.

Khi người dân chỉ thích... chui

.

Năm 2010, Cục Đường bộ đã xây dựng rào chắn trên tuyến hành lang chồng lấn nằm giữa đường sắt Bắc-Nam đoạn qua địa bàn Đà Nẵng và đường Trường Chinh. Rào chắn mới cao đến 1,5 mét kỳ vọng sẽ ngăn chặn được tình trạng người dân băng qua đường sắt. Thế nhưng trên thực tế lại không như vậy...

 

Mô tả ảnh.
Hàng rào đã được nâng cao nên người dân chui qua để băng qua đường sắt.

 

Từ năm 2002 đến 2007, trên tuyến đường sắt từ Ngã ba Huế đến cầu vượt Hòa Cầm đã xảy ra 108 vụ TNGT làm chết 54 người, bị thương 61 người. Nguyên nhân chủ yếu của các vụ TNGT này đều do người dân cố tình băng qua đường sắt trong lúc tàu đang chạy. Trước tình hình này, cuối năm 2007, UBND thành phố đã phối hợp với Công ty Quản lý đường sắt Quảng Nam-Đà Nẵng tiến hành đóng 27 đường ngang dân sinh trái phép. Ban ATGT thành phố, Công ty Quản lý đường sắt Quảng Nam-Đà Nẵng và chính quyền địa phương đã tập trung tuyên truyền cho người dân ý thức sự nguy hiểm khi băng qua đường sắt ở những vị trí không được phép. Cục Đường bộ quyết định xây dựng hàng rào cao đến 1,5 mét dọc theo tuyến đường sắt đoạn từ Ngã ba Huế đến cầu vượt Hòa Cầm được xem như là giải pháp nhằm ngăn chặn  thói quen băng qua đường sắt của người dân.

Theo quan sát của chúng tôi, dù đã có hàng rào chắn nhưng người dân vẫn không thay đổi thói quen băng qua đường sắt. Rào chắn quá cao nên người dân lại có “sáng kiến” đập phá những viên đá hộc dưới chân hàng rào để tạo ra lỗ hổng vừa một người chui qua. Chị Vũ Thị Kim Liên, nhân viên gác trực tại gác chắn Phước Tường cho biết, không hiểu nổi cách đi của người dân. Họ cứ thích chui hàng rào để băng qua đường sắt chứ không đi qua đường ngang có người gác cho an toàn, mặc dù về khoảng cách không bao xa. Ví dụ, từ con hẻm sát ngôi nhà 744A chỉ cách 50 mét là đến đường Lê Trọng Tấn ra đường Trường Chinh, thế nhưng hầu hết người đi bộ đều băng qua đường sắt rồi chui qua hàng rào để ra đường Trường Chinh.

Đoạn đường sắt từ Ngã ba Huế đến cầu vượt Hòa Cầm dài khoảng 5km, ngoài 5 đường bộ cắt qua đường sắt, còn có 5 đường dân sinh được phép mở (có người gác). Như vậy, tính trung bình cứ khoảng 500 mét là có một lối đi qua đường sắt, một khoảng cách rất thuận tiện cho người dân đi lại hằng ngày. Tuy nhiên, bất chấp mọi sự nỗ lực của cơ quan chức năng, rất nhiều người vẫn chọn cách đi vô cùng nguy hiểm cho bản thân mình. Thiết nghĩ đã đến lúc không thể tuyên truyền suông, hay xây tường rào thật cao mà cần phải xử phạt thật nặng với các trường hợp cố tình băng qua đường sắt tại vị trí không cho phép để bảo đảm tính mạng cho chính họ và trật tự an toàn giao thông nói chung.

Bài và ảnh: Thanh Vân

;
.
.
.
.
.