.

Những người không tham của rơi

.

Chỉ cần im lặng, họ sẽ có được một chiếc điện thoại xịn hoặc kiếm được vài chục triệu đồng của khách du lịch đánh rơi. Song, vì lương tâm, vì sự mến khách của người Đà Nẵng, họ đã tìm chủ nhân để trả lại... Họ là những người lao động bình thường, những nhân viên của Khu du lịch Cáp treo Bà Nà.

 

Mô tả ảnh.
3 nhân viên từ trái sang (em Nguyên, chị Lạc và anh Bình) được lãnh đạo các khách sạn tại Khu du lịch cáp treo Bà Nà động viên, khen ngợi.

 

Anh Ngô Văn Bình (SN 1983), là Tổ trưởng Tổ bảo vệ Khu du lịch Cáp treo Bà Nà ít nhất 10 lần anh nhặt và trả lại của rơi cho khách. Lần gần đây nhất là ngày 5-8. Anh kể, trong lúc làm nhiệm vụ tại khu vui chơi giải trí, anh phát hiện một chiếc ví da, trong có nhiều tiền, giấy tờ quan trọng. Các giấy tờ trong ví mang tên anh Nguyễn Trọng Việt (53 tuổi), trú phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội. Anh nhanh chóng báo cáo với Ban Giám đốc quản lý khách sạn để liên hệ với anh Việt trả lại. Trước đó khoảng mấy tháng, anh nhặt được một túi xách, trong túi có khoảng 40 triệu đồng. Sau khi liên hệ với người mất mới biết túi xách đó là của một cựu chiến binh tại Hà Tĩnh, trong lúc dẫn đoàn đi du lịch thì bỏ quên tại khách sạn. Anh Bình tâm sự: “Ai đi du lịch mà bị mất tài sản thì buồn lắm! Nếu mình nhặt được và trả lại, coi như đã đem niềm vui cho gia đình họ và mình cảm thấy vui lây”.

Còn chị Nguyễn Thị Lạc (SN 1974), trú xã Hòa Ninh - nhân viên tạp vụ cũng nhiều lần nhặt của rơi. Đặc biệt, trong đó có một lần nhặt số tài sản lớn khiến chị nhớ mãi. Chị kể: Vào một buổi sáng đầu tháng 7-2010, trong lúc dọn dẹp hành lang khách sạn, chị phát hiện 1 túi xách. Khi mở ra, trong túi có 5,5 triệu đồng tiền Việt, 9 chỉ vàng 999,9, 1 điện thoại đi động đắt tiền. Chị liên lạc với lễ tân và Ban lãnh đạo khách sạn để trả lại cho du khách. Được biết, hoàn cảnh của chị Lạc khó khăn, chồng làm phụ hồ, hai con đang ăn học. Tuy nhiên dù nghèo nhưng lương tâm chị không cho phép. “Sau khi trả lại tài sản cho du khách, họ viết thư cảm ơn chị, cảm ơn khu du lịch? Ban Giám đốc biểu dương hành động cao đẹp của chị. Em Lê Vĩnh Nguyên (SN 1990), mới vào làm chưa đầy một tháng cũng đã 3 lần nhặt được của rơi. Mỗi lần như vậy, Nguyên liên hệ với lễ tân, Ban Giám đốc khách sạn để trả lại cho khách.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Trường Sơn, Giám đốc quản lý các khách sạn, cho biết Khu du lịch Cáp treo Bà Nà hiện có gần 300 nhân viên. Gần 2 năm nay, các nhân viên thường xuyên nhặt được của rơi của khách và liên hệ để trả lại. Ngoài việc nhặt của rơi, các nhân viên còn kịp thời cấp cứu cho các trường hợp là khách du lịch bị bệnh huyết áp cao, đột quỵ, bệnh tim; dẫn dắt các trẻ lạc về với gia đình. “Đối với những nhân viên nhặt được của rơi trả lại cho khách hay giúp đỡ người khác, Ban Giám đốc và Tập đoàn Sun Group sẽ  thưởng nóng để động viên” - ông Sơn nói.

Gần đây, anh Nguyễn Trọng Việt - du khách Hà Nội, người được nhân viên Khu du lịch Cáp treo Bà Na trả lại của rơi, đã gửi bức thư cám ơn, có đoạn: “...Tình người Đà Nẵng khiến những du khách như chúng tôi thật sự ấn tượng và mong muốn lại đến với mảnh đất tình người này trong một ngày gần nhất...”.

Bài và ảnh:  TRƯỜNG SƠN

;
.
.
.
.
.