.

Một bức tường - hai thế giới...

.
Bức tường rào xung quanh nghĩa trang liệt sĩ quận Liên Chiểu dưới cái nắng chiều bỗng rực sáng, đẹp lạ thường. Bên dòng xe cộ tấp nập nhộn nhịp ồn ào, trong bức tường ấy như có một thế giới khác, lặng lẽ và trang nghiêm. Đứng giữa hai thế giới ấy, người đàn ông vẫn cần mẫn với công việc của mình: “canh giấc” cho các liệt sĩ.

Mô tả ảnh.
Ông Nguyễn Hữu Ngọc đang thắp nhang trước mộ các liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ quận Liên Chiểu.
 
Nước da đỏ au, hồng hào, giọng nói trầm ấm, hào sảng, ông Nguyễn Hữu Ngọc - người quản trang tại Nghĩa trang liệt sĩ quận Liên Chiểu - dẫn chúng tôi đi trên con đường thật đẹp và sạch với ao cá và rặng cây râm mát để thăm nơi các liệt sĩ yên nghỉ. Những nén nhang lần lượt được thắp trên từng ngôi mộ khiến cả nghĩa trang bỗng trở nên ấm áp. Đi dọc theo hàng mộ, 84 liệt sĩ, người chỉ vừa đôi mươi, người đã cứng tuổi, có mộ có tên, có mộ chưa xác định được danh tính. Dù mới chỉ gắn bó với công việc được hơn bốn năm nhưng ông như thuộc lòng vị trí của từng ngôi mộ.
 
Công việc của một quản trang như ông là chăm sóc, lo hương khói, nhổ cỏ, tỉa cây, tưới nước, lau chùi các phần mộ, phục vụ nghi thức viếng và hướng dẫn khách tham quan từng khu mộ. Tưởng như đơn giản nhưng kỳ thực công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận và cả cái Tâm ở trong đó. “Lúc mới đến, chưa quen công việc, tôi rất bỡ ngỡ khi đứng trước nghĩa trang rộng thênh thang, làm gì cũng thấy lúng túng, chỉ sợ không lo chu toàn cho các liệt sĩ đang nằm đây” -Ông Ngọc tâm sự.

Ngồi nghỉ dưới những bậc đá, ông kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời mình. Ngày vào bộ đội, chàng thanh niên khi ấy chỉ vừa mới đôi mươi. Hành trang chẳng có gì ngoài chiếc ba lô và một trái tim đầy nhiệt huyết, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Hơn 21 năm rong ruổi trên đường Trường Sơn, Sư đoàn 527 của ông đã từng chiến đấu ở các chiến trường Quảng Trị, Tây Ninh, Cam Ranh, Đà Nẵng… Khi về hưu, ông lấy vợ rồi hai con gái lần lượt ra đời, nợ áo cơm khiến ông bà phải làm thêm đủ nghề, nếm trải đủ ngọt bùi, cay đắng. Gần bước sang bên kia cái dốc của đời người, các con cũng đã lớn, những tưởng ông sẽ được nghỉ ngơi vui hưởng tuổi già. Thế rồi, ông lại nhận lời làm quản trang tại Nghĩa trang liệt sĩ quận Liên Chiểu. Lúc đó trợ cấp của công việc này chỉ vỏn vẹn có 700 ngàn đồng (bây giờ là 1 triệu đồng).
 
Ông kể, lúc mới vào, tuần đầu tiên ông không ngủ được, đêm nằm xuống giường là mơ thấy các anh, những người chỉ biết tên chứ chưa hề biết mặt. Sau đó, ông làm lễ, thắp nhang cho đủ vong linh 84 liệt sĩ và khấn: “Các anh, các chú cứ yên nghỉ nhé, tôi còn sống ngày nào là chăm các chú được vẹn toàn ngày ấy”. Từ đó trở đi, ông không còn mơ thấy những chuyện chiến đấu năm xưa nữa nhưng rằm, mùng một nào ông và người bạn già làm cùng cũng thắp nén hương để tưởng nhớ các anh.
 
Dù không ai quy định nhưng cứ tháng nào, ông cũng dành chút tiền trợ cấp ít ỏi để mua hương, đèn, bảo “để các anh ấy thấy vui và thanh thản vì có người quan tâm”. Tôi hỏi: “Bác ở đây một mình có buồn và sợ không?”. Ông Ngọc cười: “Nói thiệt, sợ thì đôi lúc cũng có khi đi tuần một mình vào ban đêm giữa nghĩa trang với hàng chục ngôi mộ lặng yên. Nhưng buồn thì không, bởi lúc nào tôi cũng cảm thấy được sống bên cạnh đồng đội của mình, thấy mình hạnh phúc vì được sống và còn có một gia đình”.

Bóng chiều đổ xuống nghĩa trang. Những hàng bạch đàn rì rào như hát mãi khúc ca bất tận về những con người đã ngã xuống anh dũng. Trước sân tượng đài của nghĩa trang, từng tốp trẻ em đang chơi đùa hồn nhiên. Đằng sau tượng đài, những anh hùng liệt sĩ vẫn nằm đó, lặng lẽ, thanh thản. Và phía sau những ngôi mộ ấy, là bóng hình của những con người vẫn lặng lẽ với công việc giữ yên giấc ngủ cho những người anh hùng.

Bài và ảnh: Phương Trà
;
.
.
.
.
.