.

Như bó hoa mừng sinh nhật Anh

.

LTS: Nhân dịp mừng thọ đồng chí Võ Chí Công, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước CHXHCN Việt Nam bước vào tuổi 100, đồng chí Hoàng Minh Thắng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thương mại, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng đã có bài viết những kỷ niệm đáng nhớ về đồng chí Võ Chí Công trong những năm tháng chiến tranh trên chiến trường khu V. Báo Đà Nẵng xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Mô tả ảnh.
Đoàn đại biểu Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam do Chủ tịch Huỳnh Đảm dẫn đầu đến thăm và trao tặng Huân chương "Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc" cho đồng chí Võ Chí Công, ngày 19-12-2010, tại TP. Hồ Chí Minh.

Tôi vẫn thường gọi đồng chí Võ Chí Công bằng anh Năm. Trước thế mà nay vẫn vậy. Những năm ở chiến trường khu V hay sau này anh đảm nhận trọng trách Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (Chủ tịch nước) tôi vẫn thường gọi anh bằng anh Năm một cách thân mật, cảm mến ngay cả trong sinh hoạt lẫn công tác. Và nữa, tôi gọi anh bằng anh Năm bởi gần gũi, giản dị và giàu lòng yêu thương lạ thường. Tựa như không có đại từ xưng hô nào hay hơn. Anh yêu đồng chí, đồng đội, yêu bạn bè, yêu người dân khu V, miền Nam và cả nước. Có lẽ tình yêu ấy kết tinh từ sự nhân hậu mộc mạc để anh từ người của Trung ương Cục miền Nam, rồi khu V, sau cùng là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước cùng toàn quân, toàn dân viết nên trang sử vang dội, hào hùng.

Không còn nhớ mình gặp anh lần đầu vào ngày nào, tháng nào mà tôi chỉ nhớ tháng 12-1960 tôi được lệnh vào Nam chiến đấu. Lúc bấy giờ những ai vào chiến trường miền Nam thường gọi là đi B, phải giữ bí mật tuyệt đối. Công việc của mình dù vợ con, thân thích cũng không được nói với ai dù một điều rất nhỏ. Tôi được phong quân hàm Thiếu tá, chức vụ Chính ủy Trường Quân chính Quân khu V, cùng hành quân với đoàn cán bộ sẽ thành lập Bộ Tư lệnh Quân khu V do Tướng Nguyễn Đôn làm Tư lệnh. Đi trước đoàn cán bộ Quân khu là Tiểu đoàn bộ binh 19 làm nhiệm vụ cảnh giới và mở đường. Hồi ấy đường 559 đã mở nhưng trên hành lang vẫn chưa có trạm, mỗi đoàn vào Nam tự lo việc xoi đường mà đi nhờ sự hướng dẫn của giao liên.
Chúng tôi muốn nhắc lại ngày đầu vào Nam để nhớ về những ngày đầu gian khó của toàn dân tộc để đi đến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, giành thắng lợi cuối cùng. Riêng tôi, tôi muốn kể lại ngày đầu vào Nam để mường tượng lại những năm sau đó hoạt động, lãnh đạo và chiến đấu dưới sự chỉ đạo của Quân khu, do anh Năm Công làm Bí thư Khu ủy, kiêm Chính ủy Quân khu.

Sau những năm công tác ở miền Nam là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, tháng 4 năm 1964, anh Năm Công được Trung ương Đảng điều về kiêm nhiệm Bí thư Khu ủy Khu V.

Tôi được làm việc gần anh, dưới sự chỉ đạo có khi trực tiếp, có khi gián tiếp của anh từ năm tháng đó. Khi anh về Khu V, về ngày quê hương anh để lãnh đạo toàn quân, toàn dân khu V đánh giặc cứu nước, tôi là Chính ủy Trường Quân chính, sau đó là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam.

Nhân mừng sinh nhật của anh, nhớ về anh, thầm cảm ơn anh đã chỉ đạo sáng suốt và chỉ bảo nhiều điều của một người chỉ huy, một người anh, người đồng chí bằng kiến thức và kinh nghiệm của mình để chúng tôi lần lượt vượt qua những tháng năm ác liệt trong một cuộc chiến ác liệt chưa từng có để hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Giờ đây nhìn quãng thời gian chảy về bến bờ bất tận, nghĩ lại nếu không có anh, không có sự lãnh đạo sâu sắc và sáng suốt ấy, thậm chí táo bạo của Khu ủy và Quân khu không rõ chiến trường khu V ấy sẽ diễn ra theo kịch bản nào? Và tôi thầm nghĩ, như thầm cảm ơn Trung ương Đảng, đứng đầu là anh Ba Duẩn đã chọn lựa chính xác và giao trọng trách cho anh lãnh đạo Khu V đúng vào thời điểm cần thiết nhất, quan trọng nhất và thử thách nhất. Lịch sử lần lượt đi qua, con người cùng tên tuổi, sự kiện ở lại. Như những dòng sông miền Trung, Quảng Nam quê anh và cả tôi nữa cứ trôi qua bốn mùa còn phù sa thì đều đặn bồi đắp đôi bờ.

Kỷ niệm sâu sắc nhớ nhất với anh là năm 1965, cụ thể tháng 3, quân viễn chinh Mỹ trực tiếp đổ bộ vào Đà Nẵng và ngay trên mảnh đất Núi Thành, Quảng Nam – một địa bàn trọng yếu khu V. Cả miền Nam lo, cả nước lo, dân và quân lo lắm. Có đánh được Mỹ không? Đánh được thì đánh bằng cách nào? Đó là câu hỏi rối bời, thường trực trong mỗi giấc ngủ của chúng tôi, của anh, của các đồng chí trong Khu ủy và Tư lệnh Quân khu. Qua chỉ đạo sâu sắc và cụ thể của anh, kể cả tiếp nhận các chỉ thị từ Khu ủy chỉ đạo, vào thời điểm đó tôi ở tuổi gần 40, đã từng kinh qua nhiều chức vụ và nhiều trận đánh, gần anh tôi mới hay rằng không kẻ thù nào được coi  là mạnh tuyệt đối, là bất khả chiến bại, có thể địch lại sức mạnh của tư tưởng, ý chí, sức mạnh toàn quân và toàn dân. “Không kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi”. Tôi nhớ lúc đó, tức lúc Mỹ đổ bộ rầm rộ bằng đội quân được coi là tinh nhuệ nhất thế giới, anh có nói với chúng tôi, chúng tôi nhớ mãi, rằng: Lực lượng vật chất chỉ có thể đánh bại lực lượng vật chất khi lực lượng vật chất ấy thâm nhập vào quần chúng. Công tác tư tưởng là lực lượng vật chất. Sau này, tức khi tôi lên làm Bộ trưởng Bộ Thương mại mà anh là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, tôi mới hiểu anh trích và lấy câu nói ấy từ kinh điển triết học để ứng dụng trong binh pháp, để dạy bảo anh em chúng tôi.

Vậy nên, khi miền Nam sốt lên vì tin Mỹ leo thang cuộc chiến, anh Năm và Khu ủy đã bình tâm chú trọng công tác tư tưởng, làm cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân không sợ Mỹ, dám đánh Mỹ đến biết đánh Mỹ, kiên trì phương châm đánh cả quân sự, chính trị, phát huy sức mạnh chiến tranh nhân dân và luôn giữ vững thế tiến công địch. Chính tư tưởng đó, anh cùng anh Chu Huy Mân (Tư lệnh Quân khu) đã chủ trương và chỉ đạo quân dân Quảng Nam thực hiện trận đánh phủ đầu đầu tiên quân Mỹ vào tháng 5-1965 giành thắng lợi, mở ra tư tưởng chiến lược cho quân dân Khu V và miền Nam quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ.

Trong trận đánh đó, tôi trực tiếp tham chiến với vai trò chỉ huy chỉ đạo trận Núi Thành. Khi trận chiến đấu kết thúc, không ngờ Trung ương Cục miền Nam, cả anh Ba Duẩn lại nhận tin thắng lợi trước tin báo về Khu ủy và Quân khu. Số là, trong trận đánh có một nhà báo quân đội đi theo, sử dụng máy truyền tin tốt hơn nên Trung ương Cục và anh Ba Duẩn biết trước, còn anh Năm ở đại bản doanh gần đó nhưng do máy truyền tin cũ đài 15W lạc hậu nên tin đến muộn hơn. Không dừng lại ở một trận đánh, tháng 9-1965 anh còn giao anh Bảy Hữu, Thường vụ Khu ủy đến huyện Nam Tam Kỳ (nay là huyện Núi Thành) để trực tiếp nghiên cứu cách đánh Mỹ trên vành đai diệt Mỹ Chu Lai của quân và dân ở đây cũng như ở Bắc huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi nhằm kiên định lập trường, phổ biến kinh nghiệm cho cả miền Nam. Toàn bộ kinh nghiệm được gói gọn, đó là “Hai chân, ba mũi giáp công”. Không cần hàn lâm, kinh viện, đây là cách đánh đơn giản, dễ hiểu nhất cho toàn bộ chiến trường. Chính cách đánh này đã buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn hội nghị Paris – lịch sử đã nghiên cứu và rồi đây có thể tiếp tục nghiên cứu thêm cách đánh này, có thể chưa có trong các học thuyết quân sự.

Có thái quá không khi nói đó là cách đánh giặc của anh Năm, của các đồng chí lãnh đạo Khu ủy, Quân khu, của riêng quân và dân Việt Nam. Xuyên suốt trong cách đánh ấy là tư tưởng lấy dân làm gốc, lấy yếu đánh mạnh, lấy ích địch nhiều, thần tốc và bất ngờ. Thấm nhuần tư tưởng đó, trong chiến dịch mùa Xuân 1975, sau khi căn bản giải phóng Đăk Lăk, Bộ Chính trị điện cho anh Năm lên Tây Nguyên họp với Bộ Tổng tư lệnh tiền phương tại Buôn Mê Thuột bàn về đẩy mạnh phát triển chiến dịch. Trên đường đi thấy chiến trường chuyển biến có lợi cho ta, cụ thể địch rút chạy khỏi Kon Tum và Pleiku, anh xin Bộ Chính trị không dự họp, quay trở về ngay để chỉ đạo, khẩn trương tấn công Đà Nẵng. Đây là đòn đánh bất ngờ nhất, đánh thần tốc và táo bạo vào xương sống của quân lực chế độ ngụy Sài Gòn làm đổ vỡ từng mảng, dẫn đến tan rã toàn diện. Ngày 29-3-1975, Đà Nẵng giải phóng. Một tháng sau, ngày 30-4-1975 miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, giang sơn thu về một mối.

Mừng sinh nhật anh, nhắc lại một vài trong hàng trăm kỷ niệm riêng, chung của quân và dân Khu V với anh để cùng cả nước kết thành bó hoa tặng anh. Đó là bó hoa của tình yêu thương cảm mến, tình đồng chí, đồng đội, tình quân và dân cả nước. Những kỷ niệm ấy tuy thuần túy là kỷ niệm mang tính lịch sử nhưng thiết tưởng ít nhiều đều có giá trị thời sự trong hiện tại và tương lại. Không kẻ thù nào, không sức mạnh nào có thể áp đảo sức mạnh ý chí và tư tưởng của một dân tộc. Có đúng thế không anh? Kính chúc anh sức khỏe, trường thọ.

Tháng 8 năm 2011

Hoàng Minh Thắng

;
.
.
.
.
.