.

Gian nan xử lý dây leo bìm bìm

.
Với 3.871ha, trong đó 2.591ha rừng đặc dụng, Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà - “lá phổi” của thành phố Đà Nẵng, điểm đến du lịch hấp dẫn của du khách - đã và đang bị loài dây leo bìm bìm xâm hại nghiêm trọng. 920ha rừng đã bị loài dây leo quái ác này phủ kín, làm cho thảm thực vật vốn xanh ngắt loang lổ như tấm áo vá. Lực lượng quân đội, thanh niên tình nguyện đã phải “xung trận” để xử lý, trả lại màu xanh vĩnh cửu cho rừng Sơn Trà.

Mô tả ảnh.
Đoàn viên, thanh niên xử lý dây bìm bìm.
 
Loài dây leo bìm bìm này có tên khoa học là Merremia eberhardtii, lá to, màu sáng, tái sinh bằng chồi và hạt. Chúng vươn tới đâu thảm thực vật tại đó gần như bị hủy diệt; vươn dài hàng trăm mét, dây chính có đường kính 15-20cm. Chúng len lỏi trong các hốc đá, lùm cây, do vậy việc diệt tận gốc không hề đơn giản.

Mấy năm gần đây, lãnh đạo thành phố và các cơ quan liên quan đã tìm nhiều giải pháp xử lý dây leo tại núi Sơn Trà. Các giáo sư Trường Đại học Queensland của Úc cũng đã có đề tài nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý. Và giải pháp khả thi đã và đang triển khai là dùng sức người, đào bới gốc rễ, chặt phát cành ngọn chất từng đống đốt. Tại các khu vực đã xử lý tiến hành trồng cây bản địa.

Mô tả ảnh.
Dây bìm bìm đã xử lý.
Việc diệt dây leo tại Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà triển khai từ năm 2008, khi Sở NN&PTNT tiến hành xử lý thí điểm 40ha. Năm 2009, thành phố giao Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố xử lý thí điểm tiếp 10ha. Năm 2010, sau hơn 3 tháng nỗ lực,  đã xử lý được 170ha. Năm 2011, tiếp tục xử lý 300ha. Ngày 5-8 vừa qua, hàng trăm đoàn viên thanh niên đã vào cuộc, trong thời gian 2 tháng sẽ  xử lý 100ha.    

Chứng kiến những người lính xử lý dây leo bìm bìm tại lưng chừng núi, nơi vừa dốc đứng vừa nhiều đá tảng, mới thấy công việc này vô cùng gian nan. Từ khu vực trú quân, mỗi sáng, bộ đội vuợt suối, leo dốc 2-3 tiếng đồng hồ mới đến hiện trường. Sau ít phút nghỉ ngơi, ai nấy dùng cuốc xẻng, dao rựa đào bới gốc rễ len lỏi dưới các tảng đá, chặt phát dây bu bám trên các cây cao. Không ít dây chính to hơn bắp chân người, nằm sâu dưới đất chui qua hốc đá, bộ đội phải vất vả đào chặt cả buổi mới đứt. Thiếu tá Trịnh Nuôi, cán bộ trực tiếp chỉ huy việc xử lý dây leo cho biết loại dây này chắc và dai, chặt đào tận gốc không hề đơn giản. Có buổi cả tiểu đội chỉ xử lý được vài chục mét vuông. Xử lý loài dây leo này yêu cầu phải triệt để, nếu sót một vài đoạn, chẳng bao lâu nơi đó sẽ đâm ra hàng chục chồi mới, phát triển rất nhanh. Trong quá trình xử lý, bộ đội liên tục gặp rắn rết, ong... Không chỉ người trực tiếp xử lý gian nan mà bộ phận nuôi quân cũng rất vất vả. Ngày nào họ cũng phải cõng cơm lên cho bộ đội ăn trưa tại hiện trường. Cơm, thức ăn phải đóng trong bao nhỏ, cho vào ba-lô, leo dốc có đoạn gần như thẳng đứng 3-4 tiếng đồng hồ mới đến nơi.

Bảo vệ đa dạng sinh học rừng, ngăn chặn kịp thời sự phát tán của dây leo bìm bìm là nhiệm vụ quan trọng. Thành phố đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân quản lý đất lâm nghiệp ở Sơn Trà chịu trách nhiệm xử lý dây leo; đơn vị, doanh nghiệp nào không chịu xử lý, Sở NN&PTNT thu hồi diện tích đất đã giao hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền thu hồi theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, ở Rừng đặc dụng Nam Hải Vân có khoảng 1.000ha dây leo bìm bìm, ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa khoảng 300ha. Việc xử lý dây leo tại những nơi này cũng phải khẩn trương triển khai nếu không muốn trả giá đắt về đa dạng sinh học rừng và tốn quá nhiều kinh phí.

 Bài và ảnh: Nguyễn Cầu      
;
.
.
.
.
.