vậy, nhà trường nỗ lực hết mình để những người lái được học tập và thực hành, bảo đảm có tay nghề tốt nhất khi ra trường. Việc biên soạn giáo án của các giáo viên phải được thực hiện theo đúng quy định. Sau mỗi khóa học, mỗi giáo viên phải điều chỉnh cho phù hợp trên cơ sở thực tiễn giảng dạy.
Đặc biệt là sự linh hoạt và phương pháp giảng dạy, sao cho học viên dễ tiếp thu, bớt nhàm chán. Đối với các giáo viên dạy thực hành, khi được tiếp nhận phải kinh qua một thời gian nhất định củng cố kỹ năng (từ 1 năm trở lên) mới được dạy. Trong quá trình dạy, những giáo viên thực hành phải có trách nhiệm rất cao, vì việc dạy thực hành, nhất là ô-tô, cả giáo viên và học viên đều phải tham gia giao thông trên một số tuyến đường, chỉ một sơ suất nhỏ, nếu học viên không xử lý kịp sẽ rất nguy hiểm cho người đi đường.
Đi đôi với việc đào tạo về chuyên môn, việc giáo dục đạo đức cho học viên được trường đặc biệt coi trọng. Trong quá trình giảng dạy, những mẩu chuyện về những tấm gương tốt của những người lái xe, hoặc những hành vi đáng phê phán (cố tình vi phạm luật giao thông, coi thường hành khách…) đã được giáo viên đưa ra để học viên tự răn mình. Một giáo viên lâu năm ở trường cho biết, phải làm cho học viên ý thức được rằng, lái xe là một nghề nguy hiểm, chỉ một sơ suất nhỏ sẽ gây ra tai nạn, chưa kể những tai nạn bất ngờ. Một vụ tai nạn cho dù không gây thiệt hại về người, thì những thiệt hại về kinh tế cũng là tổn thất lớn đối với người lái xe và gia đình.
Có lần, Hội đồng sát hạch của trường (khi còn thi sa hình) đã không công nhận kết quả một học viên mặc dù không mắc lỗi khi thi, nhưng lý do mà Hội đồng đưa ra buộc học viên này phải “tâm phục, khẩu phục”. Đó là trong khi thi, học viên này đã lạng lách một cách khá điệu nghệ trên sa hình mà bánh xe không hề chạm vạch. Bị chấm trượt, học viên này thắc mắc, một vị đại diện Hội đồng trả lời: “Hội đồng đánh trượt anh vì điểm đạo đức, với lý do: Ngay tại phòng thi mà anh đã đi như “biểu diễn” như vậy thì khi ra đường, cách đi xe của anh sẽ gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông”. Từ “tấm gương” này, các học viên đã ý thức được trách nhiệm của mình đối với xã hội khi tham gia giao thông, nên đã chăm chỉ học tập cả về chuyên môn và đạo đức người lái xe. Hằng năm, trên 80% giáo viên của trường đạt danh hiệu khá, giỏi. Đây là nền tảng cơ bản để trường nâng cao chất lượng đào tạo.
Ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông thành phố cho biết: Trường Trung cấp nghề GTCC Đà Nẵng là cơ sở đào tạo người lái có chất lượng cả về chuyên môn và đạo đức trong số 13 cơ sở đào tạo người lái hiện nay trên địa bàn thành phố. Tỷ lệ học viên tốt nghiệp đạt trên 90% qua các kỳ sát hạch. Nhờ vậy, 2 năm qua, số học viên đăng ký học tăng từ 10% trở lên so với năm trước. Năm 2011, trường phấn đấu đào tạo trên 3.500 học viên, tỷ lệ tốt nghiệp là 92% ngay từ lần thi đầu tiên, trong đó đào tạo lái ô-tô là 1.400 học viên.
Bài và ảnh: Đức Thịnh