.

Khi Tổ quốc cần

.

Hằng năm, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng lại có những thanh niên tạm biệt gia đình lên đường thực hiện nghĩa vụ tại huyện đảo Trường Sa. Gạt bỏ mọi lo lắng, họ sẵn sàng lên đường khi Tổ quốc cần.

Mô tả ảnh.
Chiến sĩ trẻ tham gia xây dựng trên đảo.

 

Ba lần lột da mới quen với đảo

Qua lời giới thiệu từ Trung đoàn Công binh 83 thuộc Quân chủng Hải Quân, chúng tôi tìm đến nhà binh nhì Hồ Văn Thắng (SN 1991) ở tổ 1, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn. Thật may mắn khi chúng tôi đến, Thắng đang trong thời gian nghỉ phép và chỉ còn 1 ngày nữa sẽ lên đường trở ra đảo. Thắng bảo, em đang đóng quân ở đảo Song Tử Tây (thuộc quần đảo Trường Sa). Ra đảo từ tháng 3-2010, nhiệm vụ chính của những chiến sĩ trẻ như Thắng là tham gia xây dựng các công trình bảo vệ đảo. Thắng bảo: “Ban đầu công việc diễn ra khá nặng nhọc vì chưa quen. Việc xây dựng ở trên đảo khó khăn hơn rất nhiều so với ở đất liền. Vừa lo bảo vệ vật liệu không bị nhiễm mặn khi vận chuyển từ xuồng máy vào đảo, vừa lo bảo đảm an toàn cho người và thiết bị khi lặn xuống đóng cọc pha ở những dãy đá ngầm. Vất vả là vậy nhưng anh em chiến sĩ trên đảo chỉ mong mưa thuận gió hòa để công trình xây lên không bị sụt, lở.

Thời tiết trên đảo rất thất thường, nắng cũng dữ mà mưa càng sợ hơn. Chuyện ngày nghỉ, tối làm hay cách nhau có 5m nhưng bên nắng bên mưa là... bình thường. Khi quen rồi thì chính những đêm chong điện để làm việc lại khiến cho đám lính trẻ tụi em thích thú”. Nói về cuộc sống ở trên đảo, Thắng dí dỏm chỉ cho chúng tôi xem những mảng da chỗ trắng chỗ đen rồi giải thích: “Lính trẻ như tụi em phải qua ít nhất 3 lần lột da mới quen với đảo. Lãnh đạo ra thăm chỉ cần hỏi “mấy lần lột da” là biết liền. Những ngày đầu mới ra, hôm nào có sóng to gió lớn là lo nơm nớp. Giờ mưa gió không còn “xi nhê” gì. Chị xem, em bây giờ “khác hẳn” ngày ở nhà”. Như để chứng minh cho lời nói của mình, Thắng lôi ra tập album ảnh gia đình cho chúng tôi xem. Quả thực, so với vẻ gầy gò, trắng trẻo cách đây một năm, chàng lính trẻ ngồi trước mặt chúng tôi lúc này có thân hình cường tráng với nước da rám nắng. Và nhất là trưởng thành hơn hẳn. Có lẽ, chính những thử thách của thiên nhiên và cuộc sống đã tôi luyện nên những người lính gan dạ, kiên cường dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. 

Rời nhà Thắng, chúng tôi tìm đến gia đình binh nhì Đặng Thành Nam (SN 1992) ở tổ 57 phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn. Được biết Nam vừa nhập ngũ tháng 3-2011 (hiện cũng đóng quân ở đảo Song Tử Tây) nên khi chúng tôi đến chỉ gặp được gia đình Nam. Nghe có tin từ Trường Sa, cả nhà Nam hớt hải chạy ra. Khi biết chúng tôi chỉ đến để hỏi thăm tình hình của Nam, cả nhà mới thở phào nhẹ nhõm. Vừa rót cốc nước mời khách, mẹ của Nam, chị Nguyễn Thị Phương vừa bộc bạch: “Mấy bữa nay cứ nghe tin từ Trường Sa là cả nhà lại thấy lo. Vậy mà bữa nào liên lạc được với Nam nó cũng động viên gia đình. Thấy nó lạc quan lắm, có bữa còn bảo, trai lớn phải đi nghĩa vụ phục vụ đất nước, con quen với đảo rồi, thấy nhớ nhà ít hơn”. Chị Phương kể, nghe tin Nam được điều ra đảo cả nhà ai cũng khóc vì thương. Hôm Nam lên đường chỉ kịp điện thoại về bảo “Cả nhà chạy ra cầu Tiên Sơn, xe đi ngang qua đó cho con nhìn mặt tý”. Biết là đi bộ đội thời bình không như thời chiến nhưng sao vẫn thấy lo lắng và thương lắm cô à.  

Đảo là quê hương...

Chị Phương chia sẻ: “Nói buồn và lo vậy thôi chứ cả nhà ai cũng động viên Nam cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Bản thân chị cũng sinh ra và lớn lên ở Cù lao Chàm nên dù ở đảo hay đất liền thì đâu cũng là quê hương, đất nước mình cả”. Cùng tâm trạng như chị Phương, cô Nguyễn Thị Xí, mẹ của binh nhì Hồ Văn Thắng không nén nổi  nghẹn ngào khi nghĩ đến ngày đứa con trai duy nhất của mình lại trở ra đảo. Cô Xí nói: “Ngày mai nó lên đường ra với đảo, tôi lại đếm từng ngày chờ nó về. Nhưng, thấy đi mới gần một năm mà cháu nó trưởng thành, rắn rỏi hơn hẳn, mình cũng mừng. Mà lạ lắm, dù về nhà nó bảo “sướng” hơn ở ngoài đảo nhiều nhưng khi nghe lệnh tập trung ra đảo là nó vào thu dọn quân trang ngay không chần chừ. Nó bảo, con thấy “yêu” đảo rồi mới “khổ” chứ”. Ngồi kế bên, Thắng đỡ lời mẹ như để giải thích: “Em cũng không hiểu vì sao, lúc chưa đi thì thấy lo. Nhưng khi quen rồi ra về lại thấy lưu luyến, tự hào vì mình đã được ra đảo. Anh em trên đảo ai cũng hiểu, xây dựng, bảo vệ đảo cũng như bảo vệ chính gia đình mình. Tự nhiên thấy yêu quê hương đất nước hơn”.

Đồng chí Lã Ngọc Tuân, Chính ủy Trung đoàn Công binh 83 cho biết, hằng năm, chúng tôi có tuyển một số chiến sĩ là người Đà Nẵng ra nhận nhiệm vụ tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Chiến sĩ trẻ trước khi ra đảo được huấn luyện kỹ và đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.  

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.