Ngày 5 tháng 8 năm nay, kỷ niệm ngày chiến thắng trận đầu của quân và dân ta đánh trả cuộc tập kích của không quân Mỹ vào bầu trời miền Bắc khiến mỗi chúng ta như sống lại khí thế hào hùng của cả dân tộc được bộc lộ nhất tề trong một tình cảm thống nhất: quyết tâm bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc trước sự gây hấn xâm lăng của kẻ thù.
Đến hôm nay, lịch sử đã sáng tỏ: Kể cả từ nguồn thông tin tình báo lẫn những công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ đều chứng minh rằng không có vụ tấn công nào của quân đội Việt Nam vào chiến hạm Mỹ trong đêm mồng 4 tháng 8 năm 1964 như lời vu cáo của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc ấy là Robert McNamara từng nói trước Quốc hội để tạo cớ đưa quân đội Mỹ vào miền Nam nước ta và tiến hành cuộc chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc, quyết đưa Việt Nam “trở về thời kỳ đồ đá”.
Trong những tháng ngày trọng đại đó, giới văn học nghệ thuật cả nước đã đồng loạt ra quân sáng tạo nên những áng thơ văn, những ca khúc, những bức ảnh, những thước phim tư liệu hừng hực khí thế quyết tâm bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng. Đến nay, người ta còn nhớ nhiều đến một bài thơ chính luận nổi tiếng của Chế Lan Viên, bài: Sao chiến thắng, được nhà thơ viết vài ngày sau sự kiện này. Mở đầu bài thơ, không nén được căm giận, nhà thơ thốt lên:“Giặc Mỹ mày đến đây/ Thì ta tiêu diệt ngay!/Trời xanh ta nổi lửa/ Bể xanh ta giết mày!” (1). Đúng là ở vào thời điểm ấy, không thể nào diễn đạt khác hơn những từ ngữ như vậy. Đó là thái độ phản ứng tất yếu trước hành động leo thang ngang ngược bất chấp đạo lý, coi thường luật pháp quốc tế của kẻ thù.
Và, cũng chính ở thời điểm thử thách khốc liệt như vậy, chúng ta mới càng thấu hiểu những tình cảm thiêng liêng có sẵn trong dòng máu mỗi con người Việt Nam về lòng yêu nước nồng nhiệt thống thiết và căm giận không nguôi trước hành động của kẻ thù: “Ôi Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt/ Như mẹ cha ta, như vợ như chồng/ Ôi Tổ quốc, nếu cần, ta chết/ Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông... /Hãy cứ đo bể ta bằng luật điều quốc tế /Trời xanh ta xanh bao nhiêu hải lý/ Nhưng chớ đo lòng căm giận chúng ta / Máu hơn ba chục năm trời ta đã đổ ra”. Một lần nữa, cả dân tộc lại hành quân vào cuộc chiến đấu chống ngoại xâm trên cả hai miền Nam Bắc. Lịch sử thế kỷ Hai Mươi đã ghi đậm nét chiến công của người Việt Nam, một dân tộc nhỏ bé, vũ khí thô sơ nhưng với ý chí quyết tâm vô bờ bến, với sự giúp đỡ hỗ trợ của bè bạn yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới, đã đánh bại cả bộ máy chiến tranh khổng lồ tối tân hiện đại của kẻ xâm lược.
Nhắc lại một áng thơ văn rực lửa yêu thương và căm giận nhân kỷ niệm 47 năm ngày chiến thắng trận đầu của quân và dân miền Bắc đánh trả không quân Mỹ cũng là dịp để chúng ta hiểu sâu thêm sức mạnh tiềm ẩn trong lòng dân tộc, cho dù lịch sử đã đi những bước đi mới, khác, và đã viết những trang trước đây chưa hề có. Vẫn tiềm ẩn trong lòng dân tộc hình ảnh những “Thần chiến thắng là những người áo vải/ Những binh nhất binh nhì mười tám tuổi/ Giết quân thù không đợi có hạt nhân”. Vẫn còn mãi những lời thức tỉnh những ai còn hồ mơ trước những âm mưu thâm độc, phải cảnh giác trước những “chước quỷ mưu ma”: “Hỡi những tấm lòng lạnh tanh máu cá/ Những nhiệt tình xuống quá độ âm!/ Có nghe tiếng ngư lôi và cao xạ?/ Giặc đánh ta thì ta đánh trả / Giữ hòa bình phải đâu bằng mọi giá/ Giá hòa bình là quật ngã bọn xâm lăng”. Và, vẫn mãi mãi rực sáng Sao Chiến Thắng trên bầu trời đất nước, qua mọi thăng trầm của lịch sử nhân loại, những ánh sao phản chiếu tâm hồn, tình cảm, ý chí của dân tộc Việt Nam:“Trời sao cao như là chiến trận/ Sao sáng ngời vũ khí lòng ta”!
NẠI HIÊN
(1) Những chữ in nghiêng trong bài đều trích từ bài thơ “Sao chiến thắng”, in trong Chế Lan Viên toàn tập, Nxb Văn học, H., 2002.