.

Những người gieo mầm thiện

.

Không trực tiếp làm công việc truy bắt tội phạm, những chiến sĩ công an ấy gieo mầm thiện đến những con người đã từng phạm tội để họ làm lại cuộc đời. Họ chính là những quản giáo (QG) thuộc Trại tạm giam Hòa Sơn (TTGHS),Công an thành phố Đà Nẵng.

Mô tả ảnh.
Sự tận tình của các quản giáo đã giúp cho biết bao phạm nhân phục thiện làm người.

 

Tội phạm cũng là con người!

Hằng năm, TTGHS giam, tạm giữ trên dưới 500 can, phạm nhân (CPN). Con số tương đối lớn ấy đặt lên vai những người QG nhiệm vụ rất nặng nề. Không chỉ đơn thuần làm nhiệm vụ giam giữ, người QG phải dùng cái tâm, cái tình để cảm hóa, giáo dục CPN. Giám thị TTGHS, Thượng tá Trần Thanh Thảo tâm sự: “Tội phạm là những người đã làm điều xấu, điều ác. Tuy nhiên trong họ vẫn còn phần thiện. Người QG có nhiệm vụ đánh thức phần thiện trong con người họ, dùng tấm lòng khoan dung, độ lượng, giáo dục để họ phục thiện”.

Trung tá Trần Ngọc, Đội trưởng Đội QG, tạm giam, tạm giữ vào công tác tại TTGHS hơn 15 năm nay và đã kinh qua nhiều bộ phận chuyên môn, trong đó chủ yếu là công tác QG. Anh cho biết: “Muốn làm công tác QG tốt, không để đối tượng thông cung, tự sát, khi can phạm mới vào, phải tập trung giáo dục để họ biết sai phạm của mình, ăn năn hối cải, phối hợp với cơ quan điều tra và khai báo thành khẩn trước tòa để được khoan hồng...”. Không ngại khó, ngại khổ, khi tiếp nhận phạm nhân, anh Ngọc chịu khó tìm hiểu thân nhân gia đình, tính chất mức độ phạm tội để phân loại quản lý, giáo dục, cảm hóa. Nhờ đó mà hơn 15 năm làm QG, anh đã vực dậy biết bao con người lầm lỗi làm lại cuộc đời.

Thượng sĩ Phạm Thị Thúy Hồng, dù làm QG chưa lâu nhưng cũng để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng các CPN. Mấy tháng nay, một mình chị quản lý một phân khu CPN nữ với khoảng 25 người nên gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, chia sẻ với những con người trót lầm lỡ, chị đã dùng cái tâm của mình để giáo dục, giúp họ sớm trở về với gia đình. Chị hỏi thăm hoàn cảnh gia đình, cuộc sống, động cơ phạm tội của mỗi người. Khi những CPN ốm đau, chị quan tâm, chăm sóc chu đáo. “Những CPN nữ khi vào trại đều có tâm lý chán chường, có những biểu hiện bất thường. Để giúp ổn định tâm lý, tránh tự sát, người QG phải nhanh chóng tiếp cận, tâm sự, không coi thường mà xem họ như những người bạn để động viên, giáo dục”, chị Hồng bộc bạch.

Nguy hiểm vẫn không từ nan

Tâm lý tội phạm khi bị bắt, bị kết án đều bất cần đời, nhất là những đối tượng bị kết án nặng. Vì vậy, người QG luôn phải đứng trước những thách thức từ phía CPN. Thiếu úy Nguyễn Thanh Dũng, cán bộ QG phụ trách khu giam giữ phạm nhân trọng án, tử hình, chung thân chia sẻ: “Các bị can, bị cáo mang các tội giết người, cướp của khi vào trại đều rất hung dữ, bất hợp tác, không tuân thủ nội quy. Nguyên nhân là họ nghĩ không còn con đường nào để trở về với xã hội”. Trường hợp các bị cáo Phan Gia Lợi, Huỳnh Tấn Huy bị kết án tử hình trong vụ án hai băng nhóm thanh toán nhau xảy ra tại địa bàn quận Ngũ Hành Sơn năm 2007 khiến 1 người chết tại chỗ. Trong suốt 3 năm tạm giam để điều tra bổ sung, Huy và Lợi bất chấp pháp luật, thách thức cán bộ QG. Anh Dũng cùng đồng nghiệp là Đại úy Đoàn Ngọc Vinh khá vất vả để giáo dục. “Mưa dầm thấm lâu”, dần dần hai đối tượng cũng ý thức được tội lỗi của mình. Đầu tháng 8 vừa qua, trong quá trình xét xử phúc thẩm, Huy và Lợi đã thoát án tử hình, có cơ hội làm lại cuộc đời. Đây cũng là thành quả của quá trình giáo dục không biết mệt mỏi của cán bộ QG TTGHS.

Nguy hiểm nhất mà người QG phải đối mặt là phơi nhiễm các căn bệnh nguy hiểm, đặc biệt là HIV. Tuy nhiên, nói như Thiếu úy Lương Hoàng Hiệp, cán bộ quản giáo trẻ: Nếu sợ thì đã không theo nghề. Đã vào nghề thì dốc hết tâm trí mà không chút vướng bận. Mục đích của chúng tôi là giáo dục những con người lầm lỗi, giúp họ sớm trở về đoàn tụ với gia đình, để thành phố giảm phát sinh tội phạm...

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.