Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) được xem như là “luật con” trong doanh nghiệp, có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Tuy nhiên, hành trình đi đến một tiếng nói chung của người lao động và chủ sử dụng lao động trong quan hệ lao động thông qua TƯLĐTT còn lắm gian nan.
Xác định vai trò và tầm quan trọng của TƯLĐTT trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp và là cơ sở pháp lý quan trọng để tổ chức Công đoàn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; từ nhiều năm qua, LĐLĐ thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo triển khai sâu rộng nội dung quan trọng này đến các cấp Công đoàn. Các cấp Công đoàn nỗ lực trang bị kỹ năng, củng cố hoạt động của tổ tư vấn xây dựng, thương lượng, ký kết TƯLĐTT.
Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 01 của Tổng LĐLĐ Việt Nam về “Đổi mới, nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT” mới thấy hành trình đi tìm tiếng nói bảo vệ quyền lợi người lao động thật không đơn giản.
Theo thống kê, số doanh nghiệp trực thuộc thành phố quản lý có 370 đơn vị đã thành lập tổ chức Công đoàn, trong đó có 188 đơn vị có TƯLĐTT, đạt 50,8%, tăng 41,3% so với năm 2010; riêng 6 tháng đầu năm 2011 xây dựng mới 27 bản, đạt tỷ lệ 25% so với kế hoạch giao năm 2011.
Qua kiểm tra, không ít bản TƯLĐTT chất lượng còn hạn chế, nội dung sơ sài, sao chép các quy định liên quan của pháp luật lao động, chỉ ghi chủ trương, không có quy định cụ thể dẫn đến tình trạng không có cơ sở để ràng buộc thực hiện; đưa vào TƯLĐTT các thỏa thuận nặng về nghĩa vụ đối với người lao động hoặc ký kết nhưng không gửi Sở Lao động-Thương binh và Xã hội để đăng ký theo quy định, không phổ biến rộng rãi đến người lao động, thậm chí một số bản TƯLĐTT quy định những điều trái với văn bản pháp luật hoặc quy định một số điều thấp hơn Luật Lao động.
Thực tiễn cho thấy, ngoài việc nhiều doanh nghiệp viện lý do khó khăn, không có lãi để né tránh, hoặc cố tình không thương lượng, ký kết và đăng ký TƯLĐTT; cũng cần nghiêm túc nhìn nhận năng lực, kỹ năng đàm phán, thương lượng của cán bộ Công đoàn ở một số doanh nghiệp còn hạn chế, nhất là những kiến thức liên quan đến kinh tế, tài chính chưa tương xứng với năng lực của người sử dụng lao động. Việc phát triển tổ chức Công đoàn tại doanh nghiệp ngoài Nhà nước còn chậm so với tốc độ phát triển của các doanh nghiệp hiện nay; công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật chưa đến được với đông đảo người lao động, việc đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ của Công đoàn cấp trên cơ sở ở một số nơi chưa kịp thời và chưa phù hợp. Mặt khác, cơ quan quản lý Nhà nước địa phương chưa có các biện pháp hữu hiệu để thúc đẩy, giám sát các bên tham gia ký kết và thực hiện TƯLĐTT; việc thanh tra, kiểm tra còn hạn chế hoặc nể nang dẫn đến nhiều doanh nghiệp xem nhẹ pháp luật, không tuân thủ pháp luật; thực hiện trách nhiệm thẩm định nội dung TƯLĐTT còn nhiều khiếm khuyết, thiếu chú trọng việc thẩm định Thỏa ước dẫn đến tình trạng Thỏa ước bị tuyên bố vô hiệu hoặc vô hiệu từng phần, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động khi có tranh chấp xảy ra.
Bài và ảnh: Trà Giang