.
HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 66 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG CAND (19-8-1945 – 19-8-2011)

Chuyện về một người anh hùng

.

Dù đã nghỉ hưu hơn hai tháng nay nhưng để gặp được Đại tá NGUYỄN THANH HÙNG (ảnh), Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động Công an TP. Đà Nẵng quả thật không dễ. Bởi anh đang bận rộn với công việc tham mưu cho UBND thành phố về lĩnh vực an ninh trật tự...

Mô tả ảnh.

Từ nỗi thù nhà, nợ nước...

 

Một ngày đầu tháng tám, tôi ghé đến trụ sở UBND thành phố tìm gặp anh. Khó khăn lắm mới có được cái hẹn như thế này. Và như để bù trừ, anh say sưa kể về chuyện đời, chuyện nghề của mình. Anh kể: “Tôi sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Gia cảnh khó khăn nên từ nhỏ phải lao động để phụ giúp gia đình, nuôi giấu cán bộ. Chiến tranh ác liệt đã làm đảo lộn cuộc sống một vùng quê vốn dĩ yên bình, các cơ sở bí mật lần lượt bị lộ, bố tôi cũng bị địch bắt, tra tấn cho đến chết. Mẹ tôi sau đó cũng đã hy sinh trong một lần dẫn đường cho cán bộ thoát khỏi vòng vây của địch”. Liên tiếp hai nỗi đau thương ập lên đầu cậu bé chưa đầy 15 tuổi đã nung nấu trong anh quyết chí theo con đường Cách mạng. Anh bắt đầu tham gia vào Đội Thiếu niên giải phóng ở địa phương; năm 1970 anh được tham gia vào đội Trinh sát vũ trang của Ban An ninh Quảng Đà.

Năm 1973, thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, địch điên cuồng đánh phá miền Nam. Huyện Quế Sơn quê anh cũng bị địch tàn phá hết sức nặng nề. Làng xóm trở nên tiêu điều, nhiều cơ sở cách mạng bị phá vỡ, không ít cán bộ bị địch bắt tra tấn, giết hại dã man bởi những tên ác ôn có nhiều nợ máu với dân. Đặc biệt trong đó có tên Đại úy Phạm Súy - chỉ huy lực lượng địa phương quân. Súy là tên ác ôn khét tiếng trong những tên ngụy quân độc ác lúc bấy giờ nên người dân mới đặt vè: Nhất Súy, nhì Vân, tam Tân, tứ Tòng. Súy đã được đích thân Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu bay từ Sài Gòn ra gắn mề đay “Anh dũng bội tinh” về thành tích chống Cộng. 

Phải tiêu diệt tên Súy thì cơ sở cách mạng mới khôi phục và đứng vững được. Do đó, Khu ủy Khu 5 giao nhiệm vụ cho Ban An ninh Quảng Đà bằng mọi giá phải tiêu diệt được Súy. Qua nhiều ngày bàn bạc cân nhắc, Nguyễn Thanh Hùng được cấp trên giao nhiệm vụ quan trọng này. Nhận nhiệm vụ, Nguyễn Thanh Hùng rất tự tin lên phương án thực thi. Tuy nhiên, để tiêu diệt được Súy quả không dễ, bởi y rất cáo già, cảnh giác cao độ. Dưới Súy có nhiều đàn em cũng rất ma mãnh, giết người không ghê tay. Nhận nhiệm vụ  với yêu cầu trong vòng một tuần phải hoàn thành, anh đã lăn lộn vào khu dồn dân của địch, ban ngày nằm hầm, ban đêm theo dõi địa hình, quyết diệt tên Súy trước ngày 19-5.

Cùng lúc đó, đồng chí Phó Ban An ninh Quảng Đà viết cho anh một bức thư dặn rằng: Giết Súy nhưng không được đổi mạng! Qua nhiều ngày bám cơ sở nhưng mọi kế hoạch đều không tiếp cận được Súy. Anh bắt đầu tìm hiểu hoạt động của bọn lính dù ngụy, từ đó nảy ra ý nghĩ mua áo quần lính để cải trang, trà trộn vào hàng ngũ địch. Khoảng 10 giờ ngày 25-5-1973, cơ sở báo tên Súy dẫn lính đi càn sắp về và sẽ ăn cơm tại quán nhà bà Công (một địa điểm Súy thường lui tới ăn nhậu). Anh phục kích và chờ cho bọn chúng mất cảnh giác, trong vai một lính dù ngụy, anh vác súng nghênh ngang đi vào tiếp cận mục tiêu. Phát hiện có lính dù vào, Súy sai tên Hiệu (Đại đội phó) ra ngăn lại. Anh và Hiệu giằng co, đòi đánh nhau. Thấy vậy, Súy mang khẩu súng côn đi ra. Thời cơ đã đến, khi Súy đứng phía sau Hiệu, anh chĩa thẳng nòng súng vào ngực Hiệu bóp cò, viên đạn xuyên qua bã vai của Súy, cả hai gục xuống đất. Thấy Súy chưa chết, anh giật khẩu súng của Hiệu bắn thêm ba phát nữa, sau đó rút lui một cách an toàn.

 “Từ khi tên Súy chết, nhân dân rất vui mừng. Cơ sở cách mạng được gây dựng và phát triển trở lại” - anh Hùng nói. Sau trận đánh ấy và ghi nhận những đóng góp của anh cho phong trào cách mạng ở địa phương, ngày 6-6-1976, anh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

... Đến “Hùng CD” - khắc tinh tội phạm

Anh tâm sự: Sau ngày giải phóng, tôi được phân về làm nhiệm vụ tại  C32 - Cảnh sát bảo vệ, đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đến những năm 1980 được cấp trên điều về công tác tại Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, kiêm Đội trưởng Đội “săn bắt cướp”. Những người dân Đà Nẵng luống tuổi vẫn nhớ như in hình ảnh của anh, thời còn là Đội trưởng Đội “săn bắt cướp”. Đêm nào anh cũng cưỡi xe Honda CD 125  đi tuần trên đường phố. Thấy anh đi, bà con yên tâm ngủ ngon giấc bởi cứ thấy bóng dáng anh là bọn trộm cắp, cướp giật chạy mất dép. Anh luôn là khắc tinh của bọn tội phạm này!

Nhắc đến thời kỳ này, những kỷ niệm khi làm lính hình sự có lẽ thật khó quên đối với anh. Khó có thể kể hết những chiến công của anh thời điểm này, bởi bắt những băng nhóm tội phạm đình đám, phá những chuyên án hình sự lớn nhất miền Trung thời bấy giờ, những vụ án giết người man rợ đều có mặt anh. Anh bảo, hơn một thập niên làm cảnh sát hình sự, từ khi là lính đến làm lãnh đạo, anh cùng đơn vị đã triệt xóa hàng trăm băng nhóm tội phạm, hàng nghìn đối tượng bị bắt, bị phạt tù, tử hình. Năm 1995, Phòng Cảnh sát hình sự của anh được Chủ tịch nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Năm 2004, anh về làm Trưởng phòng Cảnh sát Cơ động, Bảo vệ và Hỗ trợ tư pháp (nay là Phòng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động). “Lạ nước lạ cái” khi đơn vị này đảm nhận rất nhiều nhiệm vụ như bảo vệ các mục tiêu, giải quyết vấn đề an ninh trật tự, đấu tranh chống khủng bố, bắt cóc con tin… Thế nhưng, với bản lĩnh của một người lính đã từng xông pha trong chiến trận và đối mặt với hàng trăm băng nhóm tội phạm trong thời bình, anh đã xây dựng đơn vị vững mạnh, trở thành thành lũy chắn tội phạm, bảo vệ an ninh trật tự ở địa phương. Học từ người lãnh đạo mẫu mực, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) trong đơn vị anh cũng đã tôi luyện cho mình một tinh thần thép. Vì vậy, dù có bất cứ tình huống nào xảy ra, CBCS đều ứng phó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Anh kể: “Có những đêm quá nửa khuya và đang ở nhà, nhưng từ chiếc bộ đàm, nghe các tổ tuần tra bắt được những đối tượng hình sự nguy hiểm, băng nhóm tội phạm, tôi bật dậy tức tốc tới đơn vị ngay. Đây là thói quen ăn sâu từ thời còn làm bên hình sự”. Chính sự nhiệt tình đó của anh đã động viên rất lớn CBCS ngày đêm miệt mài làm nhiệm vụ bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Đặc biệt, từ ngày đội chống tội phạm cướp giật ra đời, Đại tá Nguyễn Thanh Hùng đã thổi tinh thần thép vào cho CBCS trong đơn vị. Nhờ đó, đội ra quân là lập được nhiều chiến công, được nhân dân hết sức khen ngợi...

Ngày có quyết định nghỉ hưu, anh thoáng chút buồn, tiếc vì mình không còn tuổi để “chiến đấu” với tội phạm. Tuy nhiên anh nghĩ, về địa phương làm một công dân bình thường, anh cũng sẽ “tấn công” tội phạm  bằng việc giáo dục những người lầm lỗi và sẵn sàng hỗ trợ khi lực lượng Công an cần. Nhưng chưa kịp nghỉ ngơi thì lãnh đạo thành phố  lại đề nghị anh tiếp tục làm công tác tham mưu trong lĩnh vực an ninh trật tự cho thành phố. Không cần nghĩ ngợi gì, anh nhận lời ngay. Bởi theo anh, sự nghiệp đấu tranh với tội phạm, giữ yên bình cuộc sống cho nhân dân đã ăn vào máu thịt của mình, tôi sẽ làm nhiệm vụ này cho đến khi không còn đủ sức nữa mới thôi...!

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.