Bằng cách đến các tiệm, cơ sở, xí nghiệp may trên địa bàn thành phố xin những đống vải vụn được thải ra, một nhóm các bạn trẻ (thuộc dự án EC-Shop) đã tái chế thành những sản phẩm có thể sử dụng được như búp bê, móc chìa khóa, quà tặng trong các hội nghị... góp phần hạn chế thải ra môi trường một số lượng phế thải có hại.
Hành trình đi “xin” rác
Theo chân một nhóm cộng tác viên (CTV) của dự án EC-Shop, chúng tôi đến tiệm may Quỳnh trên đường Nguyễn Chí Thanh (quận Hải Châu) để... xin vải vụn. Chị chủ tiệm tỏ vẻ nghi ngờ khi bảo: “Tụi em xin làm gì, bộ định gom đi bán à. Bữa nay sinh viên nhiều “trò” lắm”. Phải mất một lúc lâu khi được các bạn giải thích cho việc làm của mình, chị chủ tiệm mới chịu lôi từ trong hóc tủ ra một nhúm vải đã cắt nham nhở và không quên dặn dò: “Mấy em thông cảm, vải vụn thì chỉ có vậy thôi”. Trái với vẻ áy náy của chị chủ, các bạn trẻ lại tỏ ra phấn khởi khi đã thu được thành quả. Bỏ đống “rác” vào chiếc túi vải (do chính các bạn tự làm), chúng tôi tiếp tục hành trình qua 2 tiệm may nữa cũng nằm trên tuyến đường này. Đến đâu, chúng tôi cũng nhận được những ánh nhìn lạ lẫm từ mọi người. Thấy tôi có vẻ e ngại, cô bạn Hà Anh (một CTV), (hiện là sinh viên (SV) Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng) nói nhỏ: “Kệ họ chị ơi, tụi em quen rồi.
Đi mấy tiệm nhỏ này dễ xin chứ vào các cơ sở, xí nghiệp may lớn mới lo cơ”. Tiếp lời Hà Anh, bạn Lê Thị Trang, SV Trường đại học FPT Đà Nẵng, Đại sứ môi trường Bayer 2011 tại Đà Nẵng (đơn vị chủ quản của dự án EC-Shop) cho biết, mỗi lần đến liên hệ và “xin” vải vụn ở các cơ sở, xí nghiệp may tụi em phải năn nỉ gãy cả lưỡi, trình ra nào là thẻ sinh viên, giấy giới thiệu của dự án... mới được cho vào cổng. Đến khi làm việc với lãnh đạo đơn vị lại phải trình bày thêm một bài thuyết trình nữa. Nhiều lúc nói cả buổi cuối cùng ra về không. Có nơi họ cũng cho một ít nhưng lại theo kiểu bố thí cho trẻ con ấy. Nhiều lúc về cũng buồn lắm! Nhưng tụi em không nản đâu, sẽ có ngày mọi người hiểu việc làm của tụi em thôi.
Sau một buổi đi xin vải vụn, chúng tôi quay trở về phòng trọ của Hà Anh trên đường Nguyễn Lương Bằng. Qua lời giới thiệu thì đây chính là xưởng sản xuất của cả nhóm. Khắp gian phòng rộng chưa đến 50m vuông, từ trên giường, bàn học, giá sách bày la liệt những sản phẩm được tái chế từ vải vụn như búp bê mini, móc chìa khóa, gấu, thỏ, mèo, túi xách, bóp... Tất cả đều được làm bằng tay. Cô bạn Lê Thị Trang hào hứng khoe: “Tụi em vừa nhận được đơn đặt hàng cung cấp 200 sản phẩm tái chế bảo vệ môi trường, làm quà tặng trong một hội nghị về môi trường do các bạn ở Hà Nội tổ chức”. Chỉ vào một chú thỏ xinh xắn dính trên móc chìa khóa của mình, Trang cho biết thêm: “Mỗi chú thỏ thế này chúng em bán ra với giá 500 đồng. Tiền thu về chỉ đủ để mua kim chỉ, bao cả nhóm ăn cơm... bụi thôi. Nhưng giá trị của một sản phẩm này là góp phần làm giảm số lượng vải vụn có hại thải ra môi trường và vận động mọi người tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường”.
Lời hứa bảo vệ môi trường
“Dự định của tụi em trong thời gian tới sẽ liên hệ với một số quán cà-phê để trưng bày các sản phẩm tái chế, sản phẩm thân thiện với môi trường do tụi em làm. Hy vọng mọi người sẽ biết đến “dòng” sản phẩm này nhằm chung tay bảo vệ môi trường”, cô bạn Lê Thị Trang nói. |
Để tuyên truyền người dân bảo vệ môi trường bằng cách tích cực sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, thời gian qua nhóm CTV của Dự án EC-Shop tại Đà Nẵng đã tổ chức một số chương trình dưới hình thức như gala, ngày hội Đổi đồ... tại các trường đại học. Tham gia vào chương trình, nhiều bạn trẻ đã sẵn sàng chuyển từ việc dùng túi nilon qua túi vải tự chế, cùng cam kết từ bỏ suy nghĩ “Không dùng đồ secondhand” (không dùng đồ cũ) nhằm hạn chế rác thải ra môi trường.
Bài và ảnh: KHÁNH HÒA