.

Đưa nghị quyết vào cuộc sống: Xây dựng không gian đô thị mang sắc thái riêng

.
LTS: Gắn phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, phấn đấu xây dựng quận Ngũ Hành Sơn sớm trở thành khu đô thị hiện đại phía Đông-Nam thành phố, là trung tâm du lịch, dịch vụ của thành phố Đà Nẵng, đó là mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ quận Ngũ Hành Sơn lần thứ IV (nhiệm kỳ 2010-2015) đề ra. Phóng viên (P.V) Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với đồng chí Lê Hoàng Đức, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn về nội dung này.

* P.V: “Đảng bộ quận Ngũ Hành Sơn huy động mọi nguồn lực đầu tư hoàn thiện và đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, khai thác có hiệu quả các dự án đầu tư, chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp…”. Đó là mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận Ngũ Hành Sơn lần thứ IV (nhiệm kỳ 2010-2015) đề ra. Vậy phải làm gì để mục tiêu đó trở thành hiện thực, thưa đồng chí?

- Đồng chí Lê Hoàng Đức: Đảng bộ và nhân dân quận Ngũ Hành Sơn quyết tâm đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống trên cơ sở quán triệt sâu sắc toàn diện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Đại hội Đảng thành phố Đà Nẵng lần thứ XX, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ quận Ngũ Hành Sơn lần thứ IV, nhiệm kỳ 2011-2015. Trên cơ sở phát huy lợi thế của một quận có tiềm năng về phát triển du lịch biển, du lịch từ các di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng và làng nghề đá mỹ nghệ, trong 5 năm tới, bằng mọi biện pháp tranh thủ và khuyến khích, kêu gọi thu hút đầu tư từ các nguồn vốn như vốn ngân sách do địa phương quản lý, vốn thành phố, vốn Trung ương đầu tư trên địa bàn, vốn ODA, FDI và các nguồn vốn khác nhằm đầu tư phát triển, hoàn thiện và đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị…

Với mục tiêu Đại hội Đảng bộ quận Ngũ Hành Sơn lần thứ IV (nhiệm kỳ 2010-2015) đề ra, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm giai đoạn 2010-2015 với tổng vốn đầu tư phát triển trên 11.000 tỷ đồng, trong đó phần vốn đầu tư do quận quản lý trên 160 tỷ đồng (riêng nguồn vượt thu ngân sách quận năm 2010 để đầu tư gần 2km đường giao thông).

Thực hiện tốt công tác quy hoạch và chuẩn bị đầu tư, đẩy mạnh phát triển mạng lưới giao thông đạt chuẩn đô thị với đầy đủ điện chiếu sáng, cấp thoát nước, cây xanh trên địa bàn quận và kết nối giữa quận với các quận khác của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Phối hợp các ngành chức năng có cơ chế khuyến khích thu hút đầu tư. Đẩy nhanh tiến độ các dự án du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng, các công trình trọng điểm, dự kiến thu hút đầu tư từ các nguồn vốn để xây dựng 4-5 trung tâm mua sắm, siêu thị, chợ và ít nhất có 2 tuyến phố chuyên doanh sản phẩm đá mỹ nghệ; 10 -15 dự án du lịch, 4-5 khu đô thị, 20-25 khu dân cư và tái định cư... Sớm đưa các dự án đầu tư vào khai thác hợp lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bảo đảm phát triển nhanh, bền vững, ổn định kinh tế, chính trị và an ninh, quốc phòng. Đến năm 2015 cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng Dịch vụ - Công nghiệp - Nông nghiệp là: 59,79% - 38,37% - 1,84%...

* P.V: Phát triển không gian đô thị quận theo hướng hòa nhập với không gian đô thị của thành phố, vừa có những sắc thái kiến trúc riêng, đặc sắc. Vậy cái riêng, cái đặc sắc về kiến trúc của Ngũ Hành Sơn là gì, thưa đồng chí?

- Đồng chí Lê Hoàng Đức: Cùng hòa nhập với sự phát triển không gian đô thị của thành phố Đà Nẵng, quận Ngũ Hành Sơn mang trong mình nhiều yếu tố màu sắc khác nhau. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên đã tạo cho quận Ngũ Hành Sơn như một thành phố thu nhỏ. Thiên nhiên đã ưu đãi ban cho Ngũ Hành Sơn có cả ao, hồ, sông, núi, biển và đồng thời Ngũ Hành Sơn cũng đang lưu giữ trong mình những giá trị sinh thái cảnh quan, tâm linh và văn hóa…, tất cả những yếu tố đó đã tạo nên nét đặc sắc cho quận Ngũ Hành Sơn.

Quận Ngũ Hành Sơn nằm sát tuyến Hành lang Kinh tế Đông - Tây, là điểm dừng chân của khách du lịch trên con đường Di sản miền Trung, liên kết giữa Cố đô Huế - Ngũ Hành Sơn - Phố cổ Hội An - Thánh địa Mỹ Sơn; Ngũ Hành Sơn là một vùng đất giàu tiềm năng để phát triển kinh tế, đặc biệt là tiềm năng phát triển về du lịch. Vì vậy mà sắc thái kiến trúc của Ngũ Hành Sơn được hòa trộn bởi kiến trúc Chămpa và kiến trúc hiện đại tạo nên nét riêng cho Ngũ Hành Sơn. Không chỉ dừng lại ở đó, sắc thái kiến trúc cảnh quan của quận Ngũ Hành Sơn được tô điểm bởi Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn, đây là giá trị vật thể và phi vật thể. Công viên này không chỉ là dấu tích của bao nhiêu trận chiến ác liệt qua các thời kỳ kháng chiến mà còn mang trong mình yếu tố tâm linh và văn hóa, đó là Làng nghề truyền thống điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước được hình thành vào thế kỷ XVII.

* P.V: Trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn có nhiều dự án đã và đang triển khai với hàng chục nghìn hộ gia đình phải di dời, giải tỏa. Thế nhưng, rất ít có trường hợp nào khiếu kiện kéo dài, vượt cấp và đến nay việc tái định cư, công tác an sinh xã hội đối với các hộ giải tỏa đã cơ bản ổn định. Xin đồng chí cho biết bài học kinh nghiệm nào để tạo nên sự đồng thuận giữa nhân dân với Nhà nước?

- Đồng chí Lê Hoàng Đức: Tiếp nối các năm trước, năm 2011, công tác giải tỏa đền bù tiếp tục được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của quận Ngũ Hành Sơn. Được sự chỉ đạo điều hành sát sao của lãnh đạo Quận ủy và sự tập trung cao độ của UBND quận cùng các cơ quan, đơn vị liên quan, đặc biệt là sự thống nhất, đồng tình của đông đảo nhân dân nên công tác giải tỏa đền bù các dự án trên địa bàn quận trong thời gian qua đã đạt được kết quả tích cực.

Trong 6 tháng đầu năm 2011, công tác giải tỏa đền bù các dự án trên địa bàn quận tập trung rà soát các vướng mắc, tồn đọng các dự án nhằm xây dựng kế hoạch tiến độ triển khai trong năm 2011, đồng thời tổ chức họp Hội đồng GPMB, kiểm tra thực tế để giải quyết dứt điểm, trong đó tập trung các dự án trọng điểm như: Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn (khu vực hòn Thủy Sơn); Khu đô thị công nghệ FPT; Khu đô thị sinh thái Công viên văn hóa làng quê và quần thể du lịch sông nước và các dự án phụ trợ như: Làng đá mỹ nghệ Non Nước, KDC Hòa Hải H1-3, KDC Đông Hải...
 
Đồng thời, tập trung giải phóng mặt bằng các dự án đường giao thông như: đường Mai Đăng Chơn, đường Phan Tứ. Ngoài ra, còn tập trung giải quyết những tồn đọng, vướng mắc ở một số dự án khác như: Trường Đại học Mỹ - Thái Bình Dương, Khu X1 - X2 - X4… Để đạt được những thành quả trong công tác giải tỏa đền bù và tái định cư các dự án trên địa bàn quận, trong thời gian qua UBND quận đã thường xuyên tổ chức theo dõi, nắm bắt kịp thời những vướng mắc để có cơ sở điều chỉnh kế hoạch tiến độ và đôn đốc các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện. Nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị thi công, Hội đồng GPMB quận đã chia nhỏ khu vực trong dự án để tập trung GPMB theo hình thức “cuốn chiếu”. Công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đối với các khu TĐC cũng được chú trọng để bảo đảm có đất TĐC cho các hộ giải tỏa và ổn định đời sống nhân dân sau khi bàn giao mặt bằng.

Xác định sự đồng thuận giữa nhân dân với chính quyền là điều kiện tiên quyết để thực hiện tốt công  tác giải tỏa đền bù, do đó, công tác tiếp dân và giải quyết đơn thư kiến nghị của nhân dân được đặc biệt chú trọng. Bên cạnh việc tổ chức công tác tiếp dân, lãnh đạo UBND quận thường xuyên tổ chức những buổi đi kiểm tra thực tế để nắm bắt cụ thể và tiếp nhận ý kiến của nhân dân. Trên cơ sở đó đề ra hướng giải quyết phù hợp với điều kiện thực tế, thấu tình đạt lý, hạn chế đơn thư kiến nghị, khiếu nại kéo dài, vượt cấp. Ngoài ra, việc đi vào hoạt động của Ban vận động công tác giải tỏa đền bù đã phối hợp với các hội, đoàn thể thực hiện tốt công tác giải thích, hướng dẫn, vận động nhân dân chấp hành bàn giao mặt bằng, nhằm hạn chế việc xử lý hành chính, tạo điểm nóng. Tuy nhiên đối với các trường hợp cố tình không chấp hành bàn giao mặt bằng, UBND quận kiên quyết xử lý nghiêm…

* P.V: Xin cảm ơn đồng chí!

LÊ VĂN HOA (thực hiện)
;
.
.
.
.
.