Nhiều vùng đất tại Đà Nẵng một thời bị quân đội Mỹ rải chất độc hóa học đang “sống” lại từng ngày. Màu xanh trở về qua bàn tay lao động cần mẫn của người dân. Bất chấp bao khó khăn, nhiều người quyết bám trụ không chỉ vì kế sinh nhai...
“Cây chanh ni trồng trầm trầy trầm trật mới lên được tới đây đó”, bà Đào nói. |
Màu xanh trên đất “trắng”
Trong ký ức của bà Nguyễn Thị Đào, sinh năm 1944, tổ 2, thôn Diêu Phong, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, hình ảnh xóm làng bị bao phủ bởi chất độc hóa học của quân đội Mỹ như bị rải... cám không thể phai mờ. Năm 1963, bà theo chồng về làm dâu tại thôn này. Chỉ 3 năm sau đó, toàn bộ dân làng phải tản cư bởi Diêu Phong là vùng chiến tranh. Năm 1975 bà Đào cùng người dân quay về thôn thì trước mắt chỉ còn lại sự tan hoang. “Nhà cửa bị đốt sạch. Cây cối chết hết, có chăng chỉ là cây dại, cỏ tranh mọc um tùm”, bà Đào hồi tưởng.
Họ bắt tay vào khai hoang, phủ xanh vùng đất này từ ngày ấy cho đến tận bây giờ. Theo ông Huỳnh Trung, Chi hội phó Hội Nạn nhân chất độc da cam xã Hòa Nhơn, thôn hiện có 165 hộ, hầu hết sống bằng nghề nông. Tuy nhiên, so với những vùng nông nghiệp khác, người dân thôn Diêu Phong phải bỏ công sức hơn mức bình thường để bù vào sự khắc nghiệt do mức độ ô nhiễm dioxin. “Có những cây lâu năm phát triển được 2, 3 mùa, rồi sau đó tự nhiên “lăn” ra chết. Trồng keo mà phải bón phân mới lên được”, ông Trung ví dụ. Với người làm nông như bà Đào, ở đây, không thể có chuyện ỷ lại độ màu mỡ của đất đai mà chỉ có ai thâm canh nhiều, cây cối mới cho năng suất tốt. Dù đã dùng tối đa sức lực, cũng trên từng ấy diện tích nhưng ở nơi khác có thể cho 50 ang lúa/sào, thì tại đây chỉ đạt 20 ang/sào là cùng. Chỉ vào cây chanh đang ra quả, bà Đào nói: “Trầm trầy trầm trật mới lớn được tới đó, nhưng chết hồi mô không chừng”.
Sống trên đất nhiễm
Theo chị Phương, nếu việc nuôi ong của vợ chồng chị thành công thì dự kiến các năm sau, Hòa Ninh sẽ là vùng đất lành cho những người di dân. |
Anh Mai Phước Quang, 32 tuổi, con trai bà Đào cũng như nhiều thế hệ trẻ tại đây vẫn ngày ngày làm rừng, trồng lúa, cây màu kiếm sống trên đất Diêu Phong. Có điều tâm lý hoang mang về mức độ phơi nhiễm dioxin đối với đời sống của họ vẫn thường trực. Anh Quang cho biết: “Hồi xưa mẹ tôi đâu có biết chất độc da cam là cái chi, và gây nguy hại như răng. Chừ thấy dân quanh đây rất nhiều người bị bệnh gai đốt sống và ung thư, tôi cũng lo ngại không biết có phải tại đất và nước bị nhiễm dioxin không nữa”. Anh Quang cho hay, hiện người dân thôn Diêu Phong vẫn dùng nước giếng bơm trực tiếp dưới đất lên sử dụng mà không qua bất kỳ khâu xử lý nào.
Dù phải đương đầu với những hậu quả khôn lường do quá khứ để lại, nhưng người dân ở những vùng từng bị rải chất độc hóa học vẫn sinh sống, chăm chỉ làm ăn cố vượt qua khó khăn. Có nơi còn trở thành “đất lành chim đậu”.
Tình cờ trên đường lên xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, chúng tôi bắt gặp một cặp vợ chồng trẻ sinh năm 1979 vừa di cư từ Daklak đến khởi nghiệp với việc thử nghiệm nuôi ong. Đó là chị Trần Thị Phương và anh Trần Đình Tiến. Lán trại của họ nằm giữa rừng keo và tràm tại thôn Đông Sơn, nơi cách đó không xa là những đồi trọc ghi dấu một thời chiến tranh. Bước đầu, anh chị nuôi 100 thùng, mỗi thùng có từ 7 - 8 cầu ong. Ước tính, một cầu ong sẽ cho 8 lạng mật. Anh Tiến cho biết, Đông Sơn được phủ xanh bởi cây tràm và cây keo. Hai loại cây này nhiều khả năng cho mật tốt vì từ tháng 4-11 hằng năm, đất ở đây có độ ẩm tương đối ổn định. Theo anh chị, nếu năm nay việc nuôi ong thành công, họ sẽ quay lại vùng đất này và chắc chắn còn có nhiều người nữa chọn “đất lành” Đông Sơn làm chỗ trú chân.
THU HOA - BĂNG CHÂU